Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nuôi chó mèo làm thú cưng, 2 chị em cùng mắc bệnh lạ

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần cảnh giác với các vi khuẩn, nấm trên chó, mèo lây nhiễm sang người.

Hai chị em cùng mắc bệnh lạ, phải cắt tóc trọc đầu. Ảnh: Sức khỏe Đời sống.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), thời gian gần đây, ông đã khám rất nhiều trường hợp bị nấm da đầu (Kerion de Celse) do tiếp xúc với mèo trong gia đình.

Điển hình, đầu tháng 6, bác sĩ Thành tiếp nhận và điều trị cho 2 chị em trong gia đình bị nhiễm nấm da đầu bởi lây nhiễm từ thú cưng.

Bệnh nhân đến khám trong tình trạng trên da đầu xuất hiện các ổ áp xe, kích thước của áp xe khoảng 2-3 cm. Bé lớn một thương tổn đơn độc, người em có 2 thương tổn.

"Điều đáng nói trong ổ áp xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng", bác sĩ Thành chia sẻ.

Sau khi tiếp nhận, khai thác tiền sử, bác sĩ được biết trong nhà của bệnh nhân có nuôi chó, mèo và người bệnh thường xuyên tiếp xúc, thậm chí 2 chị em cho mèo ngủ chung. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2 bệnh nhân bị nhiễm nấm da đầu (Kerion de Celse) do tiếp xúc với mèo.

Bác sĩ Thành cho biết Kerion gây ra do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loại nấm hay gặp trong kerion là Microsporum canis, Trichophyton tonsurans, Trichophyton verrucosum, Trichophyton mentagrophytes.

benh nam do cho meo anh 1

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), khám cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nấm da đầu. Ảnh: SKĐS.

Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người.

Riêng Trichophyton rubrum, loài nấm hay gây nấm da nhẵn, hiếm khi gây kerion. Kerion thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra ở người lớn. Ở đàn ông, thương tổn có thể gặp ở vùng râu cằm.

Qua trường hợp này, bác sĩ Thành khuyến cáo khi đã bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo... cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt, cần ngâm quần áo vào nước đun sôi và ủi quần áo thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng Mặt Trời, nhất là quần áo lót.

Người dân nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây như chó, mèo, không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh, tránh tắm lá cây hay tự ý đắp thuốc điều trị.

Bệnh cần được điều trị sớm, điều trị đúng, để lâu tổn thương lan rộng nhiễm trùng. Tóc trên thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, rụng tóc có thể vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài.

Trường hợp nhà có nuôi chó, mèo... cần cố gắng giữ chúng sạch sẽ, thường xuyên tắm, điều trị nấm da nếu mắc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tẩy giun định kỳ và hạn chế việc cho chó mèo nằm lên gối, chăn.

Nếu thấy chúng có dấu hiệu bệnh trên da, cần đưa đến phòng khám thú y để điều trị kịp thời, tránh lây sang người.

Ngoài ra bác sĩ Thành còn khuyến cáo thêm bệnh nhân nếu bị nấm da do tiếp xúc với chó, mèo... thì cần sử dụng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ. Thuốc uống toàn thân phối hợp trích rạch, dẫn lưu mủ trong ổ áp xe tùy thuộc vào mức độ thương tổn theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Sự thật việc cho trẻ ăn cơm sớm sẽ nhanh cứng cáp

Con tôi hiện 7 tháng tuổi nhưng cha mẹ chồng khuyên nên cho bé ăn cơm sớm để nhanh cứng cáp hơn. Xin hỏi bác sĩ điều này có đúng không?

https://suckhoedoisong.vn/nuoi-cho-meo-lam-thu-cung-2-chi-em-cung-mac-benh-la-phai-cat-toc-troc-dau-169230624080619804.htm

K.Mai/Sức khỏe & Đời sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm