Tưởng chừng thời hạn của Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hết hiệu lực vào ngày 1/1 sẽ giúp xe nhập khẩu tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2021. Thế nhưng, những số liệu thống kê lại cho thấy điều ngược lại.
Ôtô nhập khẩu liên tục giảm
Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng xe nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 15.000 chiếc, trị giá xấp xỉ 374 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái khi Việt Nam bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, lượng nhập khẩu nhóm hàng này chỉ tăng 3,3% về lượng và 0,2% về trị giá.
Tháng 2/2021, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô về Việt Nam khoảng 7.000 chiếc, giảm hơn 1.000 xe so với tháng trước, tương đương giảm 12,5%. Trước đó, lượng xe nhập khẩu trong tháng 1/2021 cũng giảm đến 4.400 chiếc so với tháng 12/2020, tức giảm khoảng 35,5%.
Trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 105.000 ôtô nguyên chiếc các loại, con số này giảm 24,5% so với năm 2019.
Lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2021. |
Thị trường nhập khẩu ôtô trong năm 2020 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, chiếm 83% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 52.700 chiếc, giảm 29% và từ Indonesia với 35.000 chiếc, giảm 25% so với năm 2019.
Riêng ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng tới 46,7% và đạt hơn 7.400 chiếc. Lượng tiêu thụ của xe nhập khẩu cũng giảm mạnh trong năm ngoái khi người tiêu dùng lựa chọn các dòng xe lắp ráp để được ưu đãi về chính sách.
Lý giải nguyên nhân
Tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, theo lý thuyết thì lượng xe nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu mua sắm xe lớn của người dân. Thế nhưng, lượng xe nhập khẩu hai tháng đầu năm 2021 lại giảm khá sâu khiến nhiều người bất ngờ.
Nhiều chuyên gia về kinh tế lý giải, sở dĩ lượng xe nguyên chiếc nhập về nước giảm mạnh trong những tháng đầu năm là do sức mua trên thị trường quá yếu khiến các hãng xe và các nhà nhập khẩu chỉ nhập với số lượng cầm chừng.
Sức mua yếu của thị trường ôtô trong nước đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý “chờ” mẫu mới ra mắt trong năm 2021 của nhiều khách hàng.
Ông Lương Thanh Tuấn - phụ trách bán hàng của một đại lý Honda tại Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, những mẫu xe nhập “hot” đều đang ở giữa hoặc cuối chu kỳ của sản phẩm nên cũng không tạo ra sức hút lớn, ngoại trừ mẫu mới toanh như Toyota Corolla Cross”.
Theo ông Tuấn, một số mẫu xe nhập khẩu được đông đảo người quan tâm và có doanh số cao hiện nay như Mitsubishi Xpander, Toyota Fortuner... đều đang nằm ở giai đoạn giữa chu kỳ sản phẩm, không còn “hot” như vài năm trước.
Trên thực tế năm 2020 vừa qua, rất nhiều khách hàng đã “xuống tiền” mua xe đi Tết từ rất sớm. Chủ yếu là xe sản xuất, lắp ráp trong nước mua trước 31/12/2020 để được hưởng chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ.
Kết quả là doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô trong nước tháng 12/2020 đạt 47.865 xe, tăng 31,6% so với tháng 11/2020 và tăng 45% so với tháng 12/2019 (theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA). Khi “điểm rơi” của thị trường nhằm vào tháng 12/2020 thì đến đầu năm 2021, lượng cầu nói chung đã giảm sút.
Còn một nguyên nhân khách quan khác mà các chuyên gia đã chỉ ra đó là thời điểm cuối tháng 1/2021, khi dịch bệnh Covid-19 một lần nữa có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố đã khiến lượng lớn khách hàng có tâm lý e dè, cắt giảm chi tiêu, điều này cũng khiến những mẫu xe nhập khẩu không được ưu tiên chọn mua.
Nhiều mẫu xe nhập khẩu thế hệ mới sẽ có mặt tại Việt Nam hứa hẹn sẽ làm sôi động thị trường ôtô trong nước. |
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu sở hữu các mẫu xe nhập khẩu của thị trường trong nước vẫn rất cao, bởi năm 2021 hứa hẹn là năm ra mắt thế hệ mới của hàng loạt mẫu xe được nhiều người ngóng chờ.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt tới trên 120.000 chiếc, tăng khoảng 15% so với năm 2020”, một chuyên gia về thị trường tự tin nhận định.