Sáng 19/10, sau một tuần xét xử và nghị án, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho ông Tất Thành Cang
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa sáng 19/10. Ảnh: Y Kiện. |
HĐXX đánh giá bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là Phó bí thư Thành ủy, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản Nhà nước, buộc phải biết việc chuyển nhượng phải được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, bị cáo vẫn bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1206 của Văn phòng Thành ủy, đồng ý cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, mà không báo cáo với Ban thường vụ Thành ủy.
Hậu quả của việc chuyển nhượng này đã gây thất thoát cho Nhà nước. Quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, ban đầu, bị cáo không thừa nhận hành vi, nhưng sau đó bị cáo nhận thức được sai phạm của mình. Sau khi phát hiện sai phạm, bị cáo chỉ đạo đàm phán, hủy hợp đồng khắc phục hậu quả.
HĐXX cũng ghi nhận thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác cho ông Cang như gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho thành phố, chủ động xin nộp tiền khắc phục hậu quả... Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Ngoài vụ án này, hồi tháng 6, ông Cang bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù liên quan sai phạm trong việc bán rẻ 9 triệu cổ phiếu của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) - công ty con của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước). Tổng hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 14 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chính, cầm đầu và xuyên suốt vụ án
Bị cáo Trần Công Thiện tại tòa sáng 19/10. Ảnh: Y Kiện. |
Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ chứng cứ xác định bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chính, cầm đầu và xuyên suốt hàng loạt sai phạm, tòa phạt ông Thiện 13 năm tù. Tổng hình phạt từ bản án mà bị cáo phải chấp hành trước là 26 năm tù.
HĐXX nhận định với vai trò là Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và thành viên Hội đồng thành viên, bị cáo thực hiện sai phạm khi chuyển nhượng ở cả hai dự án nên phải chịu trách nhiệm cao nhất.
"Ở dự án Phước Kiển, bị cáo là người đã ký tờ trình gửi Hội đồng thành viên đề xuất chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng bản chất là bị cáo trình cho chính mình quyết định. Bởi thời điểm này bị cáo là thành viên duy nhất của Hội đồng thành viên", chủ tọa phân tích. Cũng chính bị cáo là người đã chỉ đạo cấp dưới thuê công ty thẩm định, xác định phần diện tích đất đã đền bù tại dự án có giá bình quân hơn 1,05 triệu đồng/m2 và trực tiếp ký các hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2.
Tại dự án Khu dân cư Ven Sông, cuối tháng 9/2017, bị cáo Trần Công Thiện đã ký văn bản gửi Văn phòng Thành ủy xin chủ trương phân chia sản phẩm bằng hình thức hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ và thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Sau đó, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ 32.967 m2 đất thuộc Khu dân cư Ven Sông, quận 7, cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2. Đến nay, dự án không thể thu hồi, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đối với bị cáo Phạm Văn Thông, HĐXX nhận định bị cáo nguyên là Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM, quản lý trực tiếp tài sản của Thành ủy. Theo HĐXX, với cương vị được giao, bị cáo phải kiểm tra, giám sát, quản lý tài sản đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, bị cáo đã trình và ký văn bản truyền đạt ý kiến phê duyệt của Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo 11 năm tù. Tổng hình phạt từ bản án mà bị cáo phải chấp hành trước là 17 năm tù.
Đối với 7 bị cáo khác, HĐXX nhận định việc truy tố về tội danh trên là đúng người, đúng tội. Sau khi đánh giá tính chất, vai trò và ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ của từng người, tòa phạt các bị cáo mức án từ 3 đến 11 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX xác định số tiền thất thoát tại dự án Ven Sông là hơn 52 tỷ đồng, thất thoát tại dự án Phước Kiển là hơn 154 tỷ đồng. Tổng số tiền thất thoát của nhà nước ở 2 dự án là 207 tỷ đồng. Đây là số tiền thất thoát mà HĐXX căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo.
Kê biên, phong tỏa tài sản của các bị cáo
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Y Kiện. |
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho rằng dự án Khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai phần diện tích hơn 11.900 m2 với giá 239 tỷ đồng. Kết quả định giá giá trị khu đất là 522 tỷ đồng, do đó số tiền thất thoát thực tế là 283 tỷ đồng.
Theo HĐXX, phần đất này, Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng dự án và bàn giao cho người dân nên không thể thu hồi. Do đó, tòa buộc bị cáo Trần Công Thiện và những người liên quan đến sai phạm phải liên đới bồi thường. Phần diện tích còn lại của dự án, tòa tuyên bàn giao cho UBND TP.HCM xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với dự án khu dân cư Phước Kiển, dự án này đã hủy hợp đồng, nên coi như đã được khắc phục toàn bộ. Đối với số tiền lãi 16,9 tỷ đồng mà Quốc Cường Gia Lai đã nộp cho cơ quan điều tra, tòa tuyên thu hồi toàn bộ số tiền 16,9 tỷ đồng, chuyển cho Công ty Tân Thuận và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho Quốc Cường Gia Lai.
Ngoài ra, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên và phong tỏa tài sản là bất động sản của các bị cáo để đảm bảo quá trình thi hành án.