Khi đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến vào Nghĩa trang Mai Dịch, nước mắt lăn dài trên gương mặt chị Lan Anh (Hà Nội) và nhiều người xung quanh. Dù mắt đã nhòe đi, cay xè vì mồ hôi và nước mắt, chị vẫn cố nhìn theo cho đến khi đoàn xe đã ở rất xa.
"Tôi muốn ghi nhớ giây phút này vì đây đã là đoạn đường cuối cùng trước khi bác về nơi an nghỉ", chị Lan Anh nói với Tri Thức - Znews. Giọng chị đứt quãng vì khóc.
Chị Lan Anh cùng nhiều người nán lại khi Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Nghĩa trang Mai Dịch. Tất cả muốn dành tình cảm, sự kính trọng cho Tổng Bí thư ở những giây phút cuối của "bác Trọng" - cách gọi thân thương mà nhiều người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Sau này nếu được cho phép, tôi sẽ đến thăm mộ, thắp hương thường xuyên cho bác", chị Lan Anh nói.
Anh Tiến mang theo di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nghĩa trang Mai Dịch. |
2h sáng 26/7, anh Nguyễn Ngọc Tiến đi xe từ Thái Bình đến Hà Nội. Sau khi viếng Tổng Bí thư ở Nhà tang lễ Quốc gia, anh nhanh chóng di chuyển tới Nghĩa trang Mai Dịch.
"Tôi gác lại mọi công việc trong hôm nay để tiễn đưa bác một cách trọn vẹn nhất", anh nói.
Trên tay anh Tiến là di ảnh của Tổng Bí thư được lồng khung cẩn thận, bên dưới là dòng chữ "Đời đời nhớ ơn bác". Khi linh xa của Tổng Bí thư cùng đoàn xe tháp tùng đi ngang qua, anh Tiến ôm chặt lấy di ảnh và không kìm được nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Linh (làm việc ở Mê Linh, Hà Nội) cũng đã xin nghỉ làm để đến Nghĩa trang Mai Dịch tiễn biệt Tổng Bí thư. Điều khiến chị tiếc nuối nhất là đã không thể sắp xếp thời gian để đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà Tang lễ Quốc gia.
"Chỉ còn cơ hội hôm nay cho tôi có thể nói lời vĩnh biệt với bác", chị chia sẻ.
Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người phụ nữ 35 tuổi khi chị nhìn thấy linh xa của Tổng Bí thư tiến vào nghĩa trang. Xung quanh chị, nhiều người vừa khóc vừa cúi đầu tiễn biệt Tổng Bí thứ về nơi an nghỉ.
"Thế là tôi đã có cơ hội tiễn bác đi chặng đường cuối. Bác là một người tài đức, có nhiều đóng góp cho đất nước. Sự ra đi của bác là nỗi tiếc thương của biết bao nhiêu người", chị Linh chia sẻ.
Người dân khóc thương, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Xung quanh Nghĩa trang Mai Dịch và trên các tuyến phố của Hà Nội, biển người đội nắng đứng tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày 26/7. Những giọt nước mắt đã rơi khi nhiều người thương tiếc, thể hiện sự quý trọng đối với Tổng Bí thư.
Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu Tổng Bí thư được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7.
"Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của chúng ta", Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Lễ tang, đọc lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...