1. Tỉnh nào có "cổng trời thời gian"?
Giữa đất trời An Giang, chiếc "cổng trời" với những hoa văn, chi tiết được chạm khắc tinh xảo có sức hút với khách du lịch và người dân địa phương. Công trình tọa lạc tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, là kiến trúc cổ độc đáo của người Khmer. Ngoài tên "cổng trời thời gian", "cổng trời An Giang" hay cổng chùa Koh Kas là những cách gọi khác của công trình này. Trên đường từ "cổng trời" vào chùa, bạn có cơ hội ngắm nhìn ruộng lúa vàng ươm, hàng cây thốt nốt xanh mướt hay hòa mình trên con đường làng uốn lượn quanh co... Ảnh: Daika.bao. |
2. Đèo nào dưới đây còn có tên Cổng Trời?
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) dài gần 50 km, nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đỉnh đèo giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với tên Cổng Trời, nằm ở độ cao 2.073 m so với mực nước biển. Từ đây, bạn có cơ hội chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ của Sa Pa, cung đường uốn lượn của đèo Ô Quy Hồ, xa xa là thác Bạc và dãy Hoàng Liên Sơn... Ảnh: Trangchuot0903. |
3. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) có "cổng trời" nổi tiếng nào?
Với địa thế “lưng tựa núi, mặt hướng biển”, mũi Nghinh Phong là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi đến Vũng Tàu. Khu vực này nổi tiếng với hoạt động bơi lội, leo núi và chụp ảnh dưới hoàng hôn. Góc lên hình "ăn khách" ở mũi Nghinh Phong chính là cánh "cổng trời" với tông màu vàng hút mắt. Chiếc cổng không lớn, cũng chẳng có kiến trúc quá đặc biệt. Tuy nhiên, khi bước qua cánh cổng này, bạn sẽ cảm nhận rõ vẻ đẹp hoang sơ miền biển. Ảnh: Imminhhien00. |
4. "Cổng trời" view biển trong hình nằm ở đâu?
Cánh "cổng trời" được xây dựng tại Bãi Trường (Phú Quốc) gây ấn tượng với lối thiết kế hình mặt người tách làm đôi độc đáo. Công trình có mặt hướng về đất liền, ở giữa là lối đi nhỏ tựa cánh cổng mở, vừa để du khách có thể đứng chụp hình, vừa dẫn dắt bạn ra bãi biển. Ảnh: Vogueuplikethis. |
5. Ngôi chùa nào ở Lâm Đồng có "cổng trời" hút giới trẻ check-in?
Chùa Linh Quy Pháp Ấn nằm giữa đại ngàn đầy yên bình trên đồi 45, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Nơi đây sở hữu kiến trúc độc đáo, điểm nhấn là cánh cổng Thần Đạo uy nghiêm được ví như "cổng trời". Cánh cổng phảng phất nét kỳ bí nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Công trình càng thu hút sự chú ý của giới trẻ kể từ khi xuất hiện trong bối cảnh một MV của Sơn Tùng M-TP. Ảnh: _pupu1110. |
6. Cổng trời Mường Lống thuộc tỉnh nào?
Cổng trời Mường Lống, thuộc xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Cổng trời nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 300 km. Thời tiết ở đây mát mẻ quanh năm, lý tưởng cho du khách cắm trại hay trekking. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp mây trời và khám phá văn hóa đặc sắc của vùng cao khi đến nơi này. Ảnh: Cao San Din. |
7. Di tích nào được xem là "cổng trời" trên đỉnh đèo Ngang?
Hoành Sơn Quan được xây bằng gạch đá vào năm 1833 (thời vua Minh Mạng), nhằm kiểm soát việc qua đèo Ngang. Người dân địa phương thường gọi di tích trên là "cổng trời", nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất. Hơn trăm năm qua, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính với nhiều dấu tích, chữ được khắc vào tường. Từ Hoành Sơn Quan nhìn ra là đồng ruộng, núi đồi, biển cả và quốc lộ 1 chạy qua. Ảnh: Phạm Trường, Tiến Đạt. |