Sự kiện đua ngựa dành cho giới quý tộc Anh Royal Ascot nổi tiếng với quy định trang phục độc đáo. Tất cả người tham gia phải đội mũ. Thậm chí, tại khu vực riêng tư, bán vé độc quyền Royal Enclosure, khách mời còn phải đội mũ với vành rộng ít nhất 4 inch (khoảng hơn 10 cm). |
Không ai biết rõ nguồn gốc của quy định độc lạ này. Một số cho rằng phim điện ảnh My Fair Lady (1964) chính là nguồn cảm hứng lớn cho sự xuất hiện của những chiếc mũ rộng vành ở Royal Ascot. Nhân vật Eliza Doolittle đã đội một chiếc mũ ren đen trắng ấn tượng khi tham gia sự kiện đua ngựa trên. Nhiều người khác đoán rằng niềm đam mê của Nữ hoàng Elizabeth II với mũ và những chú ngựa chính là nguyên nhân đằng sau quy định trang phục kỳ lạ này. Hiện nay, một bộ phận công chúng quan tâm đến những chiếc mũ nhiều hơn các cuộc đua thuộc khuôn khổ Royal Ascot. |
“Sự xa hoa, hào nhoáng mang đến niềm vui cho khách mời tham dự. Nhiều người coi Ascot là dịp để ăn diện chỉnh tề, thậm chí trưng diện. Đây là cơ hội ăn mặc khác ngày thường”, nhà thiết kế mũ Stephen Jones nói. Stephen Jones cũng là người đứng sau chiếc mũ tham dự sự kiện đua ngựa dành cho giới quý tộc Anh của người mẫu Jasmine Guinness. Chiếc mũ đính lông vũ, cao khoảng hơn 60 cm, giúp người đội lập tức trở nên nổi bật giữa đám đông. Theo quy định nghiêm ngặt của Royal Ascot, khách mời không thể đội băng đô hay mạng che mặt kim tuyến. Những chiếc mũ lớn mới được chấp nhận ở sự kiện này. Người tham dự vì thế ưu tiên đội những chiếc mũ rộng để tránh vi phạm quy tắc trang phục độc đáo. |
Theo nhà thiết kế mũ Stephen Jones, sự kiện năm nay bao gồm nhiều kiểu dáng mũ khác nhau. Mũ dạng nón, rộng vành, đính hoa, lông vũ trở nên phổ biến. Số lượng người tham dự không đội mũ hoặc đeo băng đô không nhiều. Sự tuân thủ dresscode chặt chẽ này đến từ sức ảnh hưởng của Nữ hoàng Camilla và Catherine - Công nương xứ Wales. Cả 2 đều đội mũ tròn rộng vành thay vì sử dụng những món phụ kiện khác trên đầu, mở đường cho các kiểu mũ truyền thống ở sự kiện đua ngựa. |
Tuy nhiên, một số món phụ kiện đội đầu độc đáo, lạ mắt vẫn xuất hiện. Vương miện được làm từ kẹo màu hồng phấn hay vòng hoa mẫu đơn, hoa hồng, gắn thêm những chú bướm sặc sỡ cũng xuất hiện tại sự kiện. |
Công chúa Eugenie lại tham dự với mẫu mũ tròn, bổ sung dải tua rua giống chiếc mũ của các cử nhân trong ngày tốt nghiệp, đem đến một khoảnh khắc thời trang vui vẻ, thú vị. “Mục tiêu của sự kiện này là mang đến sự phấn chấn cho người tham gia. Niềm vui cũng là bản chất của thời trang. Vì thế, sự xuất hiện của những chiếc mũ tại Royal Ascot là điều hoàn toàn hợp lý”, Stephen Jone khẳng định. |
Không chỉ đội những chiếc mũ đính lông vũ, kết hoa nổi bật, khách mời tham dự sự kiện dành cho giới thượng lưu này còn khoe nhiều món đồ đến từ các nhà mốt xa xỉ như Chanel hay Dior. Đặc biệt, những món phụ kiện đính cườm, gắn đá lấp lánh cũng được ưa chuộng tại đây. Trang phục sặc sỡ theo lối dopamine dressing (mặc đồ tươi sáng để trở nên phấn chấn, vui vẻ hơn) phủ kín Royal Ascot. Không khí lễ hội, tinh thần vui tươi, náo nhiệt trở thành cảm hứng chủ đạo của bữa tiệc thời trang. Với số lượng lớn khách mời thuộc giới quý tộc, thượng lưu, Royal Ascot cũng không thể thiếu nét hào nhoáng, xa xỉ và vương giả. Đây là buổi tiệc thu hút sự quan tâm của công chúng Anh và các quốc gia khác trên thế giới. |
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.