Trần Phương Thảo (sinh năm 1995), học năm cuối chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, ĐH Y Dược Thái Nguyên (Đại Học Thái Nguyên) là người gây ấn tượng với điệu nhảy ngẫu hứng vui nhộn khi đi chống dịch ở Bắc Ninh.
Chia sẻ với Zing, Thảo cho biết đoàn sinh viên, giảng viên tình nguyện của ĐH Y Dược Thái Nguyên đến Bắc Ninh hỗ trợ chống dịch từ ngày 18/5.
"Chúng mình nhận được thông báo tiếp sức nguồn nhân lực y tế trong ngày 17/5. Ngay lập tức mình đăng ký tham gia và ngay ngày hôm sau thì đã lên xe đến Bắc Ninh", Thảo kể lại.
Trần Phương Thảo (thứ 2 từ phải sang) cùng 4 người bạn đăng ký ở lại cho đến khi Bắc Ninh hết dịch. Ảnh: NVCC. |
Giấu bố mẹ cho đến khi lên đường
Quyết định đến tâm dịch nhưng Thảo ngần ngại không nói cho gia đình biết trước. Khi ngồi trên xe đến Bắc Ninh, cô nữ sinh năm cuối đại học mới dám nhắn tin thông báo cho bố biết và nhờ bố động viên mẹ.
"Bố cũng là người trong tuyến đầu chống dịch ở quê hương Thanh Hóa nên sẽ hiểu công việc và suy nghĩ của mình. Thật may, bố không giận mà còn động viên, tiếp sức", nữ sinh nói.
Dù lo lắng nhưng bố vẫn động viên Thảo cọ xát thực tế để tăng kinh nghiệm nhưng phải giữ an toàn cho bản thân. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ thêm về quyết định đi vào tâm dịch, Thảo cho biết, vào khoảng tháng 2, cô đã muốn tham gia tình nguyện đi chi viện cho Hải Dương khi tình hình dịch bệnh ở địa phương này căng thẳng. Tuy nhiên thời điểm đó chưa cần điều động nhiều sinh viên ngành y nên Thảo chỉ dõi theo từ xa.
"Là một cán bộ y tế trong tương lai, bản thân mình luôn muốn được cống hiến và giúp đỡ về thời gian, kinh nghiệm lẫn kiến thức đã được đào tạo, trau dồi sau nhiều năm tại trường y. Vì vậy, khi được thông báo tâm dịch Bắc Ninh cần nguồn nhân lực, mình đã không chút do dự đăng ký và sẵn sàng tinh thần tham gia cho cuộc chiến", nữ sinh bộc bạch.
Đến Bắc Ninh lần này, đoàn sinh viên tình nguyện ĐH Y Dược Thái Nguyên được giao 2 nhiệm vụ. Từ 6-10h sáng hàng ngày, đội của Thảo đi lấy mẫu xét nghiệm các F1 tại khu vực cách ly tập trung. Các F1 được lấy mẫu sàng lọc 5 ngày/1 lần. Buổi tối từ 6-10h, các bạn tiếp tục đi lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
Gần 20 ngày trong tâm dịch, điều khiến Thảo nhớ nhất là đợt huy động khẩn cấp khi đoàn vừa đặt chân xuống Bắc Ninh sau một ngày di chuyển.
Trong khi các đơn vị khác đang ổn định về nơi nghỉ ngơi cũng như sắp xếp đồ cá nhân thì đoàn của Thảo bất ngờ nhận được lệnh truy vết tìm F1 khẩn cấp ngay trong đêm và lấy mẫu xét nghiệm tại 6 điểm khu phong toả với 14.000 mẫu trong vòng 19 tiếng.
Cả đoàn với gần 25 con người chỉ có thời gian 2 tiếng để nghỉ và ăn, còn lại là liên tục lấy mẫu. Nhiệm vụ được hoàn thành trước 12h đêm hôm sau và không ai gặp sự cố về sức khoẻ cho đến giây phút cuối.
"Với mình đây là một thử thách mới, rèn luyện được cho mình tinh thần sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào và ở đâu. Chỉ 10 phút chuẩn bị, chúng mình đã có mặt, ổn định công tác và bắt tay vào nhiệm vụ", Thảo kể lại.
Thử thách đến với Thảo và đoàn ngay ngày đầu tiên đặt chân tới Bắc Ninh. Ảnh: NVCC. |
Ngày về là ngày Bắc Ninh hết dịch
Như nhiều sinh viên, nhân viên y tế khác, trang phục bảo hộ khiến Thảo thấy khó khăn và khá mệt trong lúc làm nhiệm vụ. Lực lượng y tế phải mặc đồ bảo hộ kín, làm việc nhiều giờ liền dưới thời tiết nắng nóng gay gắt dẫn đến mất nước, phồng da. Chính vì thế, những lúc nghỉ giải lao, Thảo hay pha trò hay nhảy ngẫu hứng để mọi người đỡ căng thẳng.
Nhưng điều khiến cô cảm thấy khó khăn, xúc động nhất là cảm giác nhìn các cụ hơn 80 tuổi len lỏi giữa đám đông để lấy mẫu xét nghiệm rồi lại lững thững đi về. Hình ảnh em bé vài tháng tuổi được bồng bế, gào khóc giữa dòng người đang chờ lấy mẫu. Mỗi ngày thức dậy, các bản tin lại liên tục cập nhật số ca bệnh Bắc Ninh, Bắc Giang tăng.
"Mình đã nghĩ nếu như trường hợp tử vong ngày hôm qua, không phải ai khác lại là chính người thân của mình thì sẽ như thế nào. Ở ngay tâm dịch, phải chứng kiến tận mắt thì mọi người mới thấy xót xa nhường nào. Nhưng càng khó khăn thì mình càng muốn chiến thắng nó, đó cũng chính là động lực của mình", nữ sinh năm cuối ĐH Y Dược Thái Nguyên cho biết.
Đến nay, ĐH Y Dược Thái Nguyên đã gửi 7 đợt sinh viên tình nguyện đến Bắc Ninh. Nhiều sinh viên đã trở về tiếp tục việc học ở trường nhưng Thảo và một số bạn bè vẫn ở lại. Cô sẽ ở lại địa phương đến khi cần sự hỗ trợ, ngày trở về là ngày Bắc Ninh dập được dịch.