Ngày 22/3, phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương. Ảnh: Duy Anh. |
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương (phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát) cho biết, toàn bộ dữ liệu liên quan công ty “ma” thuộc về Văn phòng HĐQT công ty, bản thân bị cáo cũng không được chia sẻ và biết gì về các công ty "ma" như cáo trạng nêu.
“Lúc đầu không hiểu vì sao bị bắt tạm giam, bị cáo cảm thấy nhẹ lòng khi thấy hành vi của mình cũng nhẹ. Bị cáo thấy hành vi không nặng nề, nhưng mới đây sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 19-20 năm tù, bị cáo cảm thấy rất bàng hoàng” - bị cáo Hồ Bửu Phương nói với giọng nghẹn ngào và cho biết, bản thân cảm thấy xấu hổ, mong HĐXX cân nhắc, xem xét phần bào chữa của các luật sư để có mức án phù hợp với hành vi của bị cáo.
Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồ Bửu Phương 19-20 năm tù, về tội “Tham ô tài sản”. Hành vi sai phạm của bị cáo Phương qua điều tra xác định, bị cáo liên quan các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ gốc là hơn 216.000 tỷ đồng và nợ lãi hơn 99.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là hơn 190.000 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Phương) cho rằng, tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Phương chỉ là một mắc xích nhỏ cuối cùng trong vụ án. Giới hạn hành vi của bị cáo Phương chỉ dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng sau khi tiền đã được giải ngân về cho công ty vay. Các công việc như lên phương án vay vốn, lên phương án giải quỹ, và quá trình sử dụng dòng tiền sau khi giải quỹ trên thực tế như thế nào bị cáo Phương không biết và không tham gia.
Luật sư Nguyễn Thành Công kết thúc bài bào chữa với đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo Phương, đưa ra một phán quyết hợp tình, hợp lý cho bị cáo. Đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần trách nhiệm, chuyển sang mức đầu của khung hình phạt liền kề.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu phó Chủ tịch HĐQT SCB, bị đề nghị 15-16 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”), luật sư nói rằng, bị cáo Hải không phải là người giúp sức tích cực cho vụ án. Bị cáo chủ quan việc phê duyệt của mình là đúng quy trình. Hành vi của bị cáo Hải mang tính chủ quan và có vai trò thứ yếu. Đề nghị HĐXX có mức án phù hợp với hành vi của bị cáo Hải.
Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (ngồi giữa) tại phiên tòa. Ảnh: Duy Anh. |
Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải cho rằng, việc căn cứ hành vi để luận tội bị cáo là chưa đầy đủ và chính xác. Cần phải xem xét hoàn cảnh bị cáo phạm tội. “Vi phạm xung quanh nằm ở chỗ tạo lập hồ sơ vay, giải ngân, tài sản thế chấp và giá trị tài sản thế chấp. Thông qua thời gian xét hỏi tại tòa cho thấy, bị cáo không tham gia vào, cũng không chỉ đạo cấp dưới tham gia”- bị cáo Hải trình bày.
Cũng theo bị cáo Hải, bản thân bị cáo rất ăn năn, hối lỗi, nhận thức sâu sắc về phạm tội của mình. Bị cáo xin HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát xem xét mức án, tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, để bị cáo hòa nhập với xã hội.
Bị cáo Hải, theo cáo buộc của Viện Kiểm sát là có hành vi sai phạm, từ ngày 28/6/2012 đến ngày 30/12/2020, bị cáo Hải đã ký 227 biên bản họp hội đồng tín dụng, 80 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư, 312 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 nghị quyết đồng ý cho 441 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 649 khoản vay tại SCB. Giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), gây thiệt hại hơn 369.000 tỷ đồng cho SCB.