Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi lo 'biến mất khỏi bản đồ' của Hàn Quốc

Dường như Hàn Quốc đang trông cậy vào người lao động nhập cư để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng.

lao dong han quoc anh 1

Hôm 6/12, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể biến mất khỏi bản đồ thế giới nếu không thực hiện chính sách nhập cư hiệu quả, Korea Times đưa tin.

"Chúng tôi đã trải qua giai đoạn cân nhắc xem có nên thực hiện các chính sách nhập cư hay không. Bởi nếu không, chúng ta không thể thoát khỏi số phận tuyệt chủng do thảm họa nhân khẩu học", ông Han cho biết trong cuộc gặp với các nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) tại Quốc hội ở Seoul.

Hàn Quốc đang có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, bất chấp nước này đã chi 212 tỷ USD trong 15 năm qua để ngăn chặn khủng hoảng nhân khẩu học, theo Nikkei Asia.

lao dong han quoc anh 2

Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon phát biểu về chính sách nhập cư hôm 6/12. Ảnh: Yonhap.

Tuy nhiên, ông Han nói rõ rằng việc thành lập cơ quan nhập cư như dự kiến ​​không có nghĩa chính sách sẽ hoàn toàn thân thiện với người nước ngoài.

"Các chính sách mà chúng tôi hướng tới không chỉ đơn giản là tiếp nhận một lượng lớn người nước ngoài. Chúng tôi sẽ chỉ chấp nhận những công dân nước ngoài đáp ứng nhu cầu dựa trên những đánh giá kỹ lưỡng, đồng thời tăng cường trấn áp những người nhập cư không có giấy tờ", Han nói.

Theo đó, mục đích của cơ quan nhập cư là hiện thực hóa lợi ích thiết thực của đất nước và người dân, chứ không phải quảng bá văn hóa vì mục đích nhân đạo.

Người lao động nhập cư không được coi trọng

Theo Nikkei Asia, Hàn Quốc là quốc gia có luật nhập cư nghiêm ngặt.

Từ năm 1990, nước này bắt đầu chấp nhận người lao động nước ngoài tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực phải làm nhiều giờ và lương thấp, đặc biệt là sản xuất và nông nghiệp.

Đến năm 2019, số người lao động nước ngoài đã tăng lên hơn 2,5 triệu, chiếm 4,9% dân số Hàn Quốc. Trong đó, số người nước ngoài chiếm tỷ lệ đông nhất là Trung Quốc, đến Việt Nam rồi Thái Lan.

Giống như nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia từ lâu đã đối mặt với già hóa và chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài, Hàn Quốc cũng là một trong những nền kinh tế hàng đầu đang đối mặt vấn đề tương tự.

Hàn Quốc chỉ để lao động nước ngoài làm công việc phổ thông trong các nhà máy, trang trại, nghành thủy sản. Các trường hợp người lao động nhập cư phải chịu đựng điều kiện làm việc không đạt tiêu chuẩn và bị ngược đãi thường xuyên gây xôn xao dư luận.

lao dong han quoc anh 3

Người lao động nhập cư ở Hàn Quốc phải đối mặt với thời gian làm việc cao, lương thấp, bị phân biệt đối xử. Ảnh: Yonhap.

Mùa đông năm 2020, một phụ nữ trẻ người Campuchia đã chết trong khi ngủ tại một trang trại ở vùng nông thôn. Thi thể của cô được tìm thấy trong một căn nhà tạm bợ, cách nhiệt kém và không có máy sưởi hoạt động.

Trường hợp của cô cho thấy người lao động có thể bị tổn thương khi gặp phải những ông chủ không cung cấp chỗ ở tươm tất, đồng thời buộc họ phải làm việc nhiều giờ một cách tàn nhẫn.

Những người ủng hộ tiếp tục gây sức ép lên chính phủ Hàn Quốc ban hành các tiêu chuẩn nơi làm việc chặt chẽ hơn, thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của người lao động nước ngoài.

"Chúng ta phải xóa bỏ ý tưởng vô nhân đạo rằng người lao động nước ngoài là nhân công giá rẻ, có thể cho làm việc trong môi trường tồi tàn, sau đó bị đưa về nước. Mạng sống và sự an toàn của họ rất quan trọng", Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố vào tháng 10/2023.

Có dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc sắp thay đổi. Các chủ doanh nghiệp bắt đầu kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật, giúp người nước ngoài dễ dàng nhận việc hơn trong những lĩnh vực khó tuyển dụng nhân viên, như nhà hàng, nhà nghỉ và dịch vụ chuyển phát nhanh.

Năm nay, nước này đã tăng số lượng thị thực tối đa dành cho người lao động nhập cư nước ngoài lên 110.000. Năm ngoái, con số là 88.000 - cũng là mức cao nhất mọi thời đại, tăng mạnh so với con số 51.000 trước đại dịch vào năm 2019.

Hàn Quốc cũng triển khai các biện pháp khác nhau để hỗ trợ người nhập cư trở thành thường trú nhân. Ví dụ, lao động nước ngoài có thể kết hôn với người Hàn để trở thành thường trú nhân.

Nhiều chương trình hộ trợ người nhập cư cũng được triển khai, như tư vấn và giáo dục ngôn ngữ.

Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Hàn Quốc có sẵn sàng để tiếp nhận lượng lớn người nước ngoài không thông thuộc địa hình và ngôn ngữ.

Trông cậy lao động nhập cư để giải quyết khủng hoảng

Tháng 9 năm nay, chính phủ Hàn Quốc công bố chương trình thí điểm cho phép 100 người giúp việc nước ngoài bắt đầu làm việc ở Seoul, sớm nhất vào tháng 12, CNN đưa tin.

Kế hoạch này là một trong những nỗ lực để giải quyết vấn đề dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp và thiếu lao động trong nhiều ngành nghề.

lao dong han quoc anh 4

Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực tăng lao động nhập cư để ngăn khủng hoảng dân số.

Gánh nặng chăm sóc con cái và làm việc nhà từ lâu được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm ở Hàn Quố. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt tăng, ngày càng nhiều phụ nữ có học thức không muốn tạm dừng sự nghiệp để sinh con cũng làm vấn đề trầm trọng hơn.

Một báo cáo của chính phủ mới đây cho thấy trong số những người dân ở độ tuổi 19-34, hơn một nửa cho biết họ không thấy cần thiết phải có con, ngay cả sau khi kết hôn.

Việc chính phủ đề xuất tăng giới hạn số giờ làm việc mỗi tuần lên 69 giờ càng gây ra phản ứng dữ dội trong giới lao động trẻ, khiến họ càng muốn từ bỏ kế hoạch kết hôn, sinh đẻ.

Một số chính trị gia đã kêu gọi chính phủ nhập khẩu lao động nước ngoài để giúp giảm bớt gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ trong làm việc nhà, chăm con.

Năm ngoái, thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cũng đề xuất kế hoạch tương tự.

Ông chỉ ra ở các nền kinh tế châu Á phát triển như Hong Kong hay Singapore, người lao động nhập cư và người giúp việc là một phần thiết yếu của cơ cấu kinh tế xã hội.

Theo quy định hiện hành, Hàn Quốc chỉ cho phép người nước ngoài có thị thực cụ thể (như cư dân dài hạn, người di cư kết hôn và người Hàn Quốc đến từ nước ngoài) làm công việc dọn phòng hoặc chăm sóc trẻ em.

Chương trình thí điểm mới lần này nhằm mục đích mở rộng cơ hội làm việc đó cho những người có thị thực E-9 - những người lao động nước ngoài làm các công việc “không chuyên nghiệp”.

Nhưng số tiền phải trả cho người giúp việc lại là một bài toán khó khác.

Trung bình, người giúp việc không ở lại nhà chủ được trả 15.000 won/giờ (11,4 USD), và những người sống cùng nhà với chủ được trả 4,5 triệu won/tháng (3.415 USD). Con số này quá cao so với mức các vợ chồng trẻ có thể chi trả.

"Thu nhập trung bình tháng của một hộ gia đình 4 người là khoảng 5,04 triệu won (khoảng 3.827 USD). Ngay cả đối với tôi, 2 triệu won (1.518 USD) cũng là số tiền cực kỳ nặng nề", một thành viên của nhóm cố vấn chính phủ cho biết tại diễn đàn công khai ngày 31/7 do Bộ lao động tổ chức.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Cựu phu nhân nhà giàu lên TV khóc xin tiền cho con du học Mỹ

Tiêu gần hết tài sản được chia khi ly hôn, cô Trịnh lên truyền hình khóc lóc cầu xin khán giả góp tiền cho con gái mình học ở trường đắt đỏ của nước Mỹ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm