Trao đổi với phóng viên Zing.vn ngày 4/10, bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh -Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành ở phường 8, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), cho biết nam sinh lớp 6 tên Lâm bị Trường THCS Lê Vĩnh Hòa trả về đã được bố trí vào lớp 5/2. Sau buổi học lại, Lâm tỏ ra vui vẻ với bạn bè, không còn mặc cảm như nửa tháng trước.
"Chúng tôi theo dõi Lâm học lại và quay clip để xem thế nào thì thấy em này đọc, viết được nhưng chậm. Lâm mắc chứng tự kỷ nên nhiều lúc ngồi cả giờ mà không chịu đọc, viết khiến mọi người hiểu nhầm. Khi tâm lý thật sự thoải mái, em vẫn làm được toán", nữ hiệu trưởng chia sẻ.
Học bạ cho thấy Lâm học yếu và hạnh kiểm trung bình từ năm lớp 2. Ảnh: CTV. |
Đề cập chuyện hai năm lớp 4 và 5, mẹ Lâm là chị Tô Thị Quỳnh Giao xin thầy, cô chủ nhiệm để con trai lưu ban nhưng không được chấp nhận, bà Hạnh nói giáo viên không báo cho lãnh đạo việc này.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Lâm trang bị thêm kiến thức tiểu học cho hoàn chỉnh. Hàng ngày, giáo viên sẽ kèm em toán, chính tả", bà Hạnh nói và lấy lý do đang họp với lãnh đạo Sở GD&ĐT Sóc Trăng nên từ chối cung cấp thêm thông tin về nam sinh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng Trường tiểu học Lý Đạo Thành, Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường 3 (TP Sóc Trăng) cũng có 8 học sinh của một lớp 3 đọc chữ rất chậm. Trong đó, một em nhìn vào hơn chục từ của sách Tiếng Việt lớp 3, chỉ đánh vần được 3 chữ. Khi cô giáo đọc từng chữ, em này viết không đúng chính tả.
"Theo quy định, học sinh lớp 3 phải đọc tối thiểu 70 tiếng/phút nhưng các em ấy chỉ đánh vần được vài chữ. Khi Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, giáo viên lại nhận xét, đánh giá bài kiểm tra, bài thi của các em một cách chung chung", một giáo viên có hơn 20 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Không chỉ ở TP Sóc Trăng, huyện Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng cũng có vài học sinh tiểu học được cha mẹ xin cho các em "học ngược".
Tại Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, một lớp 2 có 24 em người dân tộc Khmer, chỉ 4 em đọc trôi chảy. 20 học sinh còn lại, có em khó đánh vần, một số em chỉ biết vần nhưng không ghép được. Vì vậy, một số phụ huynh xin cho con mình xuống học lớp 1 học cho "cứng".
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng Lý Ro Tha, đơn vị đã đề nghị Phòng GD&ĐT huyện Trần Đề phải có biện pháp khắc phục, tăng cường bồi dưỡng giúp các em học yếu ở Trường tiểu học Lịch Hội Thượng A sớm đọc thông viết thạo, theo kịp bạn bè.
Năm học 2016-2017, Lâm được xét tuyển vào Trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường giật mình khi nam sinh không làm được bài kiểm tra, tên họ em viết cũng không rõ.
Sau hai tuần học lớp 6, giáo viên phát hiện học lực của Lâm rất kém, không đọc, viết và làm được bài tập. Trước tình hình này, Trường THCS Lê Vĩnh Hòa buộc phải mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển nam sinh trở lại học lớp 1.
"Sau khi con tôi đến trường cũ, cô hiệu trưởng gọi lên và nói cháu không thể học lớp 5 mà phải học lại lớp 1. Nghe đến đây, mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Thấy vậy, trường cho học lớp 2 nhưng được vài ngày thì Lâm bỏ học vì mặc cảm", chị Quỳnh Giao chia sẻ.
* Tên nam sinh đã thay đổi.