Ôn thi nhưng 1 ngày nhắn hơn 50 tin yêu đương
Trong lúc "nước sôi lửa bỏng" tất bật lo ôn thi đại học, không ít bạn trẻ vẫn sốt sắng yêu đương.
Sau màn tỏ tình lãng mạn ngay giữa lớp học cách đây 3 tháng, H. và Q. A (THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa) trở thành một cặp. Dù cả hai đã bước sang năm cuối cấp và đang nung nấu quyết tâm thi đậu vào trường đại học có tiếng tại Hà Nội nhưng tình cảm mới chớm nở đã khiến họ không thể toàn tâm toàn ý tập trung cho việc học và ôn thi.
H. thổ lộ: “Cả hai thích nhau từ năm lớp 11 rồi nhưng đến tận giữa năm lớp 12 mới dũng cảm thừa nhận. Đây là lần đầu tiên mình có cảm giác thích ai đó nhiều như thế. Mỗi ngày không được gặp, nói chuyện với bạn ấy, mình cảm thấy bứt rứt không yên".
Ngoài việc học chung trường, H. và Q.A còn cùng nhau đi học thêm ở trung tâm, cuối tuần lại cùng nhau học nhóm và mỗi lần như thế đều trở thành lần hẹn hò của cặp đôi này. Cứ "dính nhau như sam”, H. thừa nhận: "Từ khi nhận lời yêu nhau, việc học của tụi mình bị sa sút hẳn. Mình không thể tập trung học hành như trước. Lúc nào tâm trí mình cũng hướng về bạn ấy".
Khác với trường hợp của H. và Q.A, Nam (THPT Cầu Giấy, Hà Nội) đang cảm nắng cô bạn học trường cấp III khác trong thành phố sau buổi giao lưu văn nghệ giữa hai trường. Hai người thường xuyên trò chuyện với nhau và khi cảm nhận được cô bạn kia cũng có cảm tình với mình, Nam rất sung sướng.
Ngày ngày cậu và nàng nhắn tin qua điện thoại liên tù tì. "Ngày nào bọn mình cũng phải nhắn cho nhau ít nhất 50 tin, từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Có lúc ngồi học mà mắt cứ liếc điện thoại đợi tin nhắn của bạn ấy" - Nam thật thà chia sẻ. Thậm chí, không ít lần lấy cớ lên mạng tìm tài liệu để ôn thi, Nam đều vào mạng xã hội để có thể nói chuyện với nàng. Từ khi "tim đập loạn nhịp" trước người bạn gái đó, Nam lơ tơ mơ việc học hành hơn. Bố mẹ biết chuyện, Nam bị mắng một trận tơi bời và bị cấm luôn việc yêu đương.
Ôn thi lúc… thất tình
Nếu như Nam hay đôi bạn Q.A và H. đều vì… mải yêu mà ảnh hưởng tới việc ôn thi thì vẫn có không ít những sĩ tử khác đang vừa phải chịu áp lực thi cử vừa đang “vật vã” vì thất tình.
Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) là một trường hợp như thế. Hai năm nay, cô bạn luôn tự hào về chuyện tình cảm đẹp như mơ của mình với cậu bạn lớp trưởng học cùng trường. Hai người từng "hẹn thề" sẽ cùng nhau thi vào trường ĐH Ngoại thương Hà Nội để được gần nhau. Thế nhưng, sau Tết nguyên đán vừa qua, Trang suy sụp hoàn toàn khi hay tin người yêu quyết định đi du học tại Úc mà không thi đại học ở trong nước.
Đáng buồn hơn, ngay khi thông báo với Trang tin sét đánh này, cậu bạn còn “tiện thể" nói lời chia tay với lý do sợ “xa mặt cách lòng”, Trang sẽ không chờ đợi được… Bàng hoàng và thất vọng, Trang vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ trước mặt bạn bè nhưng mỗi tối ngồi vào bàn học, cô bạn lại chỉ biết khóc nức nở.
Tuy không yếu đuối như Trang, nhưng Ngọc (Ý Yên, Nam Định) cũng đang trải qua những ngày thật nặng nề khi chuyện tình cảm của mình và cậu bạn cùng lớp gặp trục trặc do mâu thuẫn về… chọn trường. Ngọc muốn thi vào trường kinh tế Quốc dân ở Hà Nội nhưng bạn trai lại nhất quyết thi vào trường Bách khoa TP.HCM.
Không muốn cảnh người Bắc kẻ Nam, chẳng thể ở cạnh nhau, chăm sóc nhau và khoảng cách địa lý có thể khiến tình cảm phai nhạt, Ngọc một mực phản đối ý định của người yêu. Trong khi đó, bạn trai Ngọc lại nghĩ rằng người yêu không tôn trọng sở thích cũng như định hướng tương lai của mình. Hai người cãi vã và giận nhau cả nửa tháng trời vẫn chưa làm lành.
"Suy nghĩ về chuyện tình cảm đã khiến mình đủ mệt mỏi rồi, chẳng còn tâm trí đâu mà học, ôn thi nữa" - Ngọc than thở.
Vừa ôn thi, vừa yêu - làm sao để tốt cả hai?
Thi tốt nghiệp, đại học là kì thi quan trọng, đánh dấu thành quả của 12 năm ăn học và mở ra tương lai mới đối với các sĩ tử. Nhưng ở lứa tuổi này, những rung động tình yêu là điều hiển nhiên. Vậy làm thế nào để dung hòa giữa chuyện tình cảm và học hành, thi cử? Điều này tưởng chừng là khó thực hiện nhưng “cặp gà bông” Phương Huyền và Tiến Mạnh (Hưng Yên) đã làm được. “Kết” nhau từ giữa năm lớp 11, hai bạn động viên nhau cùng nỗ lực học để hướng tới mục tiêu đỗ ĐH. Huyền học khối D nhưng hơi kém về môn Toán trong khi Mạnh học khối A, môn Toán vốn là sở trường nên nghiễm nhiên, Mạnh trở thành quân sư môn học này cho người yêu.
“Ngoài thường xuyên học cùng nhau, tụi mình còn thường tặng nhau món quà nhỏ, xinh để động viên nhau cùng cố gắng. Thỉnh thoảng Mạnh cũng tặng mình những bài hát với lời hứa sẽ quyết tâm đỗ ĐH. Đó là động lực rất lớn giúp tụi mình cùng nhau vượt qua kì thi quan trọng sắp tới!”.
Không chỉ Huyền, Mạnh mà nhiều cặp đôi khác biến tình yêu thành động lực để học hành tốt hơn. “Đôi bạn cùng tiến” không chỉ quan tâm nhau về mặt sức khỏe, tinh thần mà còn hỗ trợ nhau rất lớn trong học tập. Như Quỳnh và Khánh Sơn (Thanh Hóa) đã cùng nắm tay nhau bước vào cổng trường đại học có tiếng ở Hà Nội cách đây một năm. Hai bạn đã chứng tỏ với mọi người rằng, vừa học vừa yêu vẫn đạt được kết quả tốt.
“Quan trọng là bạn đừng mải yêu đương mà lơ là việc học. Chúng mình không kè kè bên nhau cả ngày, không nhắn tin í ới liên tục mà chỉ dành thời gian cho nhau khi việc học đã tạm ổn. Những lời nói động viên cũng rất cần thiết, nó giúp bạn có thêm niềm tin và quyết tâm để chinh phục những thử thách phía trước” – Quỳnh bật mí.
Th.s Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu. |
Th.s Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Giảng viên tâm lý tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Các em hãy coi học tập là quả bóng này, tình yêu là một quả bóng khác. Nếu tung hứng cả hai quả trên tay cùng lúc thì e sẽ khó bảo toàn. Vì vậy, tốt nhất nên chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt việc này mà vẫn giữ được việc kia. Chẳng hạn, quy ước mỗi tuần gặp nhau một lần, mỗi ngày “tám” với nhau nhiều nhất 1 giờ, thời gian còn lại dồn sức để tập trung ôn tập. Lấy 1 giờ ấy làm niềm vui, lấy 1 ngày ấy làm động lực, như thế việc học cũng không bị sao nhãng".
Rất nhiều bạn có người yêu ở độ tuổi thi đại học, nhưng cùng giúp nhau phấn đấu ôn tập, người này là động lực của người kia. Nếu cả hai lệch tuổi nhau, một trong hai người sẽ phải chịu thiệt chút ít để động viên hoặc tạo áp lực cho người còn lại ôn thi cho tốt. Cũng trong thời gian ôn thi, hạn chế những chuyện giận hờn vô căn cứ, khiến đôi bên mất thời gian, lơ là chuyện học hành.
"Nếu cả hai cùng ôn tập, hai người có thể thi với nhau, nếu ai học, thi có kết quả tốt hơn sẽ được phần thưởng của người kia. Nhiệm vụ chính của học sinh vẫn là học tập, nó ảnh hưởng đến tương lai sau này nữa. Vì vậy, hãy nỗ lực ý chí để ưu tiên cho giai đoạn vượt vũ môn này nhé. Nếu cả hai biết kiềm chế và cùng thi cử thành công thì niềm vui sẽ nhân lên nhiều lần" - thầy Hiếu nói thêm.
Theo Đất Việt