Zing trích dịch bài đăng trên Global Times của tác giả Huang Lanlan nói về sự phát triển của ngành thương mại điện tử tại ngôi làng livestream bán hàng nổi tiếng nhất ở Trung Quốc - Beixiazhu.
Tháng 5 vừa qua, Long Yuan (25 tuổi) đã bỏ việc tại xưởng giày vì lương thấp và cảm thấy nhàm chán. Cô nhanh chóng chuyến đến Beixiazhu, một ngôi làng thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc.
Ngôi làng cách quê hương của Long hàng trăm km và được mệnh danh là “vùng đất hứa” đối với những người trẻ như cô.
Long và những người cùng tuổi đã truyền tai nhau câu nói: “Ở làng Beixiazhu, bạn có thể làm giàu bằng một chiếc điện thoại”.
Beixiazhu nằm trong thành phố Nghĩa Ô - thị trường bán buôn hàng hóa nhỏ lẻ lớn nhất thế giới. Dù chỉ rộng 22 ha và có khoảng 13.000 cư dân thường trú, ngôi làng lại là nơi hội tụ của hơn 1.000 công ty thương mại điện tử, 40 chi nhánh công ty chuyển phát nhanh và 5.000 người có ảnh hưởng trên Internet.
Người dân livestream bán hàng ở làng Beixiazhu. |
Beixiazhu còn được biết đến với tên gọi “làng livestream” khi hầu hết cư dân đều kiếm tiền bằng cách quảng cáo, buôn bán sản phẩm thông qua nền tảng phát trực tiếp và video ngắn.
Nhiều người tìm đến đây cũng hy vọng đổi đời theo cách tương tự. Tuy nhiên, đất chật người đông, cơ hội làm giàu ngày càng khó khăn khiến hầu hết phải bỏ cuộc chỉ sau vài tháng.
Giàu xổi
Vừa đến Beixiazhu, Long đã đăng ký ngay tài khoản trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok). Mỗi ngày, cô dạo quanh các công ty và nhà máy trong làng để tìm kiếm những sản phẩm có thể bán được.
Sau khi tìm được sản phẩm, Long livestream với người xem trên cả nước. Bằng biểu cảm khuôn mặt phóng đại và cách nói chuyện hài hước, cô cố gắng “chốt đơn” càng nhiều càng tốt.
Với mỗi sản phẩm bán được, Long thường nhận được khoảng 5-10 nhân dân tệ (0,74 USD -1,49 USD) tiền hoa hồng. “Bất cứ ai đều có thể thử. Đây là Beixiazhu và cơ hội đến với tất cả”, cô nói.
Long kể cô từng nhận được khoảng 10.000 đơn đặt hàng cho một sản phẩm khăn giấy và kiếm được gần 100.000 nhân dân tệ (14.900 USD) trong vòng 3 ngày. Số tiền đó lớn hơn rất nhiều so với tiền lương một năm của cô khi còn làm việc tại xưởng giày.
“Tôi hoàn toàn choáng váng. Tôi chưa bao giờ bán được nhiều sản phẩm như vậy. Đó chẳng khác gì một phép màu khi tôi có chưa đến 20.000 người theo dõi trên Douyin”.
Long nói những người có nhiều follower hơn có thể nhận được hơn 100.000 đơn đặt hàng sau một buổi phát trực tiếp.
Số lượng đặt hàng khổng lồ cho thấy cơn sốt mua sắm trực tuyến hiện nay ở Trung Quốc. Ngành thương mại điện tử cũng đang phát triển như nấm sau mưa. Theo ông Huang Zhengxing, một quan chức tại Beixiazhu, mỗi ngày có hơn 1 triệu bưu kiện chuyển phát nhanh rời khỏi ngôi làng.
Giới trẻ Trung Quốc tìm đến Beixiazhu với hy vọng giàu lên nhanh chóng. |
Cơn sốt mua sắm trực tuyến còn nóng hơn trong mùa dịch Covid-19. Các cửa hàng đóng cửa buộc người dân chuyển sang mua hàng qua livestream. Ông Huang nói rằng số lượng bưu kiện chuyển phát nhanh hàng ngày đã tăng gấp đôi vào tháng 4 và tháng 5.
Doanh thu của làng trong năm nay có thể đạt tới 30-40 tỷ nhân dân tệ (4,5-5,9 tỷ USD).
Zhao Xiaoyan, chủ một công ty thương mại điện tử ở Beixiazhu, cho biết các sản phẩm thường được bán với giá thấp hơn nhiều nếu thông qua chương trình khuyến mãi phát trực tiếp.
“Đặc biệt trong những tháng này, khi nhiều doanh nghiệp đang mong muốn bù đắp thiệt hại do đại dịch gây ra bằng cách bán nhiều sản phẩm hơn”.
Trong cửa hàng của Zhao, nhiều sản phẩm khác nhau từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm được chất đống trên các kệ hàng. Mỗi ngày Zhao và nhóm của cô quảng cáo một vài thứ trong số này thông qua livestream. Hầu hết sản phẩm được bán với giá cực kỳ rẻ.
Trên livestream, Zhao bán một chiếc cặp học sinh hàng hiệu với giá chỉ 58 nhân dân tệ (8,6 USD), bằng một phần tư giá trên trang web mua sắm Taobao. Zhao cho biết tất cả sản phẩm cô bán đều là hàng thật. "Tôi chỉ kiếm được 2-3 nhân dân tệ (0,3-0,45 USD) từ mỗi đơn hàng”.
Cô nói thêm rằng chiến lược của những người bán hàng trực tuyến ở Beixiazhu là "lợi nhuận nhỏ, doanh số lớn". Zhao cho biết cửa hàng của cô chốt khoảng 20.000 đơn hàng mỗi ngày, thu về lợi nhuận ròng gần 6 triệu nhân dân tệ (890.000 USD) mỗi năm.
Zhao là một trong những doanh nhân thành công nhất ở Beixiazhu và trở thành “tấm gương” làm giàu nhanh chóng cho lớp trẻ. Khi mới đến đây vào năm 2018, cô chỉ thuê 3 người phụ giúp. Nhưng hiện số lượng nhân viên của cô là hơn 150 người.
Khủng hoảng
Kể từ khi thương mại điện tử phát triển ở Beixiazhu vào năm 2017, ngôi làng đã sản sinh ra nhiều người có ảnh hưởng trực tuyến như Zhao và Long. Nhưng theo ông Huang chỉ 30% trong số họ thực sự kiếm được tiền.
“Hơn 50% những người này thua lỗ. Kiếm tiền không bao giờ dễ dàng”.
Bên cạnh sự thịnh vượng, cơn sốt mua sắm trực tuyến cũng đang mang đến cho Beixiazhu không ít vấn đề tiêu cực và cả nguy cơ khủng hoảng.
Nhiều chủ công ty và “những người nổi tiếng trên Internet” phàn nàn rằng quá nhiều người đổ xô đến ngôi làng trong năm nay đã khiến giá nhà, giá thuê mặt bằng tăng nhanh chóng.
Nhiều người không thể trụ lại làng livestream vì cạnh tranh khốc liệt, giá thuê mặt bằng đắt đỏ. |
Zhao cho biết giá thuê cửa hàng ở Beixiazhu đã tăng gấp đôi vào tháng 5. Còn theo ông Huang, hơn 10.000 người ở vùng khác đã đến ngôi làng để tìm kiếm công việc liên quan tới thương mại điện tử trong năm nay. Trong khi những năm trước, con số này chỉ khoảng 200-300.
Zhou Cheng, chủ sở hữu mạng đa kênh địa phương Jiuchen Media, cho biết: "Thật đáng buồn nhưng phần lớn trong số họ đã rời đi hoặc sẽ rời đi trong vòng 1-3 tháng tới".
Ông Zhou nói thêm cơn sốt hiện nay đã tạo ra bong bóng trong ngành thương mại điện tử vì thị trường bán hàng trực tuyến đã phát triển quá đà, mất kiểm soát. "Nhiều người cứ mù quáng nhảy vào trong khi hoàn toàn thiếu hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này".
Sau “kỳ tích” chốt 10.000 đơn hàng khăn giấy trong một buổi livestream, Long cho biết cô đang gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, lượng người xem và đặt hàng qua livestream của Long giảm hẳn.
Cô chỉ kiếm được khoản hoa hồng vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày. Số tiền này không đủ để Long trang trải cuộc sống. Dù chưa biết sẽ cầm cự được bao lâu, cô gái 25 tuổi khẳng định mình sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.