Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ôtô nhập khẩu tăng trưởng mạnh vẫn chưa thể bằng xe nội địa

Lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc ước tính đạt mức tăng trưởng 76% so với quý I/2022. Trong khi đó, dây chuyền lắp ráp xe nội địa lại sụt giảm năng suất.

Ôtô nhập khẩu tăng mạnh trong quý đầu năm 2023. Ảnh: T.T.

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 3, Việt Nam ước tính nhập khẩu tổng cộng 15.000 ôtô nguyên chiếc các loại, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong quý đầu tiên, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam ước đạt 41.780 xe các loại, tổng giá trị kim ngạch đạt 903 triệu USD.

Ôtô nhập khẩu tăng mạnh

Báo cáo điều chỉnh của Tổng cục Hải quan cho thấy trong cả quý I/2022, Việt Nam chỉ hoàn tất nhập khẩu 23.737 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 561 triệu USD.

Như vậy, ôtô nhập khẩu vào nước ta trong quý đầu năm đã tăng trưởng đến 76% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về tổng giá trị kim ngạch, mặt hàng này cũng tăng gần 60,1% so với quý I/2022.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan và Indonesia vẫn đang là 2 quốc gia cung cấp ôtô chủ yếu cho thị trường Việt Nam.

Số liệu trong năm 2022 cho thấy ôtô nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan đạt 72.032 xe, trong khi lượng ôtô xuất xứ Indonesia được bổ sung cho thị trường Việt Nam cũng đạt 72.671 xe.

Trong 2 tháng đầu năm nay, doanh số ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt 23.735 xe, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng lượng ôtô nhập khẩu ở cùng kỳ.

Việt Nam nhập khẩu nhiều ôtô từ Thái Lan và Indonesia
Cơ cấu ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chia theo quốc gia (Số liệu: Tổng cục Hải quan)
Nhãn Thái Lan Indonesia Trung Quốc Mỹ Nhật Bản Các nước khác

xe 12759 10976 1074 512 489 970

Nhiều mẫu xe nhập khẩu cũng đang có thành tích kinh doanh khá tốt tại thị trường Việt Nam. Một số cái tên điển hình bao gồm Mitsubishi Xpander, Toyota Corolla Cross hay Hyundai Creta.

Trong số này, Mitsubishi Xpander là trường hợp khá đặc biệt bởi mặc dù được phân phối tại Việt Nam với 2 phiên bản lắp ráp nội địa (CKD) và nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), doanh số của các xe CBU luôn chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh.

Năm ngoái, doanh số của Mitsubishi Xpander tại Việt Nam là 21.983 xe thì đã có đến 21.238 xe CBU đến tay khách hàng, chiếm tỷ trọng gần 97%.

oto nhap khau anh 1

Mitsubishi Xpander nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh số của mẫu MPV này tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Toyota Corolla Cross và Hyundai Creta cũng là 2 dòng xe nhập khẩu sở hữu doanh số tốt trong năm vừa rồi. Với sức tiêu thụ lần lượt 21.473 xe và 12.096 xe, cả Corolla Cross và Creta đều xuất hiện trong top 10 ôtô được ưa chuộng nhất tại Việt Nam trong năm 2022.

Nhiều khả năng, Hyundai Creta sẽ sớm được chuyển sang lắp ráp nội địa trong năm nay thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia như hiện tại.

Trước đó, Toyota Việt Nam cũng đã chuyển sang lắp ráp trong nước cho bộ đôi Veloz Cross và Avanza Premio sau thời gian dài nhập khẩu từ quốc gia vạn đảo.

Ôtô nội địa vẫn dồi dào

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy ước tính trong quý đầu năm, nước ta đã xuất xưởng 81.900 ôtô các loại từ các nhà máy nội địa.

Dù sụt giảm 17,8% so với sản lượng đạt được ở cùng kỳ năm ngoái, tổng lượng ôtô sản xuất nội địa của nước ta trong quý đầu năm vẫn trội hơn số xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các thị trường nước ngoài.

Hồi năm ngoái, chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho ôtô nội địa đã giúp doanh số nhóm xe này tăng mạnh, từ đó kích thích hoạt động sản xuất của các dây chuyền lắp ráp ôtô trong nước.

Trong nửa đầu năm 2022, doanh số nhóm ôtô CKD của nước ta luôn vượt trội so với nhóm xe CBU. Doanh số ôtô nhập khẩu chỉ nhỉnh hơn trong giai đoạn tháng 6-7 trước khi thị trường tiếp tục chứng kiến sự áp đảo về doanh số của ôtô lắp ráp nội địa.

Cũng trong 6 tháng đầu năm ngoái, lượng ôtô nội địa xuất xưởng của nước ta luôn cao hơn mốc 30.000 xe/tháng. Đỉnh điểm vào hồi tháng 5/2022, sản lượng ôtô nội địa của Việt Nam đã chạm mốc 44.000 xe.

oto nhap khau anh 2

Dây chuyền lắp ráp ôtô nội địa tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ chính sách hỗ trợ phí trước bạ. Ảnh: Việt Linh.

Như đã đề cập phía trên, có không ít mẫu xe từng được nhập khẩu nguyên chiếc nhưng đã được chuyển sang lắp ráp nội địa trong giai đoạn gần đây.

Toyota Veloz Cross cùng Avanza Premio nội địa đã ra mắt khách hàng từ cuối năm ngoái, còn Hyundai Stargazer nhập khẩu cũng được đại lý ưu đãi mạnh tay nhằm dọn kho chờ bản lắp ráp.

Thaco thông báo hợp tác cùng BMW để lắp ráp các dòng BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series ngay tại nhà máy ở Việt Nam. Trong khi đó, Hyundai Creta nhiều khả năng cũng sẽ trở thành ôtô nội địa trong thời gian sắp tới.

Vị thế hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội Sản xuất ôtô Đông Nam Á (AAF), lượng ôtô xuất xưởng tại Thái Lan trong tháng đầu năm nay đã đạt 162.327 xe, cao nhất toàn khu vực.

Indonesia xếp thứ nhì với tổng sản lượng 132.163 ôtô trong tháng 1, còn Malaysia xếp thứ ba khi đã xuất xưởng thành công 58.527 xe.

Với sản lượng 25.300 xe ở tháng đầu năm theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn đứng thứ tư khu vực về sản lượng ôtô nội địa.

Việt Nam xếp thứ tư khu vực về sản lượng ôtô nội địa
Số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước của các quốc gia khu vực Đông Nam Á trong tháng đầu năm 2023 (Số liệu: AAF, Tổng cục Thống kê)
Nhãn Thái Lan Indonesia Malaysia Việt Nam Philippines Myanmar

xe 162327 132163 58527 25300 8886 8

Dù vậy, năng lực sản xuất hiện tại dường như vẫn chưa tương xứng với tổng công suất lắp ráp theo thiết kế của các nhà máy ôtô tại Việt Nam.

Trong Công văn gửi đến Bộ Tài chính hồi đầu tháng 3, Bộ Công Thương cho biết tính đến hết năm 2022, tổng công suất lắp ráp của các nhà máy ôtô tại Việt Nam theo thiết kế đạt khoảng 755.000 xe/năm.

Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự khi phần lớn chỉ mới ở mức độ lắp ráp đơn giản.

Cụ thể, dây chuyền sản xuất ôtô tại Việt Nam chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.

Bên cạnh đó, giá bán xe ở nước ta cũng cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan và Indonesia. Thậm chí, Bộ Công Thương khẳng định con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ hay Nhật Bản.

Cũng theo báo cáo của AAF, cú trượt doanh số hồi đầu năm đã khiến thị trường ôtô Việt Nam tạm thời rơi xuống vị trí thứ năm trong khu vực, xếp sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Dẫu vậy, thị trường ôtô nước ta lại xếp thứ nhì Đông Nam Á trong năm vừa rồi nếu xét đến mức độ tăng trưởng. Cụ thể, doanh số ôtô tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu ở hạng mục này là Malaysia với chỉ số tăng trưởng đạt 41,6%.

Nếu duy trì được sức tăng trưởng tốt như trong năm 2022, thị trường ôtô Việt Nam chắc chắn sẽ xô đổ kỷ lục doanh số 404.635 xe đạt được trong năm vừa rồi.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Suzuki Ciaz chưa thoát ế, Ford Explorer lọt top bán chậm

Danh sách ôtô bán chậm nhất tháng có sự góp mặt của nhiều mẫu xe quen thuộc. Trong đó, Suzuki Ciaz tiếp tục là ôtô có doanh số kém nhất thị trường.

Lý do doanh số ôtô tại Việt Nam tăng mạnh

Dù tăng trưởng 33% so với tháng đầu năm, doanh số ôtô tại Việt Nam vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh cơ hội, thị trường ôtô nước ta cũng phải đối diện không ít thách thức.

Phúc Hậu

Bạn có thể quan tâm