Nhiều nam giới trẻ Hàn Quốc quan tâm đến các sản phẩm trang điểm, làm đẹp. Ảnh: Brute Choi. |
Chiều 31/8, một hàng người xếp hàng kéo dài hơn 50 m bên ngoài tòa nhà Soo Karaoke ở quận Mapo, Seoul (Hàn Quốc). Không phải đám đông đang chờ để vào hát. Thay vào đó, dưới cái nóng oi ả trên 30 độ C, họ đang háo hức chờ đợi để được vào cửa hàng pop-up "Men's Beauty" của CJ Olive Young.
Bên trong, cửa hàng chật kín khách thử sản phẩm, hầu như không còn chỗ để di chuyển. Những chàng trai trẻ đang nghiêm túc trải nghiệm các loại kem vừa kết hợp dưỡng ẩm, chống nắng và làm đều màu da, hay các loại son dưỡng môi có màu tự nhiên. Nhiều anh chàng đã mua các sản phẩm được bạn gái giới thiệu, theo Koreatimes.
Đây là cửa hàng pop-up làm đẹp đầu tiên dành cho nam giới của CJ Olive Young kể từ khi công ty thành lập. Ban đầu, những người tổ chức không chắc chắn về sự thành công của cửa hàng, vì luôn có những câu hỏi như "Tại sao đàn ông lại trang điểm?".
Để đề phòng, đơn vị tổ chức thậm chí còn dựng một gian hàng cho thương hiệu dao cạo râu Gillette ở lối vào. Tuy nhiên, sự thận trọng này không cần thiết.
Trong hơn 10 ngày (từ 30/8 đến 8/9), cửa hàng đã đón hơn 12.000 lượt khách. Chỉ riêng ngày 7/9, đã có khoảng 2.000 người ghé thăm. Theo người phát ngôn công ty, 80% khách hàng ghé là nam giới, cho thấy tiềm năng của thị trường đang phát triển này.
Tiềm năng chưa được khai thác
Thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới ở Hàn Quốc đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Dù thói quen trang điểm toàn bộ mặt chưa quá phổ biến ở nam giới, song những người trong ngành đã nhận thấy ngày càng nhiều nam giới ở độ tuổi 20 thích trang điểm nhẹ nhàng, tập trung vào làm sáng tông màu da hoặc che đi khuyết điểm.
Để đáp ứng nhu cầu này, một số công ty đã nhanh chóng tung ra các sản phẩm kết hợp chăm sóc da cơ bản với hiệu ứng trang điểm, tạo tiền đề cho một phân khúc thị trường mới. Điều này cũng khiến các thương hiệu mỹ phẩm lớn mở rộng dòng sản phẩm dành cho nam giới.
Đám đông tụ tập tại cửa hàng pop-up về mỹ phẩm dành cho nam giới do CJ Olive Young mở. Ảnh: Park Jun-seok/Koreatimes. |
Kim Jung Won (26 tuổi), chủ kênh YouTube về chăm sóc vẻ ngoài cho nam giới với 320.000 người đăng ký, là nhân chứng trực tiếp cho tiềm năng chưa được khai thác của thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới.
Kim bắt đầu đăng các video chia sẻ mẹo chăm sóc da, làm tóc và trang điểm cho nam giới từ năm 2019, song ban đầu nhận về phản ứng khá thờ ơ. Kênh của anh duy trì ở mức khoảng 10.000 người đăng ký trong thời gian dài, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi kỷ nguyên "không đeo khẩu trang" xuất hiện vào năm 2023, số lượng người theo dõi kênh của Kim bắt đầu tăng vọt, nhiều nam thiếu niên đến độ tuổi đầu 20 hay thắc mắc những câu như "Tôi muốn chải chuốt bản thân một chút nhưng không biết bắt đầu từ đâu".
Kim Jung Won có kênh YouTube chuyên chia sẻ kỹ năng làm đẹp cho nam giới. |
Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm dễ tiếp cận, Kim đã cho ra mắt thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới Doingwhat vào tháng 7/2023.
Đúng là nhiều nam giới trẻ xứ kim chi đang mở hầu bao để mua các sản phẩm làm đẹp.
Một công ty ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới vào năm 2022 gần đây báo cáo doanh số hàng tháng đạt hơn 1 tỷ won (750.000 USD) chỉ thông qua chuỗi cửa hàng CJ Olive Young, doanh số hàng năm hơn 10 tỷ won chỉ riêng với dòng sản phẩm dành cho nam giới.
Một loại sữa dưỡng làm săn chắc da của một công ty khác, có tác dụng dưỡng ẩm, chống nắng và hiệu chỉnh da, bán được hơn 10.000 sản phẩm mỗi tháng nhờ khách hàng truyền tai nhau.
"Do vẫn còn nhiều định kiến trong xã hội về việc đàn ông trang điểm nên nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc đơn giản có thể sử dụng như lotion đang rất cao", người phát ngôn của CJ Olive Young cho biết.
Doanh số tăng vọt
Các nền tảng thời trang như Musinsa, phổ biến với nam giới ở độ tuổi 20 và 30, cũng ghi nhận sự gia tăng doanh số bán các sản phẩm chăm sóc nam giới. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, doanh số của 5 thương hiệu lớn dành cho nam giới, bao gồm Dashu và Forbeaut, đã tăng gần 150% so với năm trước.
Để tận dụng xu hướng này, Musinsa thậm chí còn thành lập một khu vực làm đẹp dành riêng cho nam giới tại sự kiện trực tiếp lớn nhất của hãng, "Musinsa Beauty Festa IN Seongsu", được tổ chức tại Seongsu-dong từ ngày 6 đến ngày 8/9.
Tương tự, Daiso báo cáo doanh số bán mỹ phẩm dành cho nam giới tăng 154% từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Tại Cửa hàng bách hóa Lotte, 10% khách hàng đến dịch vụ phân tích da "Thẩm mỹ viện" là nam giới.
Một cửa hàng pop-up do Musinsa tổ chức trong Beauty Festa tại Seongsu-dong, Seoul. Ảnh: Park Kyung-dam. |
Các công ty mỹ phẩm đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm dành cho nam giới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này. "BeREADY" của Amorepacific, một thương hiệu nhắm đến nam giới ở độ tuổi 20, là một ví dụ điển hình.
Sản phẩm "True Tone Lotion" của thương hiệu này kết hợp hiệu quả chăm sóc da, chống nắng và kem BB, đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong danh mục dành cho nam giới trên cả Olive Young và Musinsa ngay sau khi ra mắt vào tháng 7/2023.
Một lãnh đạo tại nhà sản xuất ODM Cosmax cho biết: "Chúng tôi đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các thương hiệu về việc sản xuất mỹ phẩm dành cho nam giới".
"Những chàng trai ở độ tuổi cuối thiếu niên đến đầu 20 có nhu cầu chăm chút bản thân mạnh mẽ hơn hẳn so với thế hệ ở độ tuổi cuối 20", một người trong ngành cho hay.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.