Theo Traveller, các yếu tố tự nhiên luôn tiềm tàng nguy cơ mất an toàn hàng không. Ví dụ, ở một số nước, hươu hoặc tuần lộc thỉnh thoảng lại xuất hiện trên đường băng, cản trở việc cất/hạ cánh.
Có trường hợp, máy bay còn đâm vào một con gấu khi hạ cánh xuống sân bay Yakutat (Alaska, Mỹ). Tuy nhiên, không chỉ cản trở việc cất/hạ cánh, những yếu tố tự nhiên này còn gây nên một số vụ tai nạn thảm khốc.
Ong bắp cày
Ống pitot là bộ phận quan trọng dùng để đo vận tốc máy bay. Nó được làm từ kim loại, thiết kế hình trụ. Sự chính xác của nó quyết định an toàn chuyến bay. Ví dụ, máy bay không đủ tốc độ có nguy cơ gặp sự cố chết máy. Trong khi đó, nếu bay quá nhanh, máy bay dễ bị hết nhiên liệu hoặc bay quá đường băng.
Các ống pitot này được gắn bên ngoài máy bay, thường là dưới buồng lái hoặc dọc theo cánh. Đây là nơi yêu thích để xây tổ của ong bắp cày - một loài xâm lấn có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ đang hoành hành tại Australia.
Nắp che pitot trên một máy bay. Ảnh: Wikiward. |
Tại sân bay Brisbane (Australia), những con ong bắp cày là nỗi phiền toái với các nhân viên mặt đất. Công ty Eco Logical Australia đã nghiên cứu hành vi của loài ong bắp cày lỗ khóa tại sân bay này trong 3 năm. Họ nhận ra những con ong có xu hướng làm tổ trong ống pitot. Việc có tổ ong trong ống gây ra sai số về tốc độ, mất an toàn chuyến bay.
Các nhân viên mặt đất ở sân bay Brisbane đã phải che ống pitot khi máy bay đứng yên. Tuy nhiên, chúng luôn rình rập để mang bùn vào ống xây tổ.
Ong bắp cày là nỗi ám ảnh trên máy bay. Ảnh: New Scientist. |
Nhiều nguồn tin khẳng định những con ong bắp cày đã gây ra thảm họa hàng không năm 1996. Thời điểm đó, chiếc Boeing 757 do hãng Birgenair vận hành đã bị chặn mất một ống pitot. Do đọc sai các thông số về tốc độ, máy bay đã lao thẳng xuống biển khiến toàn bộ hành khách thiệt mạng. Trong số 189 hành khách trên chuyến bay, chỉ có 73 thi thể được vớt lên.
Ngay sau đó, hãng Birgenair đã phải tạm ngừng hoạt động vào 8/3/1996. Hãng dự kiến hoạt động lại vào năm 1997 nhưng cuối cùng lại nộp đơn phá sản.
Chim đâm vào máy bay
Chỉ riêng tại Mỹ đã ghi nhận hơn 10.000 vụ chim đâm vào máy bay. Theo Traveller, tính trên toàn thế giới, ngành hàng không đã phải chịu thiệt hại hơn 1,5 tỷ USD/năm vì những sự cố liên quan đến chim.
Vào năm 2008, một chuyến bay của hãng Ryanair từ Frankfurt (Đức) đến Rome (Italy) đã dính nhiều cú va chạm do chim gây ra. Kết quả là chiếc Boeing 737 mới đưa vào hoạt động 8 tháng đã bị hư hại.
Sự cố lớn nhất do chim gây ra là vào tháng 1/2009. Chiếc Airbus A320 của US Airways đụng phải một đàn ngỗng ngay sau khi cất cánh từ sân bay La Guardia (New York, Mỹ). Sự cố khiến cả 2 động cơ máy bay bị hỏng. Sau đó, máy bay đã phải hạ cánh trên sông Hudson (New York).
Các sân bay thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn chim "tấn công". Ảnh: Aero Time. |
Cú hạ cánh thành công giúp cứu sống 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn trong sự kiện được truyền thông gọi là “phép màu trên sông Hudson”. Tuy nhiên, các điều tra chuyên sâu khẳng định kinh nghiệm của cơ trưởng Sullenberger, người từng lái phản lực chiến đấu F-4 Phantom II đã cứu sống các hành khách. Ngoài ra, mẫu máy bay này cũng được thiết kế để chịu được cú va chạm có tính toán xuống nước.
Trên thế giới, các sân bay thường phải trang bị những thiết bị đuổi chim như sử dụng súng bắn khí propan. Hay tại sân bay quốc tế tại thành phố Salt Lake (Utah), họ còn sử dụng lợn để phá hoại môi trường làm tổ của chim mòng biển. Chim ưng cũng được huấn luyện để săn chim tại sân bay. Ở một số sân bay tiên tiến, hệ thống radar được lắp đặt để phát hiện chim.
Ngoài ra, một số chiếc máy bay cũng được trang bị súng bắn chim. Những khẩu súng sử dụng khí nén có thể bắn chết một con chim ở tốc độ hơn 1.000 km/h.
Tro núi lửa
Núi lửa phun trào tạo ra những đám mây tro bụi mịn có thể làm tắc nghẽn động cơ máy bay, ngay cả ở độ cao hành trình 11.000 m.
Năm 1982, một chiếc Boeing 747 của British Airways đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Perth (Australia) đã gặp sự cố. Nó bay qua một đám mây tro núi lửa, được tạo thành từ vụ phun trào của núi Galunggung, phía đông nam Jakarta. Chỉ trong vài phút, cả 4 động cơ đều bị lỗi. Rất may, máy bay đã hạ cánh an toàn ở Jakarta.
Những cột tro núi lửa cao ngút có thể khiến động cơ máy bay gặp trục trặc. Ảnh: Techexplorist. |
Hiện nay, các nhà chức trách đã xử lý nhanh gọn hơn trong các vụ phun trào. Họ thường tiến hành đóng cửa không phận ở khu vực phun trào núi lửa.
Vào năm 2010, châu Âu đã phải chịu cảnh khổ sở khi di chuyển bằng đường hàng không bởi núi lửa Eyjajallajokul ở Iceland phun trào. Vụ phun trào đã tạo ra những cột tro núi lửa với độ cao hơn 9 km. Vào năm 2018, hàng nghìn người Australia đã mắc kẹt ở Bali (Indonesia) khi núi Agung phun trào. Hòn đảo du lịch nổi tiếng buộc phải đóng cửa sân bay quốc tế.