1. Quốc gia nào có phong tục thức dậy trước khi Mặt Trời mọc vào ngày Tết?
Theo Xinhua, Tết cổ truyền của người Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar (Lễ hội Trăng trắng). Vào sáng mùng 1 Tết, người dân sẽ thức dậy trước khi Mặt Trời mọc, mặc bộ quần áo đẹp nhất và ra khỏi nhà. Sau đó, đàn ông leo lên ngọn đồi gần nhà để chào đón ánh bình minh đầu tiên, với hy vọng nhận được những điều may mắn và tốt đẹp. Phụ nữ pha trà sữa và chuẩn bị lễ vật đến đề thờ. Khi Mặt Trời mọc, các nghi lễ đón năm mới bắt đầu. Ảnh: Our Other Adventures. |
2. Ngày trước Tết Tsagaan Sar được gọi là gì?
Ngày trước Tsagaan Sar có tên là Bituun, nghĩa là ngày không có trăng. Vào ngày này, các gia đình chuẩn bị tiệc, bao gồm thịt cừu, tsagaalga, bánh quy truyền thống, kẹo và các món ăn làm từ sữa. Đặc biệt, bàn tiệc trong ngày Bituun không thể thiếu airag, loại đồ uống lên men được làm từ sữa ngựa. Khi trời tối, các thành viên trong gia đình quân quần bên bàn ăn, cùng trò chuyện, chơi nhạc. Ngoài ra, gia chủ đặt ba hòn đá và cỏ khô trước cửa nhà để đón thần Baldan Lham vì họ tin rằng thần sẽ đến thăm các gia đình vào đêm không có trăng. Ảnh: Discover Mongolia. |
3. Món đầu tiên người Mông Cổ ăn trong đêm Bituun được làm từ nguyên liệu gì?
Theo Discover Mongolia, tsagaalga là món ăn làm từ sữa và gạo, được chọn là món ăn "mở màn" trong đêm Bituun. Do Tsagaan Sar được gọi là Lễ hội Trăng trắng, nên người dân sẽ chọn món ăn có màu trắng để thanh tẩy những điều tối tăm của năm cũ. Ảnh: Discover Mongolia. |
4. Người Mông Cổ thường xem chương trình gì trong đêm giao thừa?
Vào đêm Bituun, các gia đình ở Mông Cổ sẽ quây quần xem chương trình đấu vật. Ngoài ra, mọi người tổ chức chơi knucklebones, một trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo. Người chiến thắng sẽ được cho là sẽ gặp may mắn trong năm mới. Ảnh: LibreShot. |
5. Kiểu chào truyền thống trong ngày Tết của người Mông Cổ được gọi là gì?
Năm mới là dịp để người Mông Cổ gặp gỡ người thân. Khi mặt trời mọc, các thành viên trong nhà sẽ thực hiện nghi lễ chào hỏi truyền thống, có tên là Zolgolt (hoặc Zolgokh). Cụ thể, người chào sẽ nắm khuỷu tay của người đối diện (thường là người lớn tuổi hơn) để thể hiện sự kính trọng, chúc họ nhiều sức khỏe, bình an. Các đôi đã kết hôn không được thực hiện nghi lễ Zolgolt, người Mông Cổ cho rằng điều này có thể khiến vợ chồng bất hòa, chia tay. Ảnh: Mongolcom. |
6. Người Mông Cổ bỏ vật gì vào nhân món buuz để cầu may mắn?
Buuz là món ăn không thể thiếu trong bàn tiệc năm mới ở Mông Cổ. Món ăn được làm từ bột mì với phần nhân là thịt bò hoặc thịt cừu, rau củ. Mỗi nhà có thể làm hàng nghìn chiếc bánh buuz để ăn và đãi khách trong ngày Tết. Nhiều gia đình có truyền thống đặt một đồng tiền xu vào nhân bánh. Người ăn được chiếc bánh có tiền xu sẽ có nhiều tài lộc và gặp may mắn trong năm mới. Ảnh: Igashmiga. |
7. Khi đi chúc Tết, khách cần chú ý đến nguyên tắc nào trên bàn tiệc?
Khi khách đến chơi nhà trong ngày Tết, gia chủ sẽ chuẩn bị tiệc mời khách. Bữa ăn vào ngày Tsagaan Sar khá phong phú với các món truyền thống như trà sữa, tsagaalga, ul boov, uuts, airag, buuz. Khách sẽ nếm toàn bộ món ăn được chiêu đãi để thể hiện phép lịch sự. Ngoài ra, để bày tỏ lòng hiếu khách, chủ nhà sẽ làm thêm buuz để khách mang về. Ảnh: Discover Mongolia. |