Người có không gian sống bừa bộn thường được mặc định là người lười biếng, vô tổ chức. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của sự thật.
Điểm chính:
- Thói quen sống phụ thuộc vào tính cách của mỗi người.
- Đôi khi, sự thiếu trật tự có khả năng kích thích sáng tạo tốt hơn.
- Trong một số trường hợp, phòng bừa bộn có thể là dấu hiệu chứng tỏ cuộc sống một người đang bất ổn.
Bên cạnh người có thói quen giữ nơi ở gọn gàng, không ít người lại thích để đồ đạc ngổn ngang và cảm thấy vui vì được sống trong thế giới của mình.
Chúng ta thường đánh đồng hình ảnh căn phòng thiếu ngăn nắp với người vô kỷ luật. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả.
Một căn phòng lộn xộn nói lên nhiều điều về chủ nhân của nó hơn những gì ta thấy. Bài viết sau sẽ nêu một số đặc điểm có thể bạn chưa biết.
Về sức khỏe tinh thần
Trong hầu hết trường hợp, phòng ốc bừa bộn là hệ quả của việc chúng ta bận rộn, ít có thời gian dọn dẹp.
Dù vậy, ở một số người, đặc biệt là người vốn cẩn thận trước đây, đồ đạc thiếu trật tự có thể là dấu hiệu của tâm lý không ổn định, như:
- Trầm cảm nhẹ. Theo Insider, người trải qua giai đoạn căng thẳng thường khó theo kịp các công việc hàng ngày. Họ cũng gặp khó khăn khi cố làm những việc đòi hỏi sự tập trung như giữ nhà cửa ngăn nắp.
- Kiệt sức (hội chứng burn out). Cảm giác chán nản, mệt mỏi vì làm việc quá sức thường lấy đi niềm vui của nhiều người, khiến họ không thiết tha chăm sóc đời sống cá nhân.
- Có vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu bạn không thoải mái, thậm chí thất vọng với chốn riêng tư của mình, thì có thể một hoặc một vài khía cạnh cuộc sống của bạn cần được xem lại: Một mối quan hệ độc hại, một vướng mắc trong công việc,...
Về tính cách
Không phải lúc nào sự thiếu sắp xếp cũng đi kèm những lý do tiêu cực. Tính cách và sở thích, đôi khi, cũng là yếu tố quyết định.
Verywell Mind cho rằng nếu bạn là người làm việc tốt trong môi trường chỉn chu, thì rất có thể bạn thuộc nhóm tính cách A - người có xu hướng cầu toàn và muốn kiểm soát cuộc sống.
Trong khi đó, nếu bạn không quá căng thẳng với thứ tự các món đồ, thì bạn có thể là người thuộc nhóm B.
Đây được cho là nhóm tính cách thoải mái, thiên về ý tưởng và trải nghiệm. Với họ, việc để mỗi thứ mỗi nơi là điều bình thường, miễn họ biết chính xác phải tìm món nào ở đâu khi cần.
Về điểm mạnh, điểm yếu
Phòng không gọn gàng có những ưu, nhược điểm khác nhau.
Trong bài viết của mình trên The New York Times, Tiến sĩ Kathleen Vohs nói bà đã thực hiện một số thí nghiệm tâm lý và phát hiện: Nếu người cầu toàn có xu hướng sống lành mạnh, an toàn, thì người bừa bộn lại dám trải nghiệm nhiều điều mới hơn.
Kết quả thí nghiệm của Vohs có thể được ứng dụng trong thiết kế không gian làm việc. Mục tiêu là giúp mỗi cá nhân phát huy hết khả năng của mình và đạt hiệu suất cao nhất.
Cụ thể, với những ngành nghề đòi hỏi sáng tạo liên tục, doanh nghiệp nên cho phép nhân viên được linh hoạt cá nhân hóa khu vực làm việc. Một chút lộn xộn không hẳn là điều xấu.
Tất nhiên, thói quen này cũng có mặt trái. Đồ đạc ngổn ngang dễ khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp hoặc thất lạc tài liệu quan trọng.
Thực tế, một người hoàn toàn có thể sống bừa bộn trong môi trường này và gọn gàng ở môi trường khác, tùy thuộc vào đối tượng xung quanh hay cách họ mong muốn thể hiện bản thân, theo BBC.
Bạn có quyền lựa chọn lối sống phù hợp với mình. Nhưng, nếu sự lộn xộn khiến bạn căng thẳng, thì việc xác định nguồn cơn và giải quyết nó là vấn đề ưu tiên. Ngoài ra, không gian sạch đẹp thường hỗ trợ tốt hơn về tinh thần khi bạn muốn nâng cao chất lượng sống, đồng thời cải thiện sức khỏe của mình.