Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hòn đảo đặt ra 'hạn mức' lì xì

Truyền thống lì xì của Trung Quốc liên quan đến một con quỷ, trong khi người chưa lập gia đình ở Thái Lan mới có "đặc quyền" nhận lì xì.

Không riêng Việt nam, nhiều nơi ở châu Á bao gồm Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan v.v cũng đón Tết Nguyên đán. Đây là dịp người dân các nước quây quần bên gia đình, thực hiện nhiều hoạt động truyền thống để chào đón một năm mới đong đầy niềm vui.

Trong đó, nghi thức trao lì xì đã được người dân nhiều nơi duy trì từ lâu, xem đây là hành động thể hiện sự quan tâm, yêu thương và mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với người nhận.

Cùng chung ý nghĩa như vậy nhưng phong tục lì xì của mỗi nơi lại chứa đựng những nét riêng biệt liên quan đến văn hóa, lối sống và tính cách người dân nơi ấy.

Trung Quốc đại lục: Huyền thoại quỷ tên Sui

Lì xì ở Trung Quốc được gọi là hongbao (红包), có nghĩa là “túi màu đỏ”.

Từ thế kỷ 10, những chiếc phong bì màu đỏ dùng để đựng tiền đã giữ vị trí quan trọng trong nghi thức văn hóa của Trung Quốc, đặc biệt là vào dịp Tết Âm lịch hàng năm. Theo quan niệm, màu đỏ tươi tượng trưng cho sự may mắn, đồng thời bảo vệ mọi người khỏi linh hồn ma quỷ.

Một huyền thoại phổ biến xoay quanh phong tục này liên quan đến con quỷ tên Sui (祟). Nó chuyên “săn” trẻ em vào đêm giao thừa bằng cách lẻn vào nhà mà không để gia chủ biết, sau đó gây ra nỗi khiếp đảm đối với những đứa trẻ.

Li xi ngay Tet anh 1

Bao lì xì đựng tiền là cách người Trung Quốc xua đuổi tà ma. Ảnh: Freepik.

Một cặp vợ chồng muốn bảo vệ con trước quỷ dữ nên đã bỏ 8 đồng xu may mắn vào phong bì màu đỏ, rồi nhét nó dưới gối con trai. Đúng lúc Sui chuẩn bị chiếm đoạt cậu bé, ánh sáng từ đồng xu đã xuyên qua mắt Sui như lưỡi dao, khiến con quỷ phải tức tốc bỏ chạy.

Kể từ đó, người dân bắt đầu sử dụng bao lì xì chứa đầy tiền để xua đuổi tà ma. Vào ngày Tết Nguyên Đán, ông bà, cha mẹ, anh chị đều tặng hồng bao cho các thành viên nhỏ tuổi hơn trong gia đình cũng là vì thế.

Người dân Trung Quốc đặt ra một số nguyên tắc nhất định khi cho và nhận lì xì. Chẳng hạn, tiền sử dụng trong phong bao phải là tiền giấy còn mới, sạch sẽ và phẳng phiu. Tổng số tiền không cố định nhưng đảm bảo không có số lẻ và số 4 (phát âm “tứ” gần giống “tử”), thay vào đó là hai số chẵn may mắn như 6 và 8.

Về cách nhận, trẻ em sẽ quỳ gối, đưa hai tay lên nhận hồng bao và tuyệt đối không mở ra trước mặt người lớn.

Hàn Quốc: Cúi lạy trước khi nhận lì xì

Thông thường, trẻ em nhận tiền lì xì từ người lớn chỉ cần nhận bằng hai tay và nói lời cảm ơn. Riêng ở Hàn Quốc, người dân cần thực hiện thêm một nghi thức được gọi là sebae - lễ cúi chào người lớn tuổi trước khi nhận lì xì.

Trẻ em Hàn Quốc phải nói “saehae bok manhi badeuseyo”, có nghĩa là “mong rằng nhiều phước lành sẽ đến với bạn” và từ từ cúi chào. Con cái cúi lạy ông bà, cha mẹ để thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn vì họ đã nuôi dưỡng mình cả về thể chất lẫn tinh thần. Người nước ngoài lần đầu đặt chân đến Hàn Quốc sẽ khá bỡ ngỡ với nghi lễ này.

Li xi ngay Tet anh 2

Nghi thức sebae của người Hàn. Ảnh: Korea.net.

Bên cạnh phong bao lì xì hiện đại, Hàn Quốc cũng có một loại “phong bao” độc đáo hơn hẳn những quốc gia khác. Chúng thường được làm bằng vải với màu sắc đặc trưng của văn hóa Á Đông như xanh, hồng, vàng, đỏ và trắng, ngoài ra có thêm dây rút buộc ở đầu để quà không rơi.

Người Hàn gọi những chiếc túi này bằng cái tên bokjumeoni, dịch ra là “túi may mắn”. Tuy hầu hết người dân không còn bỏ tiền vào bokjumeoni, món đồ này vẫn là nét đẹp truyền thống lâu đời của xứ sở hoa anh đào.

Bên cạnh đó, tiền không phải thứ duy nhất người ta trao nhau trong dịp Tết Nguyên đán ở Hàn. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà món quà sẽ khác nhau, mọi người thậm chí nhận được vàng, ngọc trai, đá quý v.v tượng trưng cho phước lành năm mới.

Đài Loan: Đặt ra “hạn mức” lì xì

Giống với Trung Quốc đại lục, Đài Loan cũng sử dụng phong bì màu đỏ, đựng tiền bên trong làm quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Điều thú vị là người Đài đặt ra “hạn mức” cụ thể cho từng đối tượng nhận lì xì, theo thông tin từ cuộc khảo sát năm 2017 của Daily View.

Li xi ngay Tet anh 3

Người Đài đặt ra “hạn mức” cụ thể cho từng đối tượng nhận lì xì. Ảnh: Freepik.

Ví dụ, lì xì cho cha mẹ dao động từ 3.600 Tân Đài tệ (tương đương 116 USD) đến 6.600 Tân Đài tệ (tương đương 213 USD); nếu ông bà là người nhận thì số tiền sẽ từ 1.000 Tân Đài tệ (tương đương 32 USD) đến 2.000 Tân Đài tệ (tương đương 64 USD).

Đối với anh chị em ruột, hạn mức phù hợp là từ 600 Tân Đài tệ (tương đương 19 USD) đến 2.000 Tân Đài tệ. Nếu là lì xì cho trẻ em, mức tối đa sẽ là 800 Tân Đài tệ (tương đương 26 USD).

Cơ sở cho những “hạn mức” này là tư tưởng coi trọng cha mẹ - trụ cột chính trong gia đình với nhiệm vụ nuôi nấng, chăm sóc con cái. Tiếp theo, ông bà cũng là một phần quan trọng, nhưng vì con cháu đều lì xì ông bà nên mỗi người có thể đưa ít hơn một chút. Các thế hệ còn lại sẽ nhận được mức lì xì tùy vào hoàn cảnh cụ thể. truyền thống gia đình và mối quan hệ giữa anh chị em.

Ngoài ra, người Đài Loan cũng rất ngại dùng số lẻ hoặc số 4 khi mừng tuổi, bởi chúng chứa yếu tố liên quan đến cái chết, đám tang.

Thái Lan: “Đặc quyền” nhận lì xì của người chưa lập gia đình

Tết Nguyên đán không phải ngày nghỉ lễ ở Thái Lan, nhưng người dân trên khắp đất nước - không riêng cộng đồng người Hoa - vẫn ăn mừng một cách nhiệt tình và vui vẻ.

Từ Bangkok đến Chiang Mai, các ngôi chùa đều được trang trí bằng đèn lồng đỏ và đông đúc người đến cầu nguyện cho năm mới, trong khi đường phố diễn ra các cuộc diễu hành hoặc biểu diễn múa rồng.

Điều này là do khoảng 15% dân số Thái Lan được cho là hậu duệ của những người di cư từ Trung Quốc đến Thái Lan vào đầu thế kỷ 19. Vì thế, nhiều nghi thức lâu đời của Trung Quốc đã thấm sâu vào văn hóa xứ sở Chùa Vàng.

Li xi ngay Tet anh 4

Tết Nguyên Đán ở Saraburi, Thái Lan. Ảnh: Unsplash.

Vào ngày đầu năm mới, nhiều gia đình sẽ trao nhau phong bao lì xì màu đỏ gọi là angpao hay hongbao. Bên trong những chiếc phong bì đặc biệt này là một số tiền tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, an khang thịnh vượng. Theo truyền thống, cha mẹ thường tặng lì xì cho con cái chưa lập gia đình.

Ngoài tiền lì xì, hầu hết mọi người còn trao đổi cam quýt khi ghé thăm họ hàng trong dịp Tết. Văn hóa Trung Hoa cho rằng hai loại quả ấy tượng trưng cho một năm tốt đẹp ở phía trước, bởi cách phát âm của chúng gần giống từ “may mắn” và “thành công”.

Việt Nam: Không dán kín bao lì xì

Tiền mừng tuổi trong tiếng Việt được gọi là li xi - danh từ xuất phát từ lìshì (利市) với ý nghĩa “may mắn”.

Theo truyền thống, tiền lì xì là một số tiền nhỏ được đựng trong phong bì màu đỏ, trao cho trẻ em như một lời cầu chúc may mắn, sức khỏe sẽ đến với chúng nhân dịp đầu Xuân năm mới. Tập tục này của Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi truyền thống Trung Quốc xa xưa.

Li xi ngay Tet anh 5

Lì xì là phong tục lâu đời ở Việt Nam với ngụ ý trao gửi may mắn. Ảnh: Unsplash.

Vì thế, người Việt cũng có những điều kiêng kỵ khi cho và nhận lì xì. Giống như người Hoa, người Việt thường không lì xì số lẻ, không sử dụng tiền và phong bao cũ, đồng thời không nhận lì xì bằng một tay rồi mở ra ngay trước mắt người lớn.

Ngoài ra, người Việt cũng để ý những tiểu tiết như tránh dán kín bao lì xì để người nhận thuận lợi mở ra, giống như cách khởi đầu năm mới may mắn, an nhàn. Đối với nhà đông con cháu, số tiền trao cho mỗi đứa trẻ phải bằng nhau để tránh so bì tị nạnh, đánh mất hòa khí trong ngày Tết.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Mai Vũ

Bạn có thể quan tâm