Ngày 14/2, ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm "Áp lực của giáo viên nguyên nhân và giải pháp" dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Áp lực của giáo viên chính là phụ huynh
Chị Phan Hồ Điệp - giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội - ví mình như bác sĩ để "bắt bệnh" cho giáo viên bằng cách chỉ ra hàng loạt áp lực bủa vây họ đến từ điểm số, thành tích, phụ huynh.
"Tôi từng chứng kiến cảnh phụ huynh đón con trước cổng trường vào những mùa thi. Họ hỏi con được mấy điểm. Nếu con bị điểm thấp, phụ huynh thậm chí đánh, mắng, xé bài ngay trước mặt con. Những cha mẹ chỉ nghĩ đến việc học và đạt điểm cao, thành tích tốt sẽ tạo nên môi trường giáo dục đáng sợ với đứa trẻ", chị Phan Hồ Điệp nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe ý kiến của thầy cô chia sẻ về áp lực nghề giáo. Ảnh: Q.Q. |
Ngoài ra, theo nữ giảng viên, phụ huynh cũng thường đặt sở thích, điểm mạnh của con sang một bên, thay vào đó là ước muốn, kỳ vọng của cha mẹ. Dần dần họ dạy con trong nỗi sợ, độc đoán và uy quyền.
Ngoài ra, có những phụ huynh quá ỷ lại vào nhà trường, luôn có tâm lý "trăm sự nhờ thầy cô" hoặc quá khắt khe như đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất. Điều này khiến không giáo viên nào thấy thoải mái.
Từ đó, theo chị Phan Hồ Điệp, mỗi nhà trường đều nên có tổ tư vấn tiếp nhận ý kiến của phụ huynh mà không cần thông qua giáo viên, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện để cha mẹ cảm thấy thoải mái hơn.
Vào mỗi dịp đầu năm học, nhà trường nên có cẩm nang hướng dẫn phụ huynh hiểu thêm về tâm lý lứa tuổi, cách thức trò chuyện, dành thời gian cho con. Các buổi họp phụ huynh trong nhà trường nên giảm hình thức, tránh nhận xét nhiều về điểm số, thông báo tiền nong. Các chương trình giáo dục nên phát triển theo hướng trải nghiệm, hướng đến sự yêu thương con người.
Đồng tình với ý kiến của chị Phan Hồ Điệp, cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - nói rằng nhà trường có nhiều áp lực khi phụ huynh đưa ra rất nhiều yêu cầu. Trong khi đó, sự mong đợi của phụ huynh khi đưa ra lại lớn hơn khả năng đạt được.
Một học sinh đến trường, 6 người giám sát giáo viên
Cũng chia sẻ tại tọa đàm, cô Đỗ Thị Mai - hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) - cho hay một giáo viên tiểu học, một ngày đến trường 7 tiết và soạn 7 giáo án. Giáo viên ở trường từ 7h30 và rời trường muộn nhất là 17h.
Hiện nay, mỗi một gia đình chỉ có 2 con nên khi đến trường sẽ có 6 người để ý, giám sát là cha mẹ và ông bà nội ngoại 2 bên. Điều này vừa khiến giáo viên hạnh phúc vì được quan tâm, vừa phải chịu sự áp lực nhân lên gấp 6 lần.
"Tôi kể một trường hợp học sinh nghịch quá mức, cô chỉ véo tai, nhưng không may cháu bị viêm tai giữa đọng lại một chút ráy ở trong. Gia đình cho con đi chụp chiếu. Đích thân tôi là hiệu trưởng phải giải quyết cả với ông bà nội và cha mẹ của học sinh. Ông bà cháu cũng là những vị làm trong tòa án tối cao", cô Mai kể.
Cô Đỗ Thị Mai - hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B, Hà Nội - cho rằng sự kỳ vọng của phụ huynh là áp lực lớn. Ảnh: Q.Q. |
Những học sinh quá nuông chiều và bao bọc, có vấn đề gì ở lớp sẽ mách cha mẹ, từ thông tin một chiều phụ huynh có thể phán ánh lên các cấp lãnh đạo.
Ngoài ra, có những sự việc rất nhỏ nhưng phụ huynh ngay lập tức chia sẻ lên mạng tạo áp lực cho giáo viên. Nhiều gia đình khác đi làm quá sớm mang con đến cổng trường từ 6h30, đón về muộn, nếu không may có chuyện gì xảy ra trách nhiệm lại thuộc về nhà trường.
"Họ không nghĩ giáo viên chúng tôi cũng có gia đình, chồng con", nữ hiệu trưởng nói.
Không những thế, hiện tại, trường có 30 trẻ tự kỷ học hòa nhập, phụ huynh nhiều khi thiếu niềm tin và hay đổi lỗi cho giáo viên.
Cô Hoàng Thị Kim Ngọc - giáo viên THCS Cầu Giấy - chia sẻ nhiều giáo viên phải chịu áp lực quả tải từ các phía bủa vây. Trong khi đó, người thầy phải thực sự thuyết phục học sinh bằng kiến thức và chuyên môn mới có thể dạy được các em.
Công tác tại trường chất lượng cao, vì thế, nữ giáo viên bày tỏ phải không ngừng học hỏi, đọc tài liệu trong và ngoài nước để không bị "lỗi thời" trước học trò.