Một cảnh trong Exhuma, bộ phim về chủ đề Shaman giáo. |
Năm 2007, tờ New York Times đưa tin có 300.000 pháp sư ở Hàn Quốc. Nói cách khác, cứ 160 người dân thì có một pháp sư. Điều đó nhấn mạnh sự hồi sinh của đạo Shaman ở một quốc gia nổi tiếng với công nghệ phát triển.
Nguồn gốc của con số này được trích dẫn là từ Hiệp hội thờ cúng Hàn Quốc, có khả năng ám chỉ đến tổ chức pháp sư lớn nhất của đất nước là Liên đoàn Kyungsin Hàn Quốc (Gyeongcheon Shinmyeonghoe). Nhóm này tiếp tục khẳng định rằng thực sự có 300.000 pháp sư ở xứ củ sâm.
Điều đó có nghĩa là ở Hàn Quốc, số pháp sư nhiều hơn cảnh sát (khoảng 130.000 người) và giáo viên tiểu học (khoảng 190.000 người), theo Korea Times.
Tuy nhiên, vấn đề là không có cách cụ thể nào để xác minh con số 300.000 pháp sư được báo cáo rộng rãi này. Chính phủ Hàn Quốc không có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào về số pháp sư, và cũng không có cuộc khảo sát chính thức nào để ghi lại quy mô của cộng đồng này.
Vùng xám
Các pháp sư ở Hàn Quốc có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng cũng không có ở đâu cả: Trong khi các cửa hàng bói toán xuất hiện khắp các thành phố, nghi lễ pháp sư phủ sóng trên mạng xã hội lẫn truyền hình, giới chức trách lại đối xử với họ như thể họ không tồn tại.
Không có hệ thống nào quản lý các hoạt động của pháp sư và chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tiêu chí chính thức nào để công nhận đạo Shaman.
Số lượng pháp sư có thể được ước tính sơ bộ thông qua dữ liệu từ cuộc điều tra hàng năm của Cục Thống kê Quốc gia về các doanh nghiệp tư nhân. Năm 2022, có 9.391 doanh nghiệp được phân loại theo "bói toán và các dịch vụ liên quan", với 10.194 người được tuyển dụng. Con số này thấp hơn đáng kể so với 300.000 mà các hiệp hội pháp sư tuyên bố.
Các pháp sư Shaman giáo xuất hiện trên mạng xã hội và chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: Exhuma. |
Hơn nữa, một số lượng lớn các pháp sư hoạt động mà không đăng ký doanh nghiệp với Cục Thuế Quốc gia, khiến việc đánh giá quy mô thực tế của ngành này trở nên khó khăn.
Trong một cuộc khảo sát do Hankook Ilbo thực hiện với 129 pháp sư, 61% thừa nhận không có đăng ký kinh doanh. Không giống như chủ nhà hàng hoặc người điều hành khách sạn, pháp sư không bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp của mình với chính quyền địa phương, điều này có thể dẫn đến trốn thuế.
Một viên chức của Cục Thuế Quốc gia khẳng định: "Hầu hết thầy bói đều được miễn thuế vì họ được coi là những người hành nghề quy mô nhỏ. Tuy nhiên, một số thầy bói có thu nhập cao phải nộp thuế và những cá nhân đó đã được đăng ký".
Nhưng bản thân các pháp sư lại kể một câu chuyện khác. Nhiều người có thu nhập rất cao nhưng không hề nộp thuế.
"Tôi tiếp khoảng 10 khách hàng một ngày và kiếm được khoảng 30 triệu won (23.000 USD) một tháng. Tôi không ghen tị với mức lương của bác sĩ hay luật sư", một pháp sư ở quận Nonhyeon, thủ đô Seoul, nói và cho biết thêm rằng mình không có giấy phép kinh doanh.
Nhiều pháp sư hoạt động trong vùng xám, có thu nhập khủng nhưng không đóng thuế. Ảnh: Korea Times. |
Không chỉ các cửa hàng bói toán mà cả các phòng nghi lễ và không gian cầu nguyện cũng hoạt động trong vùng xám. Vào tháng 8, khi phóng viên của Hankook Ilbo đến thăm một phòng nghi lễ ở Goyang, tỉnh Gyeonggi, để phỏng vấn, chủ sở hữu đã trả lời: "Nếu cái này được công bố, tôi sẽ bắt đầu phải nộp thuế, đúng không?".
Ở những nơi như núi Inwang của Seoul, một số pháp sư đã chiếm đất rừng quốc gia, tính phí khách hàng khi sử dụng không gian cầu nguyện của họ.
Một viên chức của Văn phòng Lâm nghiệp Quốc gia Seoul cho biết: "Về nguyên tắc, rừng quốc gia nên được sử dụng cho mục đích công cộng hoặc bảo tồn, vì vậy không được phép sử dụng không gian cầu nguyện như thế này. Chúng tôi sẽ ban hành lệnh khắc phục hoặc phạt tiền nếu phát hiện các cơ sở trái phép".
Công nhận nhưng không quản lý
Chính phủ Hàn Quốc không có lập trường rõ ràng về cách phân loại Shaman giáo.
Lee Seong-jae, giám đốc Gyeongcheon Shinmyeonghoe, cho biết Shaman giáo (moosok trong tiếng Hàn) đã được công nhận là một tôn giáo, trích dẫn tư cách thành viên năm 2019 của nó trong Liên đoàn Tôn giáo Quốc gia Hàn Quốc, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Liên đoàn này bao gồm 12 tổ chức, bao gồm Cheondoism và Won Buddhism cùng nhiều tổ chức khác.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn khẳng định rằng họ không có quy trình chính thức để công nhận bất kỳ tôn giáo cụ thể nào, do nguyên tắc hiến pháp tách biệt nhà thờ và nhà nước.
Một đại diện của Bộ Văn hóa cho biết: "Mặc dù Liên đoàn các tôn giáo quốc gia là một thực thể pháp lý được Bộ ủy quyền, nhưng điều này không có nghĩa chính phủ đã chính thức công nhận bất kỳ tôn giáo nào. Tư cách thành viên được quyết định bởi các điều lệ và thủ tục riêng của liên đoàn".
Đạo Shaman được công nhận nhưng không có sự hỗ trợ từ chính phủ như những tôn giáo lớn khác. Ảnh: Korea Times. |
Về bản chất, chính phủ không quyết định thế nào là "tôn giáo hợp pháp", nhưng họ đối xử với các tôn giáo đã được công nhận như Phật giáo, Thiên chúa giáo và Công giáo khác với đạo Shaman, đặc biệt là về mặt hỗ trợ tài chính.
Bộ văn hóa có một số chương trình nhằm hỗ trợ các tôn giáo lớn. "Nhiều chương trình của chúng tôi nhắm vào các tôn giáo đã thành lập như Phật giáo, Thiên chúa giáo và Công giáo. Trong số các tôn giáo quốc gia, chỉ có Thiên Chúa giáo và Phật giáo Won nhận được sự hỗ trợ của chính phủ", viên chức của Bộ giải thích.
Ngược lại, Shaman giáo lại không được đề cập đến trong báo cáo năm 2018 của bộ này về bối cảnh tôn giáo ở Hàn Quốc.
Tòa án Hàn Quốc đôi khi coi các nghi lễ Shaman là hoạt động tôn giáo hợp pháp. Vào tháng 6, tòa án quận Suwon đã tuyên trắng án cho một pháp sư bị buộc tội gian lận vì đã nhận 31,8 triệu won để thực hiện nghi lễ cho một vị khách nhằm đảm bảo ân xá sớm cho con gái đang bị giam giữ.
Tòa án phán quyết "không thể khẳng định chắc chắn rằng nghi lễ này vượt quá ranh giới của phong tục truyền thống hoặc các tập tục tôn giáo".
Mặc dù Shaman giáo được chính thức công nhận là di sản văn hóa, sự hỗ trợ cho các hoạt động của Shaman giáo vẫn còn hạn chế. Cục Di sản Quốc gia hiện chỉ định 12 nghi lễ Shaman giáo là di sản văn hóa phi vật thể. Những người thực hành các truyền thống này, còn được gọi là người mang di sản phi vật thể (trước đây là tài sản văn hóa của con người), nhận được 2 triệu won/tháng (1.440 USD), trong khi những người giáo dục truyền thống nhận được 900.000 won (648 USD).
Sự công nhận này chỉ mở rộng đến một bộ phận nhỏ trong cộng đồng pháp sư rộng lớn. Trong số các pháp sư được chính phủ công nhận, chỉ có 3 người hành nghề kiếm sống bằng nghề pháp sư chuyên nghiệp.
Bin Soon-ae (65 tuổi), người đứng đầu Hội Bảo tồn Gangneung Danoje, cho biết: "Mặc dù công việc chính của tôi là giảng dạy và bảo tồn nghi lễ Gangneung Danoje, tôi vẫn tiếp khách khi không có lễ hội. Sự chênh lệch thu nhập rất lớn. Các pháp sư tập trung vào các nghi lễ truyền thống gặp khó khăn về tài chính trừ khi họ có các sự kiện văn hóa hoặc biểu diễn".
Cho Seong-je, giám đốc Viện nghiên cứu văn hóa Mucheon và là chuyên gia về Shaman giáo, đã chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ. "Chính phủ đang đẩy các pháp sư Shaman ra ngoài lề trong khi vẫn công nhận một số hoạt động của họ là di sản văn hóa. Cần phải có một cuộc điều tra tìm hiểu thực tế cơ bản để quản lý và nghiên cứu Shaman giáo một cách đúng đắn".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.