Gương mặt cậu bé đỏ bừng sau khi bị giáo viên tát. Ảnh: Weibo. |
Theo SCMP, người mẹ họ Huang cho biết bà đã đưa con trai Liu (11 tuổi) đến bệnh viện sau khi nhận thấy mặt cậu bé sưng tấy nghiêm trọng.
Liu là học sinh tại trường Tiểu học Yifu ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cậu bé kể với mẹ rằng do chưa hoàn thành bài tập Toán, giáo viên đã đưa cậu lên trước lớp. Sau đó, giáo viên tát vào má phải của cậu bé 3 lần và tát vào má trái một lần.
Ba tháng sau vụ việc, cậu bé bắt đầu mất sắc tố ở một số vùng da. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch biến vẫn chưa rõ ràng, song các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố căng thẳng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Trao đổi với Benliu News, một nhân viên của trường cho biết cậu bé đã được chẩn đoán mắc bệnh bạch biến. Nhà trường đang chờ kết quả điều tra của cảnh sát và đánh giá tỷ lệ thương tật để có biện pháp xử lý phù hợp đối với giáo viên liên quan.
Người mẹ cho biết bà không thể liên lạc với giáo viên sau khi bệnh viện gửi hóa đơn điều trị. Hiện gia đình đang chờ giáo viên hoặc nhà trường bồi thường viện phí.
Theo Viện Y tế Quốc gia Trung Quốc, những bệnh nhân bạch biến thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do những quan niệm sai lầm rằng căn bệnh này lây nhiễm. Họ thường gặp phải tình trạng lo lắng hoặc trầm cảm cao hơn.
Sau khi vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc.
“Tại sao giáo viên có thể làm tổn thương học sinh đến vậy mà không nhận bất kỳ hình phạt nào?”, một người đặt câu hỏi.
Một người khác nói rằng họ tin vào những hình phạt thể chất nhẹ nhàng, chẳng hạn như phạt ngồi một chỗ để kỷ luật những học sinh hư, nhưng cũng cho rằng "tát vào mặt một cậu bé là hành động đi quá xa".
Luật Bảo vệ trẻ em của Trung Quốc cấm giáo viên trừng phạt thể chất của học sinh. Vụ việc trên không phải là lần đầu tiên giáo viên kỷ luật học trò không đúng mực gây tranh cãi ở Trung Quốc.
Năm ngoái, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hồ Nam được cho là đã dùng thước đánh vào đầu một học sinh 9 tuổi, khiến xương sọ của cô bé bị nứt và cần phải phẫu thuật. Cảnh sát đã tạm giam giáo viên vì cố ý hành hung.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.