Chiều 8/5, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) cho biết Khoa Ngoại tổng hợp vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư túi mật hiếm gặp dạng tế bào gai là bà Nguyễn Thị Niếu (57 tuổi, ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Người phụ nữ này đã tỉnh táo, ăn uống được, vết mổ khô, ống dẫn lưu có rò mật lượng ít, dự kiến xuất viện ngày 9/5.
Theo ông Phong, bà Niếu nhập viện tại Đồng Tháp ngày 14/4 vì đau bụng vùng hạ sườn. Khi được chuyển đến BVĐKTWCT, bác sĩ quyết định phẫu thuật và ca mổ kéo dài đến 4,5 giờ.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bà Niếu. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Quá trình thám sát ổ bụng, kíp mổ nhận thấy đây là trường hợp u túi mật xâm lấn gan hạ phân thùy IV-V, xâm lấn hang vị dạ dày, tá tràng, tụy và đại tràng ngang kèm nhiều hạch vùng rốn gan. Các bác sĩ quyết định cắt trọn khối ung thư liên quan đến 6 cơ quan là gan hạ phân thùy IV-V, khối u túi mật, đoạn xa dạ dày, D1 tá tràng, một phần mốc tụy và cắt đoạn đại tràng ngang để cứu bệnh nhân.
Ung thư túi mật là loại hiếm gặp, điều trị khó do ung thư lan rộng nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là gan. Bệnh thường không có triệu chứng cho tới khi bệnh ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn mô và cơ quan lân cận. Trường hợp may mắn phát hiện được ở giai đoạn sớm, điều trị rất hiệu quả.
Những triệu chứng và dấu hiệu có thể gặp trong ung thư túi mật là vàng da, sụt cân, sốt, ăn không ngon, đầy bụng hoặc đau bụng, mệt mỏi, sờ thấy khối ở bụng. Người có nguy cơ ung thư túi mật là bệnh nhân có tiền sử sỏi mật, đặc biệt là sỏi mật tái phát nhiều lần; bệnh nhân có tiền sử polyp túi mật, hút thuốc lá, nghiện rượu và có người thân trong gia đình mắc phải bệnh này.