Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Nữ shipper U50, thu nhập 40 triệu đồng/tháng ngày giãn cách

Hơn 2 năm làm shipper công nghệ, từng bị chồng ngăn cản hay bất lực khóc trên đường, nhưng chị Đào Thị Hương chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ công việc này.

Hơn 2 năm làm shipper công nghệ, từng bị chồng ngăn cản hay bất lực khóc trên đường, nhưng chị Đào Thị Hương chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ công việc này.

- Alo, anh Tuấn phải không ạ? Tôi giao hàng, giờ anh có nhận được không ạ?

- Dạ khoảng 5 phút nữa tôi tới, anh xuống lấy nhé. Cảm ơn anh.

Khoảng 5 phút sau, chị Hương di chuyển từ đường Tôn Đức Thắng đến địa điểm tiếp theo trên đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) giao hàng cho một thanh niên chạc 30 tuổi. Hơn 2 năm qua, nữ shipper nằm lòng quy trình cũng như cách cư xử lịch sự, tôn trọng khách hàng như vậy, dù người nhận lớn tuổi hay chỉ bằng con cháu chị.

Vào những đợt ưu đãi cao điểm của các sàn thương mại điện tử như dịp cuối năm này, một ngày của chị Hương thường bắt đầu từ 4h để kịp lo cơm nước cho cả nhà và đến kho tại quận 1 lúc 6h, đăng ký số lượng đơn sẽ giao.

Nếu chỉ trò chuyện qua lớp khẩu trang, ít ai tưởng tượng chị Hương sắp bước sang ngưỡng 50. Ở chị toát ra nguồn năng lượng tích cực, nhiệt huyết không thua kém bất kỳ shipper trẻ nào. Chị nói vui xen chút tự hào: “Một ngày, tôi giao trên dưới 100 đơn hàng, có khi hơn nhiều thanh niên trẻ. Nghe các em nhân viên tiết lộ, tôi mới biết thu nhập của mình thuộc top đầu đội ngũ shipper Ahamove”.

Người phụ nữ cũng hiểu kết quả ấy không tự nhiên đến. Chị nhớ rõ thái độ của chồng khi ngỏ ý làm shipper: “Phụ nữ nên ở nhà nấu ăn, đừng lang thang ngoài đường như đàn ông”. Thế nhưng bản tính thích ngao du, đi đây đi đó kết giao với mọi người, chị thuyết phục chồng đồng ý cho làm vài tiếng mỗi ngày.

Chị khởi động bằng buổi học phổ biến quy trình giao hàng, cách xử lý các tình huống thường gặp từ Ahamove. Ban lãnh đạo cũng khuyến khích chị và đội ngũ tài xế mới nỗ lực để số đơn bị hủy ở mức thấp nhất có thể.

Những ngày chập chững gia nhập đội ngũ áo cam, chị chủ động nhận vào đội “cồng kềnh” chuyên giao sản phẩm kích thước lớn. Các bạn tổng đài viên nhìn chị e ngại, bởi nhiều shipper nam trẻ còn khó hoàn thành.

Chị Hương không thể quên ngày đầu nhận giao đơn trong 4 giờ ở quận Bình Tân (TP.HCM) trong khu vực hẻo lánh, vắng người qua lại. Chị bật khóc khi lạc giữa khu nghĩa trang và bản đồ trên mạng cũng không thể tìm ra địa chỉ người nhận. Ý nghĩ hủy toàn bộ đơn hàng chiều hôm ấy bao trùm tâm trí nữ shipper. Thế nhưng nhớ về lời hứa mua lon sữa cho cháu gái khiến chị không thể bỏ cuộc mà tiếp tục hành trình giao nốt 3 đơn còn lại.

Biết mình lớn tuổi và không chạy xe nhanh như các bạn trẻ, chị tận dụng sự kiên nhẫn của người từng trải, đồng thời tiết kiệm thời gian bằng cách gọi khách hàng kế tiếp khi đang ở điểm giao trước. Khách nào không nghe máy, nữ shipper tìm đủ cách liên hệ để hoàn thành đơn hàng. Kinh nghiệm tích lũy từng ngày giúp chị Hương được nhận vào đội giao hàng thương mại điện tử với số đơn ổn định, mang lại thu nhập cao hơn.

Mất mấy ngày bỡ ngỡ áp dụng quy trình vận hành, sắp xếp hàng hóa một cách khoa học, tháng lương đầu chị nhận về 8-10 triệu đồng. “Mức thu nhập không tệ. Công việc có khó khăn nhưng rất thú vị. Sau tuần đầu trải nghiệm, tôi đã khẳng định với chồng sẽ gắn bó lâu dài”, chị Hương kể lại.

Ban ngày, chị tập trung giao ở khu vực quận 1 và 7 do khách từ các công ty thường làm việc trong giờ hành chính. Chiều tối, chị chuyển qua địa điểm nhiều dân cư sinh sống như quận 4. Có ngày trời mưa lớn, nước dâng đến yên xe, suy nghĩ và hành động đầu tiên của nữ shipper là che chắn thật cẩn thận thùng hàng phía sau, mặc cho cả người đang ướt nhẹp. Bởi chỉ cần một đơn hư hỏng đồng nghĩa chị phải bỏ tiền túi hoàn cho khách.

Ahamove anh 1

Không ít lần khác, chị có những bữa cơm ăn vội, lẫn cả nước mưa hay chỉ kịp chợp mắt ở kho buổi trưa, về nhà không trước 22h vào đợt sale lớn. Khách hàng khó tính thì gần như gặp hàng ngày. Tình huống phổ biến nhất là sàn không cho đồng kiểm trong khi khách nhất quyết muốn xem hàng trước.

Nhiều người nhỏ tuổi hơn nhưng nặng lời khi chị chia sẻ về chính sách không đồng kiểm. Không ít trong số đó từ chối nhận hàng. Những lúc như thế, chị Hương đành nhẹ nhàng trả lời, nén lại lo lắng và nỗi buồn: “Dạ nếu anh/chị không nhận, em xin phép trả lại kho”.

Một số người lại không ký nhận vì lo ngại tiếp xúc gần thời dịch. Chị nhiều lần phải thuyết phục khách bởi nếu không có chữ ký, nữ shipper xem như chưa hoàn thành đơn. Sau những lần như vậy, chị đề xuất công ty tìm giải pháp thay thế bước này để giảm gánh nặng cho anh em shipper. Tuy cố gắng trao đổi, công ty chưa đưa ra phương thức cải thiện. Đây cũng là điểm duy nhất chị chưa hài lòng khi làm việc tại Ahamove.

Chị cũng không tránh khỏi những “tai nạn nghề nghiệp” như giao nhầm đơn cho khách trùng tên ở cùng địa điểm, hay phải đền bù do khách đồng kiểm khi chưa hoàn tất đơn. Mỗi lúc như vậy, may mắn chị vẫn có Ahamove hỏi han, nhắc nhở giao lại hoặc hỗ trợ 50-80% giá trị đơn phải hoàn trả. Nhờ đó, nữ shipper cảm nhận luôn có người đồng hành bên cạnh.

Điểm đặc biệt khác ở người phụ nữ này là chị vẫn cố gắng học hỏi mỗi ngày để giao tiếp với người nước ngoài. “Trong khi đa phần anh em tài xế chấp nhận trả hàng về kho khi không thể trò chuyện bằng tiếng Anh, tôi nhờ đến sự giúp đỡ của con gái đang năm 3 đại học. Sau vài lần như thế, tôi nhờ con dạy những câu giao tiếp đơn giản để chủ động giới thiệu, báo thời gian nhận, đủ để khách đoán hiểu. Hành trình này, tôi còn phải học hỏi nhiều”, chị Hương ngại ngùng xen lẫn quyết tâm.

Trong những chia sẻ của mình, chị Hương không giấu nổi niềm tự hào. Dù vậy đôi lúc, chị cũng xen chút chạnh lòng bởi ngoài kia nhiều người chưa xem trọng nghề shipper.

“Tôi luôn nỗ lực làm chỉn chu, đàng hoàng, không muốn ai khinh vì nghề nào cũng đáng trân trọng. Khi cởi bộ đồ shipper, tôi cũng là công dân bình thường với thu nhập ổn định, tạo ra giá trị và không là gánh nặng cho ai”, nữ shipper chia sẻ thẳng thắn.

Quan điểm làm việc trách nhiệm, tâm huyết càng khẳng định rõ hơn khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội. Nhìn thấy nỗ lực ấy, Ahamove đưa chị vào danh sách hoạt động tại quận 3. Song song đó, công ty chuẩn bị toàn bộ trang bị đảm bảo an toàn cho tài xế và khách hàng, từ khẩu trang, khử khuẩn, phổ biến nguyên tắc 5K đến giấy đi đường, hỗ trợ tiêm vaccine, kiểm tra nhanh Covid-19 hai ngày một lần. Hành trang ấy giúp những shipper như chị Hương yên tâm hơn trên chặng đường thực hiện vai trò cầu nối thời dịch.

Đơn hàng đợt dịch tăng đột biến, ứng dụng “nổ” liên tục, thu nhập của nữ shipper có khi đến 4-5 triệu đồng/ngày. Tháng cao nhất, chị nhận 40 triệu đồng. Hiểu rõ bản thân may mắn được ra ngoài, làm công việc yêu thích, có thu nhập giữa đại dịch, chị Hương biết ơn và tự nhủ cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Khi có cơ hội, chị mua rau tại vườn rồi bán lại cho hàng xóm với giá gốc hoặc tặng luôn những hoàn cảnh khó khăn. Có lần, chị không khỏi nghẹn ngào khi nhận được cuộc gọi từ người nhận là F0, vừa khóc vừa nói: “Tôi nhiễm Covid-19 rồi. Tôi không có tiền trả vì không biết chuyển qua điện thoại và cũng không thể ra nhận hàng”.

Chằng mất giây nào chần chừ suy nghĩ, nữ shipper vẫn giao hàng và hẹn quay lại khi thành phố ổn hơn, hoặc người nhận có thể chuyển khoản sau. Đơn hàng gồm vài vỉ trứng chỉ hơn 200.000 đồng nhưng giúp gia đình người nhận có con nhỏ thêm bữa cơm no hơn.

Chị Hương tiếp tục cuốn theo những cuốc xe giao hàng ngày giãn cách và không mảy may nhớ về khoản tiền hôm ấy. Cho đến 14 ngày sau đó, chị nhận được 200.000 từ vị khách ngày nào. Trong chị ngập niềm vui khi có thể giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn mình.

Thậm chí có ngày, đến sát giờ giới nghiêm vào 18h, chị đang trên đường về nhà thì nhận cuộc gọi từ tổng đài Ahamove vì còn đơn chưa có người nhận giao. Nghĩ đến còn gia đình đang chờ đợi đơn hàng ấy hoặc có cháu nhỏ sẽ đói nếu bản thân không nhận, chị lại quay về kho để thực hiện chuyến đi vào ngay tâm dịch ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) bấy giờ. Nghe tin ấy, chồng chị chỉ biết nhắn nhủ cẩn thận và giữ sức khỏe.

Thế nhưng, điều khiến chị Hương hạnh phúc hơn cả có lẽ là sự công nhận về vai trò của shipper sau giãn cách, trở thành động lực để những người giao hàng như chị nỗ lực tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

“Tôi thích nghề này lắm, làm cho tôi trẻ, vui vẻ, được gặp gỡ và trò chuyện cùng nhiều người. Ngoài những áp lực công việc, anh em đồng nghiệp vẫn vui, thường xuyên giao lưu giải tỏa căng thẳng. Tôi có nhiều kinh nghiệm chia sẻ nên được nể trọng. Tôi cũng có quyền tự hào khi làm shipper nhưng nuôi con ăn học đàng hoàng, gia đình hạnh phúc. Sáng đi làm có cháu ngoại chào ríu rít. Ra đường gặp nhiều người tốt, lịch sự mà mình cảm thấy cần học hỏi ở họ”, chị Hương bộc bạch.

Ahamove anh 2

Niềm vui còn đến với nữ shipper qua những hoạt động Ahamove tổ chức như thi chụp ảnh, nấu ăn 20/10 hay Trung thu, Giáng sinh, sự kiện vinh danh tài xế... Trong đó, chị thích nhất cuộc thi nấu ăn ngày 20/10 bởi đó là cơ hội phát huy năng khiếu bếp núc từ công việc trước đây.

Sau hơn 2 năm rong ruổi khắp ngõ hẻm của thành phố, chị Hương chưa khi nào có ý định thôi gắn bó với nghề shipper, nhất là Ahamove.

“Một khi quyết định chọn nghề hoặc nơi nào, tôi sẽ không rời đi, trừ khi Ahamove không cần nữa hoặc hết việc để làm. Món ăn mình thấy ngon miệng sẽ là đặc sản, chiếc giường mình thấy ngon giấc là chiếc giường êm, gia đình hạnh phúc là tổ ấm và nghề mình đam mê là nghề tốt nhất. Nghề nào cũng có khó khăn, chỉ cần cố gắng vươn lên thì đều có chỗ đứng”, chị Hương khảng khái.

Giang Di Linh

Ảnh: Chí Hùng
Đồ họa: Hoài Trần

Bình luận

Bạn có thể quan tâm