Chiều 21/3, trong phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí) đã đặt câu hỏi với bị cáo Thăng để làm rõ trách nhiệm của thân chủ khi được ủy quyền điều hành tập đoàn trong thời gian PVN góp vốn lần 3 (100 tỷ) vào Oceanbank.
Ông Đinh La Thăng có chỉ đạo thoái vốn khỏi Oceanbank?
Theo cáo trạng, giữa tháng 5/2011, ông Nguyễn Xuân Thắng được ông Thăng ủy quyền điều hành hoạt động của PVN. Thời gian này, ông Thắng đã ký vào văn bản đăng ký tăng vốn điều lệ và biểu quyết đồng ý tăng vốn. Với 4/7 thành viên HĐTV đồng ý tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank với số tiền góp bổ sung 100 tỷ đồng, Tập đoàn dầu khí đã ban hành Nghị quyết về việc góp vốn.
Tại tòa, ông Thăng nói ông chỉ ủy quyền điều hành hoạt động tập đoàn, không nhờ biểu quyết thay. Khi đi công tác về, ông không được ông Thắng báo cáo. Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, bị cáo cáo Nguyễn Xuân Thắng khai sau khi ông Thăng đi công tác về, ông đã báo cáo về việc ký tăng vốn góp lần 3 vào Oceanbank nhưng Chủ tịch HĐTV không chỉ đạo gì, đồng ý để thực hiện.
Trước những lời khai mâu thuẫn, bị cáo Đinh La Thăng nói tôn trọng quyền khai của người từng là thuộc cấp. Theo cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, tháng 3/2011, ông đã họp HĐQT, thống nhất chỉ đạo thoái vốn khỏi ngân hàng Đại Dương để sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ theo quy định. "Tháng 3 bị cáo mới chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5, anh Thắng báo cáo mà bị cáo đồng ý để cho triển khai thực hiện là điều hoàn toàn vô lý", ông Thăng nói.
Để chứng minh bản thân không biết đến chủ trương tăng vốn góp lần 3, bị cáo Thăng một lần nữa khẳng định nếu việc góp vốn thêm 100 tỷ là sai, ông sẽ nhận trách nhiệm là người đứng đầu, là người ủy quyền và cho tất cả các bị cáo liên quan.
Cũng trong chiều 21/3, đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có mặt ở tòa và được mời lên trả lời một số câu hỏi của luật sư. Tuy nhiên, đại diện hai cơ quan này không trả lời các câu hỏi liên quan đến việc góp vốn của PVN vào Oceanbank, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank giá 0 đồng...
Một số câu hỏi được người đại diện tiếp nhận bằng văn bản, hứa sẽ phúc đáp sau khi rà soát văn bản, nghiên cứu tài liệu liên quan.
Tại phiên tòa hôm nay, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Đình Đức xét hỏi các bị cáo Đức, Vũ Khánh Trường và Nguyễn Thanh Liêm liên quan đến nghị quyết góp vốn lần 3.
Trả lời trước HĐXX, nhóm bị cáo nói họ không biết trước nội dung văn bản này. Cho đến khi thư ký chuyển công văn này đến các thành viên HĐTV PVN, họ mới xem nội dung.
Các luật sư cũng truy vấn 2 nữ thư ký HĐTV về việc họ có biết nội dung các văn bản, nghị quyết gửi cho HĐTV. Hai nữ nhân chứng cho rằng họ chỉ làm nhiệm vụ sao chụp, chuyển tiếp công văn.
Chiều 21/3, trước câu hỏi của luật sư: PVN có đề nghị bồi thường khoản tiền thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong vụ này gây ra không, vị đại diện Tập đoàn Dầu khí nói sẽ chờ phán quyết của HĐXX.
Ông Đinh La Thăng có né trách nhiệm?
Cuối buổi chiều cùng ngày, luật sư truy vấn bị cáo Đinh La Thăng về tờ giấy xin ý kiến một số cán bộ PVN xác nhận, ông đã thống nhất chủ trương với HĐQT để PVN góp vốn vào Oceanbank.
Theo tài liệu vụ án, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Thăng đã né trách nhiệm, hợp thức hoá tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra. Trước bục khai báo, ông Thăng nói theo quy chế, khi gửi văn bản xin ý kiến thì các thành viên của HĐTV sẽ trả lời dựa trên nội dung văn bản đó.
"Các nghị quyết của HĐTV cũng không gây chết người nên không cần phải trả lời ngay. Thực tế, nếu bận hay đi công tác thì trả lời sau cũng được", bị cáo Đinh La Thăng nói và cho biết thêm, sau khi có ý kiến đầy đủ của các thành viên, văn bản sẽ được chỉnh sửa hình thức để chủ tịch ký. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì HĐTV sẽ báo cáo chủ tịch. Tiếp đó, chủ tịch yêu cầu người có ý kiến khác đến họp để giải quyết quan điểm khác đó.
Để làm rõ tình tiết này, VKS đã đặt câu hỏi với bà Phan Thị Hòa (Ban giám sát thành viên HĐTV PVN). Nữ nhân chứng khẳng định đã ký vào giấy này nhưng nội dung giấy chỉ đúng một phần.
Bà Hòa khai, trong giấy, Chủ tịch PVN thông báo đã tìm được một ngân hàng phù hợp để có thể xem xét việc góp vốn. "Đó là Oceanbank. Ngoài ra, tôi xin giữ nguyên những lời khai đã khai tại CQĐT, không thay đổi”, nữ giám sát viên cho biết.
Ninh Văn Quỳnh (đứng bục khai) cùng 6 bị cáo khác có liên quan đến vụ án tại phiên xử. Ảnh: P.Đ. |
Vai trò của ông Đinh La Thăng trong việc PVN mất 800 tỷ?
Sáng cùng ngày, các luật sư đã xét hỏi Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) và một số người liên quan việc nhận lãi ngoài từ Oceanbank. Ông Quỳnh giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra rằng đã nhận 20 tỷ đồng do lãnh đạo Oceanbank chuyển đến thông qua Nguyễn Xuân Sơn.
Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Sơn khai đã chuyển cho ông Quỳnh tổng cộng 180 tỷ đồng. Ngoài ra, nguyên Phó tổng giám đốc PVN còn mua cho Ninh Văn Quỳnh căn hộ trị giá 5 tỷ.
Trước những lời khai mâu thuẫn, bị cáo Quỳnh cho rằng ông Sơn cố tình đổ lỗi. Còn Nguyễn Xuân Sơn cam đoan nói đúng sự thật.
"Tôi cố gắng chịu đựng để khỏi ảnh hưởng đến bất cứ ai trong Tập đoàn dầu khí cũng như uy tín tập đoàn. Nhưng yêu cầu của cơ quan tố tụng bắt buộc nói ra tất cả sự thật thì tôi nói hết ra", bị cáo Sơn nói.
Theo cáo trạng, ông Thăng và 5 người khác gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị truy tố về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quyết định góp vốn vào Oceanbank dù biết năng lực yếu kém của ngân hàng này và ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…
Cáo trạng quy kết, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN. Thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN, ông Thăng đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Oceanbank) không thông qua HĐQT.