Năm mới được đánh dấu bằng tiếng chuông đồng hồ điểm 0h, nhưng sự chênh lệch múi giờ trên Trái Đất khiến thời khắc toàn thế giới cùng bước sang năm 2024 kéo dài cả một ngày.
Khi đồng hồ điểm nửa đêm 31/12, hàng tỷ người trên thế giới sẽ nâng ly chúc mừng năm mới. Tuy nhiên, trong khi ở Việt Nam, nhiều người mới chỉ đang rục rịch chuẩn bị lên đồ để tiệc tùng hay đi ngắm pháo bông thì có những nơi cư dân đã tạm biệt xong năm cũ và chìm đắm vào không khí lễ hội của năm mới.
Sở dĩ điều này xảy ra là bởi sự vận hành đầy lý thú của các múi giờ, tạo ra một cuộc chạy đua toàn cầu để chào đón năm mới.
Danh hiệu “nơi đầu tiên đón năm 2024” thuộc về cụm đảo ở Thái Bình Dương có tên Kiribati. Cụ thể, Quần đảo Line, nằm ở phía đông của Đường đổi ngày quốc tế (IDL), là nơi đầu tiên nhìn thấy ngày mới đến. Đảo Kiritimati, hòn đảo lớn nhất của Quần đảo Line, chào đón năm mới lúc 10:00 GMT (tức 17h theo giờ Việt Nam), sớm hơn 24 giờ so với thành phố New York - nơi có sự kiện chào năm mới nổi tiếng với “nghi lễ”thả quả cầu pha lê khổng lồ ở Quảng trường Thời đại.
Theo CNN, đảo Kirimati từng là nơi đón năm mới muộn nhất thế giới nhưng số phận đảo ngược sau khi tổng thống nước này vào năm 1994 di chuyển (IDL).
(IDL) là một đường tưởng tượng, gần kinh tuyến 180 độ, kéo thẳng từ Bắc Cực xuống Nam Cực. Nó chia Trái Đất thành hai nửa. Khi nửa phía tây đường IDL là sáng thứ ba, nửa phía đông chuẩn bị bước sang ngày thứ hai đầu tuần.
Trước kia, IDL chia đôi Kiribati thành hai phần, khiến giờ ở nửa phía tây sớm hơn một ngày so với nửa phía đông, ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Hiện IDL đi hơn 2.400 km vòng qua các đảo cực đông của Kiribati để cả đảo quốc cùng nằm chung múi giờ.
Vị trí của Kiribati. Đồ họa: New York Times. |
Theo sát phía sau Kirimati là các quốc gia Tonga và Samoa, cũng ở Nam Thái Bình Dương. Các quốc đảo này bước sang năm mới chỉ sau Kiritimati một giờ.
Khi làn sóng Năm mới tràn qua Thái Bình Dương, nó tiếp tục hành trình về phía tây, đón chào lần lượt các quốc gia. New Zealand, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia tiếp theo đón năm mới, mỗi nước đón cách nhau một giờ.
Các quốc gia có cùng thời điểm đón năm mới với Việt Nam gồm: Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong khi phần còn lại của thế giới đã hòa trong niềm vui đón năm mới thì có một số nơi vẫn đang chờ đồng hồ điểm nửa đêm. Quốc đảo nhỏ bé Samoa thuộc Mỹ nổi bật là nơi có người sinh sống cuối cùng trên Trái Đất đón năm mới, chào đón năm mới vào lúc 11h GMT ngày 1 /1/2024.
Tuy nhiên, nơi thực sự đón năm mới cuối cùng là các đảo không có người ở Howland và Baker, cả hai đều thuộc Mỹ. Những vùng đất xa xôi giữa Thái Bình Dương này đón chào năm mới lúc 12hGMT cách đảo Kiritimati 26 giờ.
Cuộc đua đón năm mới không chỉ là câu chuyện địa lý. Đó là lời nhắc nhở về sự liên kết giữa thế giới của chúng ta và sự trải nghiệm về chênh lệch thời gian. Đây thời gian nổi bật lên sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống, đồng thời là cơ hội để toàn nhân loại cùng nhau chào đón một cột mốc mới.
Vì vậy, khi bạn nâng ly vào lúc nửa đêm 31/12, hãy nhớ rằng ở đâu đó trên thế giới, bữa tiệc đã diễn ra ở một nơi khác, bất cứ ai cũng có một bắt đầu mới của mình.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.