Ông Thích Chân Quang bị nghi chưa tốt nghiệp cấp 3. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang. |
Thời gian qua, chuyện học vấn của ông Vương Tấn Việt bị “lật lại”. Trong đó, đáng chú ý là ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng - ngắn hơn thời gian thời gian đào tạo tiến sĩ tiêu chuẩn từ 3-4 năm theo thông tư của Bộ GD&ĐT.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, vào ngày 13/8, Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin ông Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT thành phố.
Cần xác minh lại bằng cấp 3, đại học
Trao đổi cùng Tri Thức - Znews về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), nói rằng những nghi vấn về bằng cấp, trình độ học vấn của ông Vương Tấn Việt có nhiều điểm cần làm rõ.
Thứ nhất là về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa. TS Vinh nói tấm bằng này của ông Việt cần được xác minh lại vì mọi hồ sơ, văn bằng đều có sổ lưu, thậm chí được gửi lên Bộ GD&ĐT. Trong trường hợp ông Việt thực sự không có bằng cấp 3 bổ túc, có thể ông đã mua bằng hoặc làm giả để sử dụng cho mục đích khác.
Theo TS Vinh, việc xác minh ông Vương Tấn Việt có thực sự học và tốt nghiệp cấp 3 hay không thì không khó. Nếu người này thực sự tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1989, cơ quan chức năng chỉ cần truy lại 3 năm học ở trường là ra. Các nội dung truy vấn để xác minh thông tin có thể bao gồm: Trong 3 năm bổ túc ông Việt học với ai, các giáo viên của ông là ai, thi tốt nghiệp như thế nào…
“Học bạ mất nhưng ký ức về bạn bè, thầy cô sẽ vẫn còn. Chúng ta cứ thử truy lại thông tin 3 năm học của ông Việt là ra ngay”, TS Vinh đề xuất.
Sở GD&ĐT TP.HCM nói ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989. |
Thứ 2 là về việc ông Vương Tấn Việt học chương trình Ngôn ngữ Anh (hệ đào tạo từ xa) tại Đại học Hà Nội từ năm 1994-2001, ông Hoàng Ngọc Vinh nói rằng vụ này có một hạn chế là thời gian đó, nước ta chưa có quy định rõ ràng về việc học từ xa. Do đó, việc Đại học Hà Nội nói không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Việt cũng là điều có thể hiểu được.
Hơn nữa, vào những năm 1990, đầu năm 2000, công cụ, phương tiện học từ xa còn hạn chế, hầu như chỉ học qua băng hoặc radio nên cũng rất khó cho việc lưu trữ thông tin về các buổi học như bây giờ.
Hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt tại Đại học Hà Nội khó làm rõ, nhưng có một điều mà TS Vinh đề xuất cần xác minh lại là việc học văn bằng 2 ngành Luật tại Đại học Hà Nội của người này có đúng quy định hay không.
Để làm rõ nghi vấn này, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp trích dẫn khoản 2a, điều 4 trong Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT về việc miễn thi đầu vào chương trình văn bằng 2.
Cụ thể, những trường hợp được miễn thi bao gồm:
- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ chính quy hoặc hệ không chính quy trong cùng nhóm ngành và tại chính trường mà mình đã học và tốt nghiệp đại học.
- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ.
- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính quy thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ông Vương Tấn Việt không thuộc đối tượng miễn thi trong 3 nhóm nêu trên nên sẽ cần phải thi đầu vào theo quy định. Như vậy, cơ quan chức năng cần truy lại câu chuyện năm đó, ông Việt có tham gia thi đầu vào để học bằng 2 tại Đại học Luật Hà Nội hay không, thi bao nhiêu môn và thi như thế nào.
“Nếu ông Việt không thi đầu vào mà vẫn được học văn bằng 2 thì sai quy chế. Chúng ta phải xem lại ông ấy có đủ điều kiện học hay không”, TS Vinh nhấn mạnh.
Chuyện học tiến sĩ cũng cần xem lại
Ngoài nghi vấn bằng cấp 3 và bằng đại học, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất cơ quan chức năng xem lại việc học tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt.
Theo khoảng 1, điều 3 của Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT công bố ngày 28/6/2021, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ là từ 3-4 năm (tương đương 36-48 tháng), tùy cơ sở đào tạo quyết định và cần đảm bảo phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này.
Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá một năm (12 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.
Ông Vương Tấn Việt được Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tiến sĩ Luật ngành Luật Hiến pháp - Hành chính vào năm 2022 nhưng vấp phải nhiều nghi vấn từ chuyên gia giáo dục. |
Về mặt quy định, ông Việt hoàn thành chương trình tiến sĩ sớm hơn khoảng 7 tháng là đúng quy định, nhưng TS Vinh đặt câu hỏi người này làm nghiên cứu sinh trong thời gian Covid-19 (từ tháng 11/2019-12/2021) thì học như thế nào, học với ai và làm nghiên cứu như thế nào. Giả sử ông Việt học và nghiên cứu cho chương trình tiến sĩ theo hình thức online, toàn bộ quá trình học phải có bằng chứng (ví dụ file video) lưu lại.
Ông Hoàng Ngọc Vinh nói chúng ta không nhất thiết phải thẩm định lại luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, nhưng cần phải làm rõ 2 điều.
Điều thứ nhất là ông Việt dự tuyển chương trình tiến sĩ như thế nào, sử dụng những bằng cấp gì cho việc dự tuyển. Điều thứ hai là làm rõ trách nhiệm của nhà trường khi cấp bằng tiến sĩ cho ông Việt vì luận án tiến sĩ của người này có một số điểm nghi vấn. TS Vinh nghi ngờ ông Việt không phải là tác giả duy nhất của luận án tiến sĩ mà có sự “nhúng tay” của người khác.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hoàng Ngọc Vinh chỉ ra một số vấn đề về chất lượng của luận án “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” do ông Việt là tác giả.
Cụ thể, đề tài luận án được TS Vinh nói là không hợp lý. Ông Vương Tấn Việt đang lẫn lộn giữa khái niệm “công dân” và “con người”. Do đặt vấn đề nghiên cứu sai, nội dung luận án của người này sẽ không mang lại giá trị thực tế.
Hơn nữa, tác giả luận án đang nhầm lẫn hai khái niệm cơ bản là “nghĩa vụ pháp lý” và “trách nhiệm chung”. TS Vinh không hiểu vì sao luận án có những lỗ hổng và lỗi sai cơ bản như vậy vẫn có thể bảo vệ thành công để được cấp bằng.
Bài học lớn
Từ những nghi vấn về bằng cấp, trình độ học vấn của ông Việt, TS Hoàng Ngọc Vinh nói rằng thực tế chuyện làm bằng giả để học cao học không hiếm, các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Nếu đánh giá khách quan, quy chế của nước ta vẫn rất chặt trong khâu tuyển sinh các cấp, nhất là bậc cao học. Nếu để xảy ra lỗ hổng trong việc tuyển sinh nghiên cứu sinh tiến sĩ, có thể lỗ hổng nằm ở việc nhà trường buông lỏng hoặc đội ngũ giảng viên hướng dẫn, hội đồng thẩm định luận án làm việc không “chặt”.
Cũng từ câu chuyện này, TS Vinh chỉ ra bài một số học lớn mà chúng ta cần phải rút ra để tránh lặp lại trong thời gian tới.
Bài học thứ nhất là làm sao tránh được chuyện mọi người hám danh và chạy theo bằng cấp vì một khi đã chạy theo giá trị đấy, nhiều chuyện tiêu cực rất dễ xảy ra.
Bài học thứ hai là tăng cường siết chặt kỷ luật trong việc tuyển sinh, đào tạo các cấp. Trong trường hợp cần thiết, ngành giáo dục cần nghiêm trị những trường hợp làm sai.
Bài học thứ ba liên quan đến tính liêm chính, văn hóa trong giáo dục, học thuật. TS Vinh nêu rằng chúng ta cần đánh giá người học một cách công tâm, đúng cơ sở, tránh tâng bốc người học quá mức vì dễ gây ra dư luận xấu.
“Cơ quan quản lý cần phải điều tra, làm rõ càng sớm càng tốt, nhất là lý dư luận đã thảo luận về vấn đề này. Nếu các bên làm chưa đúng quy định, chúng ta phải xử lý kỷ luật, đừng để lại tiếng xấu cho ngành giáo dục, cũng là để tránh những phần tử xấu xuyên tạc, bôi nhọ những điều không hay”, TS Vinh nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.