Những thói quen tưởng vô hại có nguy cơ tạo điều kiện cho mụn xuất hiện trên da mặt. Ảnh: Polina Kovaleva/Pexels. |
Theo các chuyên gia da liễu, nguyên nhân gây mụn phổ biến nhất trên da mặt là nội tiết tố. Cụ thể, hormone testosterone kích hoạt các tuyến dầu sản xuất ra nhiều bã nhờn. Bã nhờn không lưu thông gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn gây mụn trứng cá.
Loại vi khuẩn này tạo ra tình trạng viêm nhiễm trên da, cuối cùng hình thành mụn đầu trắng, mụn nang hoặc mụn ẩn.
Tuy nhiên, nội tiết tố không phải nguyên nhân gây mụn duy nhất. Để ngăn ngừa mụn trứng cá, bạn cần kiểm tra thói quen hàng ngày. Những thói quen đó có thể là nguyên nhân tiềm ẩn khiến tình trạng da mặt của bạn trở nên tồi tệ.
Dựa trên ý kiến của các bác sĩ da liễu và chuyên gia thẩm mỹ, Cosmopolitan đã đưa ra 10 lý do kỳ lạ khiến làn da của bạn "bùng nổ".
Mồ hôi và bã nhờn đọng lại sau lớp khẩu trang gây mụn. Ảnh: Thirdman/Pexels. |
Sử dụng khẩu trang vải
Bạn có thể thấy mụn mọc nhiều tại khu vực cằm, quai hàm và má sau thời gian dài đeo khẩu trang vải.
Hỗn hợp mồ hôi, dầu và vi khuẩn mắc kẹt dưới lớp khẩu trang vải không chỉ gây nổi mụn mà còn khiến da mặt trở nên khô, ngứa rát.
Để khắc phục, bạn có thể chuyển sang sử dụng khẩu trang y tế. Nếu không thể dùng khẩu trang y tế, bạn cần giặt khẩu trang vải ngay sau mỗi lần đeo.
Bạn cũng có thể xịt tinh dầu tràm trà lên trên khẩu trang nhằm kháng khuẩn.
Sau khi sử dụng, bạn nên lau mặt bằng nước tẩy trang để loại bỏ dầu thừa và mồ hôi.
Bạn cần làm sạch 2 bước nếu trang điểm thường xuyên. Ảnh: KoolShooters/Pexels. |
Không rửa mặt trước khi ngủ
Vào ban ngày, bụi bẩn, dầu và lớp trang điểm sẽ tích tụ tự nhiên trên bề mặt da.
Nếu không rửa mặt trước khi đi ngủ, tất cả bụi bẩn sẽ bị chuyển sang vỏ gối, và chuyển trở lại da mặt của bạn vào đêm hôm sau.
Bạn cần rửa mặt mỗi tối để ngăn ngừa mụn. Hãy thử sử dụng sữa rửa mặt có chứa 2% axit salicylic để loại bỏ dầu thừa trong lỗ chân lông mà không làm da bạn bị khô và căng.
Nếu tình trạng da mặt không cải thiện sau 3 tuần, bạn có thể kết hợp rửa mặt với 5% benzoyl peroxide 2 lần/tuần để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
Thường xuyên trang điểm, bạn cần làm sạch da qua 2 bước. Sau khi sử dụng dầu tẩy trang, bạn mới nên dùng sữa rửa mặt thông thường.
Bên cạnh đó, bạn cần giặt vỏ gối thường xuyên. Việc sử dụng vỏ gối lụa hoặc satin cũng an toàn hơn, bởi các chất liệu này ít hút mồ hôi, bã nhờn và các sản phẩm chăm sóc da.
Bạn cần ngủ đủ để đảm bảo có một làn da khỏe mạnh. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Căng thẳng và thiếu ngủ
Bác sĩ da liễu Jeanine Downie cho biết khi gặp áp lực, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra các hormone gây căng thẳng như cortisol. Hormone này kích thích các tuyến dầu, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tiến sĩ Zeichner cũng cho biết thiếu ngủ gây ra tác động tương tự. Ngay cả khi bạn không cảm thấy căng thẳng, cơ thể thiếu ngủ vẫn giải phóng hormone cortisol, gây mụn nhọt.
Nếu có mụn ẩn gây đau nhức, bạn có thể thoa kem hydrocortisone 1% giúp giảm viêm và sưng tấy. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài chính là ngủ nhiều hơn.
Bạn cũng có thể thực hiện một số phương pháp như thiền, tập thể dục... để đối phó với sự căng thẳng kéo dài.
Dưỡng ẩm cho da 2 lần/ngày là cần thiết. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels. |
Gây khô da mặt
Không chỉ do di truyền, da khô còn xuất phát từ một số thói quen của bạn. Nếu có thói quen sử dụng sản phẩm điều trị mụn tác dụng nhanh, bạn đang vô tình phá vỡ hàng rào bảo vệ, gây khô và kích ứng da.
Đó là lý do da mặt bạn tiết ra nhiều dầu và nổi mụn xuất hiện thường xuyên hơn.
Ánh nắng mặt trời cũng có thể khiến da thiếu độ ẩm cần thiết. Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng kích thích tuyến dầu hoạt động, gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Hãy tăng cường dưỡng ẩm và tránh lạm dụng các sản phẩm chứa hoạt chất làm khô da như axit, retinoid,... Bạn cần thoa kem dưỡng ẩm đều đặn mỗi sáng và tối để phục hồi hàng rào bảo vệ da. Nếu bạn sở hữu da dầu, hãy chọn sản phẩm cấp ẩm dạng gel thấm nhanh, không tạo cảm giác nhờn trên da.
Việc chà xát mạnh có thể gây viêm nhiễm da mặt. Ảnh: Roman Odintsov/Pexels. |
Tẩy tế bào chết không đúng cách
Nếu sử dụng khăn mặt, găng tay tẩy da chết, miếng rửa mặt làm sạch sâu, bạn đang khiến tình trạng da mặt trở nên tồi tệ hơn.
Việc chà xát mạnh có thể tạo ra vết rách siêu nhỏ, gây viêm nhiễm trên bề mặt da, từ đó gây ra mụn.
Thay vì sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt, bạn nên dùng sản phẩm tẩy da chết hóa học chứa AHA hoặc BHA.
Ban đầu, bạn chỉ nên sử dụng đều đặn 2 lần/tuần.
Bạn cần xem xét kỹ bảng thành phần trên bao bì sản phẩm dưỡng da. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Không chú ý thành phần trong sản phẩm dưỡng da
Tiến sĩ Downie cho biết dầu khoáng là một chất dưỡng ẩm đặc có trong một số sản phẩm chăm sóc da, có thể gây mụn đầu đen và đầu trắng.
Dầu dừa cũng là một thành phần nguy hiểm nếu da bạn dễ bị mụn trứng cá. Ngoài ra, hương thơm (đặc biệt gây kích ứng cho da nhạy cảm) và sulfat (chất loại bỏ độ ẩm) cũng được tìm thấy trong nhiều sản phẩm dưỡng da.
Xem kỹ bảng thành phần trên bao bì sản phẩm dưỡng da trước khi mua là điều bắt buộc. Bạn cần lưu ý các thành phần nguy hiểm như dầu khoáng, dầu dừa, sulfat (đặc biệt là natri lauryl sulfat và natri laureth sulfat), hương liệu bổ sung và tinh dầu.
Dầu gội dính trên bề mặt da cũng có thể gây mụn. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Các sản phẩm chăm sóc tóc gây mụn
Bơ và dầu (như dầu jojoba, dầu dừa và dầu mận) có công dụng làm mềm và mượt tóc, song chúng có thể gây mụn khi bám trên bề mặt da.
Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, dầu gội chứa sulfat có thể gây kích ứng, khiến tình trạng thâm mụn trở nên tồi tệ hơn.
Chuyển sang sử dụng dầu gội không chứa sulfat là một phương pháp hiệu quả.
Bên cạnh đó sau khi gội đầu, bạn cần kẹp tóc ướt gọn gàng và nhanh chóng rửa sạch mặt để loại bỏ dầu xả còn sót lại trên da.
Sau khi luyện tập, bạn nên rửa mặt ngay để loại bỏ mồ hôi và bã nhờn. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Đổ mồ hôi khi luyện tập
Nếu không rửa mặt ngay sau khi tập luyện, mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn sẽ tồn đọng trên da, gây tắc lỗ chân lông.
Khi mặc một bộ đồ tập dính mồ hôi trong thời gian dài, cơ thể bạn sẽ trở thành môi trường phát triển của vi khuẩn.
Trước khi tập thể dục, bạn nên tẩy trang. Sau khi tập xong, hãy tắm rửa ngay lập tức với sữa tắm trị mụn có chứa axit salicylic. Nếu không thể tắm ngay, bạn cần lau khô cơ thể để loại bỏ mồ hôi và bụi bẩn.
Trong trường hợp không mang theo sản phẩm dưỡng da, bạn chỉ cần rửa sạch mặt bằng nước ấm. Bác sĩ da liễu Diane Madfes cho biết nước ấm có thể loại bỏ bã nhờn và mồ hôi ở lớp da ngoài cùng.
Hóa chất và hương liệu trong bột giặt có thể gây hại cho da nhạy cảm. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels. |
Bột giặt gây kích ứng da
Theo tiến sĩ Downie, một số hóa chất và hương thơm trong bột giặt có thể gây hại cho làn da nhạy cảm.
Sau khi mặc quần áo hoặc sử dụng khăn tắm, làn da của bạn có khả năng phản ứng với cặn bột giặt còn sót lại trên vải.
Đó là lý do dẫn đến tình trạng mụn mọc trên mặt, lưng, mông, ngực,...
Bạn nên lựa chọn loại bột giặt không chứa hương liệu và thuốc nhuộm.
Để biết bột giặt có an toàn cho da không, bạn nên xem xét kỹ bảng thành phần trước khi bỏ sản phẩm vào giỏ hàng.
Thức ăn có thể là một trong những nguyên nhân chính gây mụn. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Đồ ăn gây mụn
Theo tiến sĩ Downie, cà chua và ớt có chứa lycopene. Chất này làm mất độ pH của da và gây nổi mụn quanh miệng.
Không chỉ đồ ăn cay, một số thực phẩm từ sữa và gluten cũng khiến da phản ứng tiêu cực.
Việc thay đổi chế độ ăn đột ngột cũng ảnh hưởng xấu đến da mặt do nồng độ glucose biến động.
Trong trường hợp này, bạn cần nói chuyện với bác sĩ da liễu để xác định xem thực phẩm bạn đang hấp thụ có phải nguồn gốc gây ra mụn trứng cá không.
Các chuyên gia có thể yêu cầu bạn viết nhật ký ăn uống nhằm xác định nguyên nhân rõ ràng hơn.