Giáo viên thì giải thích lý do cho học sinh đó lên lớp là vì tình thương, muốn em được hòa nhập... nhưng đó là điều khó có thể được chấp nhận.
Đây là trường hợp có thể nói là rất hy hữu trong giáo dục, bởi khi bắt đầu đi học từ mẫu giáo đến hết lớp một thì học sinh đã biết đọc, biết viết một cách thành thục và đến các lớp trên thì học sinh đã bắt đầu học các môn khác như Toán, Tiếng Việt, Giáo dục công dân...
Trong khi đó, đến lớp 6 nhưng chưa biết đọc thông viết thạo thì thử hỏi học sinh ấy phải tiếp thu kiến thức mới như thế nào? Học sinh đó chắc chắn sẽ tiếp tục trượt dài vì học lực yếu không thể theo kịp bạn bè, do đó việc bỏ học là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, nơi em S. học và lên lớp dẫu không đọc, viết được. Ảnh: Người Lao Động. |
Qua sự việc nêu trên cho thấy, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn hiện hữu. Việc đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu để thi đua, nhiều nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cố ý đánh giá học lực học sinh thiếu chính xác, không khách quan, cố tình cho học sinh yếu lên lớp để hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm đã thiếu trách nhiệm trong việc kèm cập, bồi dưỡng cho học sinh. Đáng lẽ ra, khi bước vào lớp 1 nếu phát hiện học sinh chậm tiến bộ, chưa biết đọc, biết viết thì phải báo cáo ban giám hiệu nhà trường, phối hợp phụ huynh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc để học sinh đó tiến bộ.
Khi được hỏi lý do vì sao học sinh nam đã lên lớp 6 mà chưa biết đọc, viết, giáo viên trả lời là "tạo điều kiện" hay "vì tình thương". Nhưng đó đâu phải tạo điều kiện, đâu phải là tình thương của giáo viên dành cho học sinh! Đó chính là gián tiếp làm hại học sinh.
Qua sự việc này, giáo viên cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc giáo dục học sinh, phải đánh giá học lực thực chất để giúp các em tiến bộ. Đồng thời, sẵn sàng cho học sinh ở lại lớp để hệ thống, củng cố kiến thức trước khi bước lên lớp trên, đừng chạy theo thành tích mà đánh giá sai lệch kết quả học tập của học sinh rồi chuyển trách nhiệm cho giáo viên khác.
Đối với nam học sinh lớp 6 hiện chưa biết đọc thông, viết thạo nêu trên, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng đặc biệt để bổ sung kiến thức, nếu cảm thấy kiến thức chưa đảm bảo thì phải để học sinh đó ở lại lớp. Đó mới là tình thương chân chính của giáo viên dành cho học sinh.