Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ôtô Trung Quốc - Chery, gã khổng lồ lạ lẫm trên thế giới

Dù không nổi bật như BYD trên trường quốc tế, Chery là một trong những cái tên hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc.

oto Trung Quoc Chery anh 1

Chery sở hữu nhiều thương hiệu ôtô khác nhau nhưng chủ yếu bán cho khách hàng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: Chery.

Nhắc đến ôtô Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, có lẽ phần đông sẽ nghĩ ngay đến BYD nhờ thành tích bán hàng xấp xỉ "gã khổng lồ" xe điện Tesla trong năm 2023. Chery, trong khi đó, lại là một cái tên có phần lạ lẫm.

Dẫu vậy, Chery trên thực tế lại là một tập đoàn khá nổi tiếng trong ngành công nghiệp ôtô của xứ tỷ dân, đồng thời là cái tên dẫn đầu về lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ.

Đứng đầu về xuất khẩu

Các số liệu thống kê cho thấy trong năm 2023, Trung Quốc chính thức vượt qua hàng xóm Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới. Sau 12 tháng của năm vừa rồi, Trung Quốc hoàn thành xuất khẩu tổng cộng 5,2 triệu ôtô các loại, trong đó có khoảng 1,7 triệu xe điện.

Dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu ôtô của Trung Quốc trong năm 2023 tiếp tục là tập đoàn Chery với tổng số 937.148 xe các loại. Theo thông tin đăng tải trên trang chủ Chery, tập đoàn này ghi nhận mức tăng trưởng 101,1% về lượng xuất khẩu ôtô trong năm 2023, đồng thời giữ vững vị trí số một về xuất khẩu ôtô du lịch của Trung Quốc trong suốt 21 năm.

oto Trung Quoc Chery anh 2

Chery là đơn vị xuất khẩu ôtô số một Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua. Ảnh: Chery International.

Khác với những hãng xe đồng hương, Chery đã lựa chọn cho mình một hướng đi tương đối khác biệt khi nhắm đến thị trường nước ngoài, tăng cường xuất khẩu ôtô của các thương hiệu trực thuộc để nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận.

Số liệu của Chery cho hay doanh số lũy kế của tập đoàn là hơn 13 triệu ôtô trên toàn cầu sau khi năm 2023 khép lại. Trong số này, có khoảng 3,35 triệu xe đã được bán cho khách hàng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Thậm chí vào tháng 10/2023, tổng doanh số của tập đoàn Chery đã có lần đầu tiên vượt mốc 200.000 xe/tháng. Nhờ tăng trưởng 50,8% so với cùng kỳ năm trước, doanh số của tập đoàn ôtô Trung Quốc này đã xác lập một kỷ lục mới ngay trong tháng đầu quý IV/2023.

Chery chú trọng xuất khẩu ôtô cho vài thị trường chủ yếu như Nam Mỹ, Đông Âu và châu Phi, với những thương hiệu ôtô dành cho khách hàng nước ngoài như Omoda hay Jaecoo.

"Thật dễ dàng để chiến thắng khi bạn sở hữu nhiều con hơn", ông Yin Tongyao, chủ tịch Chery, từng phát biểu như vậy hồi năm 2012 về chiến lược đa thương hiệu của tập đoàn.

Thành công tại nước ngoài

Khi hàng loạt thương hiệu ôtô phương Tây rời bỏ thị trường Nga, các hãng xe Trung Quốc đã tận dụng rất tốt cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Báo cáo của Car News China cho thấy trong năm vừa rồi, Chery, Haval, Geely và Changan là những thương hiệu ôtô bán chạy nhất thị trường Nga, chỉ xếp sau thương hiệu nội địa Lada của xứ sở bạch dương.

Trong đó, Chery là thương hiệu xe bán chạy thứ nhì tại Nga với doanh số 118.950 xe, tăng trưởng 203% và nắm giữ 11,2% tổng thị phần ôtô tại đây. Bên cạnh Chery, thương hiệu Exeed và Omoda (cũng thuộc tập đoàn Chery) đã lọt vào top 10 hãng xe được người dân Nga ưa chuộng nhất khi doanh số lần lượt đạt 42.152 xe và 41.983 xe.

Đáng chú ý, Omoda cũng là thương hiệu xe tăng trưởng tốt nhất tại thị trường Nga trong năm vừa rồi, với doanh số cao hơn cùng kỳ năm trước đến 3.288%, theo Car News China.

oto Trung Quoc Chery anh 3

Omoda là thương hiệu xe tăng trưởng tốt nhất tại Nga trong năm 2023. Ảnh: Chery International.

Tại thị trường Nga, Chery Tiggo 7 Pro chỉ đứng thứ năm trong danh sách ôtô bán chạy nhất. Trong khi đó, mẫu xe này lại là lựa chọn hàng đầu của khách hàng Qatar khi đã là mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường trong các năm 2021 và 2022.

Dù chưa có số liệu chính thức, gần như chắc chắn Chery Tiggo 7 Pro sẽ tiếp tục là ôtô bán chạy nhất quốc gia Tây Á khi đây là cái tên duy nhất đạt doanh số trên 1.000 xe ở thời điểm trước tháng 12/2023.

Không quá tập trung vào thị trường nội địa

Do ảnh hưởng từ định hướng hoạt động, doanh số của các hãng xe thuộc tập đoàn Chery tại thị trường Trung Quốc là không mấy ấn tượng. Sau 9 tháng đầu năm 2023, doanh số của Chery tại Trung Quốc là 326.136 xe, với những cái tên bán chạy nhất lần lượt là Tiggo 8, QQ Ice Cream và Tiggo 7.

Kết thúc năm 2023, không có bất kỳ hãng xe nào thuộc tập đoàn Chery lọt vào top 10 thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc. Trong bảng thống kê này, BYD là cái tên dẫn đầu với tổng doanh số hơn 2,57 triệu xe, còn Volkswagen và Toyota xếp ngay sau với doanh số tại thị trường Trung Quốc lần lượt đạt gần 2,23 triệu xe và 1,7 triệu xe.

oto Trung Quoc Chery anh 4

Doanh số tại Trung Quốc của các thương hiệu xe thuộc tập đoàn Chery là không tốt. Ảnh: Car News China.

Như vậy, tương tự với tình hình của MG, Chery đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác biệt cho các sản phẩm ôtô của mình. Dù không phải là một cái tên quá ấn tượng trên bản đồ ôtô toàn cầu, cũng chẳng sở hữu bất kỳ thương hiệu hay mẫu xe nào bán chạy tại quê nhà, Chery vẫn được nhắc đến như là một trong những ông lớn hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc nhờ vào lượng xuất khẩu.

Để dễ hình dung, Chery công bố doanh số chung của tập đoàn trong năm 2023 là hơn 1,88 triệu xe thì đã có đến gần 940.000 ôtô được xuất khẩu. Như vậy theo ước tính sơ lược, lượng ôtô xuất khẩu của tập đoàn Chery chiếm gần 50% doanh số trong năm 2023, phản ánh rõ định hướng phát triển của tập đoàn ôtô Trung Quốc.

Hành trình trở lại Việt Nam

Chery dường như chắc chắn sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam với 2 thương hiệu Omoda và Jaecoo. Cách đây gần 15 năm, tập đoàn ôtô Trung Quốc từng một lần tiếp cận thị trường Việt Nam nhưng đã phải rời đi chỉ sau khoảng 5 năm hoạt động do tình hình kinh doanh ảm đạm.

Chery đã tiến hành nghiên cứu thị trường Việt Nam từ 2 năm trước, có các buổi tiếp xúc với giới truyền thông cũng như tìm hiểu khách hàng, tuy nhiên vì nhiều lý do mà thương hiệu này không quá vội vàng tại thị trường ôtô Việt.

Trong lần trở lại này, Chery cho thấy tham vọng của mình thông qua động thái bắt tay với một đơn vị của Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài như cách nhiều hãng xe đồng hương đang thực hiện. Theo nhiều nguồn tin, công suất tối đa của nhà máy này có thể đạt mức 200.000 ôtô mỗi năm.

Theo chia sẻ của lãnh đạo cấp cao Chery với Tri thức - Znews, bước đầu của Chery vẫn là nhập khẩu các mẫu xe mang thương hiệu Omoda và Jeacoo từ Indonesia về bán tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế suất. Chery vẫn đang trong quá trình phát triển đại lý và phải tới giữa năm nay các mẫu xe đầu tiên của hãng mới được bán ra thị trường.

Nhà máy tại Việt Nam sẽ được xây dựng và hãng xe Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu. Như vậy sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy, các mẫu xe thuộc thương hiệu Omoda và Jaecoo đều sẽ có thể sở hữu đôi chút lợi thế về nguồn cung để đua tranh doanh số tại thị trường Việt Nam.

oto Trung Quoc Chery anh 5

Omoda và Jaecoo sẽ là những thương hiệu ôtô được Chery sử dụng để tiếp cận khách hàng Việt. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Dù vậy, thách thức lớn nhất với ôtô thương hiệu Omoda, Jaecoo cũng như các hãng xe Trung Quốc khác tại Việt Nam là vấn đề giá trị thương hiệu. Cụ thể, quá trình cải thiện những thiện cảm của khách hàng Việt dành cho các mẫu xe Trung Quốc là tương đối khó trong thời gian ngắn, bất chấp các lợi thế có thể sở hữu của những thương hiệu này về công nghệ hay giá bán so với các đối thủ cạnh tranh.

Lợi thế của Chery và các thương hiệu con tại Việt Nam là phân phối các sản phẩm đã chứng minh được sức hút cũng như chất lượng trên thị trường quốc tế bên ngoài Trung Quốc, và bản thân Chery cũng là một thương hiệu xe Trung Quốc nên không cần phải tiếp cận khách hàng bằng một nguồn gốc khác như một số hãng xe đồng hương. Mức giá có lẽ sẽ là thứ quan trọng nhất quyết định sự thành bại của Chery, Omoda và Jeacoo, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu tại thị trường xe Việt.

Với Wuling, Haval, Lynk & Co, Haima và mới nhất là Omoda cùng Jaecoo, làn sóng ôtô Trung Quốc đã thực sự đổ bộ thị trường Việt Nam thêm một lần nữa, mang theo tính đa dạng cùng với sự cạnh tranh về giá bán cũng như công nghệ và trang bị trên xe. Xét cho cùng, khách hàng Việt có lẽ là bên hưởng lợi lớn nhất trước những động thái này, bởi phạm vi lựa chọn ôtô đã rộng mở hơn, đi cùng với đó là những chính sách giá hấp dẫn nhằm thu về thị phần có lợi.

Dù vậy, sẽ thật khó để ôtô Trung Quốc có thể ngay lập tức nắm giữ một thị phần lớn tại Việt Nam như cách nhiều hãng xe của nước này đang bành trướng ảnh hưởng tại thị trường Nga. Vào thời điểm này, vẫn còn rất nhiều hãng xe danh tiếng của châu Âu, Mỹ, Nhật và Hàn đang "chinh chiến" tại thị trường Việt Nam, mang đến nhiều lựa chọn phong phú cho khách hàng Việt.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Đánh giá Omoda C5 - có cơ hội trong nhóm SUV đô thị tại Việt Nam?

Omoda C5 có lợi thế về trang bị cũng như tính năng, tuy nhiên thương hiệu con của Chery cần giải quyết được bài toán giá bán và xuất xứ từ Trung Quốc nếu muốn thành công.

Ôtô Trung Quốc – MG nỗ lực thoát mác 'bình cũ rượu mới'

Từ hãng xe hàng đầu nước Anh, MG giờ mang danh xe Trung Quốc nhưng lại đang gặp khó ngay tại chính thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Phúc Hậu

Bạn có thể quan tâm