Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyền Bộ trưởng Y tế nhắn nhủ 4 điều đến sinh viên y dược

Tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Thanh Long gửi đến sinh viên 4 nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề về y đức được đặt lên hàng đầu.

Chiều 31/10, ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức lễ khai giảng và ngày hội tân sinh viên năm học 2020-2021.

Tại đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ Trưởng Y tế, phát biểu, gửi gắm đến nhà trường về những cơ hội, thách thức và những đóng góp của nhà trường trong sự phát triển của ngành y tế cả nước.

Đồng thời, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã đánh trống khai giảng, mở đầu cho năm học mới 2020-2021 của nhà trường.

y duc anh 1

GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Trò chuyện với sinh viên, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế ngày 27/2/1955, ngày truyền thống của ngành này.

Nội dung bức thư chỉ có 368 chữ nhưng chứa đựng tất cả vấn đề về căn bản, khoa học, phát triển, định hướng cho ngành y tế suốt từ đó đến nay.

Thông qua bức thư này, GS Nguyễn Thanh Long muốn gửi gắm đến nhà trường và tất cả sinh viên 4 nội dung quan trọng.

Đầu tiên, quyền bộ trưởng muốn nhấn mạnh vấn đề y đức. Ông nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn là muốn trở thành thầy thuốc tốt, thầy thuốc giỏi, nổi tiếng và được moi người tôn trọng thì trước hết phải có đạo đức. Đạo đức nghề nghiệp là thương yêu người bệnh như chính người thân của mình.

Thể hiện rõ nhất điều này lâu nay là câu nói quen thuộc trong các cơ sở y tế: “Lương y như từ mẫu”.

Do đó, GS Nguyễn Thanh Long mong muốn nhà trường và thầy cô ĐH Y dược TP.HCM nói riêng và các cả các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nói chung rằng phải dựng, đào tạo, cũng như truyền đạt được đến các em học sinh, sinh viên, hình thành cho các em nhân cách của người thầy thuốc; rèn ý thức từ khi các em mới bước chân vào trường.

Ý thức có được bền vững hay không đòi hỏi không phải ngày một ngày hai, mà trong suốt quá trình học tập, rèn luyện và nghiên cứu.

“Tôi mong muốn các em phải ghi nhớ điều này vì từ ngày xưa đến nay, chúng ta luôn nêu cao tinh thần y đức, tinh thần phục vụ nhân dân. Ngành y tế là ngành phục vụ, vì vậy chúng ta luôn phải nhớ rằng chúng ta phải có đạo đức nghề nghiệp” - GS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thứ hai, GS Long cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng ngành y là ngành khoa học và đại chúng. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu, học tập, tinh thông về mặt duy lý và duy vật; tức là chúng ta phải học và hành, phải học thầy, học bạn, học từ xã hội và thực hành ngay trong đời sống hàng ngày, khi đi thực tập.

“Các em muốn làm thầy thuốc giỏi thì phải học, học nữa, học mãi. Học rồi thì tiếp tục nghiên cứu, làm sao cho về mặt khoa học, ý thức khoa học sẽ thấm dần trong suốt quá trình học tập và làm việc của chúng ta. Ngành y là là ngành phải học tập suốt đời” - quyền bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, theo GS Long, các em phải nghiên cứu khoa học, để góp phần làm rạng danh nền y học nước nhà. Ngành y tế đang đứng trước ngưỡng cửa đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ tất cả hoạt động của ngành để làm sao phục vụ tốt hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Để làm được, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, ứng dụng thành tựu khoa học.

Thứ ba, quyền bộ trưởng nhắc lại lời của căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đoàn kết. Bởi theo Bác, mỗi người là một mắt xích, là bánh răng trong một đồng hồ. Mỗi một người là một khâu trong cuộc sống, từ nhà quản lý, thầy cô, các học sinh, sinh viên.

Trong đó, với sinh viên, đó là tinh thần làm việc nhóm, san sẻ, chia sẻ những khó khăn trong quá trình học tập, thực hành, từ đó khi ra trường các em mới nâng cao tinh thần này. Đoàn kết chính là sức mạnh.

Thứ tư, cũng từ lời dặn của Bác Hồ, quyền bộ trưởng nhấn mạnh rằng y học là khoa học và đại chúng. Chúng ta tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để ứng dụng các thành tựu khoa học trong chăm sóc sức khoẻ đại chúng, làm sao tất cả người dân trên cả nước đều được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng như nhau. Đại chúng còn là để làm sao người dân biết thực hành các kiến thức của mình nhằm nâng cao sức khỏe.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng năm học vừa qua, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên, trường đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Theo PGS Tuấn, năm học 2020-2021 là cột mốc đánh dấu những sự kiện, bước ngoặc lớn đối với toàn thể cán bộ, nhân viên và sinh viên trường khi nhà trường bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ về học thuật, tổ chức nhân sự và tài chính.

Đây là cơ hội cũng như thách thức trong sự phát triển của nhà trường. Để đảm bảo chất lượng, nhà trường sẽ phải tiếp tục bù lỗ trong những năm tới. Và mỗi cá nhân sẽ tích cực hành động, luôn sáng tạo, cải tiến để nâng cao giá trị của bản thân góp vào giá trị chung của tập thể.

Với chủ đề “Cá nhân hành động, vì lợi ích cộng đồng”, nhà trường sẽ đẩy mạnh phát triển kỹ năng, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho người học; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, kỹ năng sống, làm việc trong môi trường biến đổi và hội nhập quốc tế cho sinh viên.

Chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương vì lo ngại gian lận thi cử.

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/4-nhan-nhu-quyen-bo-truong-bo-y-te-gui-den-sinh-vien-y-duoc-947422.html

Phạm Anh/ PLO

Bạn có thể quan tâm