Đừng để người bệnh quằn quại trong đau đớn
Nói về câu chuyện quyền được chết, TS Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ với quy định này.
Điều quan trọng là phải có đầy đủ các qui định pháp lí, các qui trình cụ thể, để có thể xác định thực sự người bệnh đã hết hi vọng cứu chữa, và nguyện vọng được chết của người bệnh không phải do một trạng thái tâm thần bất thường chi phối, cũng không phải là một nguyện vọng nhất thời.
Nhiều bác sĩ phản đối đề xuất về quyền được chết của Bộ Y tế. Nhưng với bác sĩ Sơn, ông quan niệm, con người ta có quyền được sống và quyền được chết. Quyền đó là do chính người bệnh quyết định. Không có anh em, ruột thịt nào hay bác sĩ quyết định cho họ được. Khi có đầy đủ khung pháp lý, người nhà bệnh nhân cũng không thể kiện bác sĩ vì sao ông lại cho người thân của tôi từ chối cuộc sống được.
Đối với người sống thực vật, dù họ muốn sống thì chúng ta vẫn phải cứu họ nhưng với những người bị các bệnh khác, đặc biệt là ung thư giai đoạn cuối, họ không muốn sống vì đau đớn. Cái chết là sự giải thoát cho họ khi người bệnh quằn quại trong đau đớn từ ngày này sang ngày khác mà chẳng làm gì được. Với họ, mạng sống không còn giá trị gì nữa, ngoài việc làm cho nỗi đau khổ của họ kéo dài thêm.
Bác sĩ Sơn cho biết mạng sống quí giá thật, sự sống quí giá thật, nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, vào một thời điểm nhất định, đối với một con người nhất định, nó mất đi sự quí giá, và trở thành nguồn gốc cho những đau khổ mà họ phải gánh chịu. Chủ sở hữu của cái cuộc đời đang mang cái sự sống ấy phải có quyền được lựa chọn, cái gì là tốt nhất cho họ.
BS Sơn cho rằng con người có quyền được sống và quyền được chết, và quyền đó do chính người bệnh quyết định. |
Nếu người thầy thuốc quan niệm rằng việc giúp cho một người bệnh được chết khi không còn khả năng cứu chữa cho họ, khi họ mong muốn chấm dứt sự sống gây đau khổ cho họ, là một phương pháp chữa bệnh, là giúp họ giải thoát khỏi những đau đớn của cuộc đời, sẽ cảm thấy thanh thản hơn.
Không phải lúc nào bác sĩ cũng cố gắng giải thích cho họ cuộc sống tươi đẹp lắm, phải quý trọng sự sống và cố nuốt đi giọt nước mắt đau thương dành cho họ. Cố để cuộc sống của họ kéo dài thêm trong đau đớn và bác sĩ tự hào mình đang cứu họ. Như thế chỉ bệnh nhân là người khổ.
Tranh cãi xung quanh việc ai có quyền quyết định việc được chết, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân,, bác sĩ Sơn khẳng định: "Không ai có quyền quyết định thay người bệnh, trong việc bắt họ tiếp tục sống, hay để cho họ được chết theo mong muốn, kể cả khi người đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột thịt.
Đôi khi, việc duy trì tình trạng đau đớn của người bệnh mà không cho họ chết theo nguyện vọng, có thể được hiểu theo cách khác, rằng chúng ta đang để họ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Đã có những người bệnh cho rằng, bác sĩ đã rất ác khi không để cho họ được chết".
Cần đội ngũ chuyên biệt để thực hiện quyền được chết
Nói về quyền được chết, một Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho rằng đối với bệnh ung thư, hiệu quả cao hay thấp phụ thuộc vào phát hiện sớm hay muộn. Càng sớm càng hiệu quả, ít chi phí và tỉ lệ chữa khỏi càng cao. Ngược lại, càng muộn chữa khỏi càng thấp.
Tuy nhiên tại Việt Nam, hầu hết người bệnh ung thư đều được phát hiện ở giai đoạn muộn - việc cứu chữa khỏi không đặt ra nữa, mà chỉ để kéo dài và điều trị giảm nhẹ triệu chứng để người bệnh đỡ khổ, đỡ đau đớn. Đau thì dùng thuốc giảm đau theo cấp bậc, đến thuốc phiện nhẹ rồi đến moocphin. Ngoài ra người thân còn phải chăm sóc dinh dưỡng rồi nhiều thứ khác.
“Trong thực tế, tâm lý bệnh nhân lẫn người nhà đều chán nản, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần và kiệt quệ kinh tế. Nên khi có đề xuất quyền được chết, chúng tôi ủng hộ Bộ Y tế, nhưng người bệnh, người nhà phải chủ động ký cam kết.
Nếu được thông qua, cần phải có chế tài riêng, mong là người bác sĩ chữa bệnh sẽ không phải làm việc này, vì bản thân bác sĩ sẽ day dứt, băn khoăn rất nhiều. Cần có đội ngũ chuyên biệt" - Vị phó giám đốc này đề xuất.
Từ trước đến nay người ta vẫn nói bác sĩ cứu người, khi thực hiện quyền được chết, nhiều bác sĩ hay nhân viên y tế, thậm chí cả dư luận đều băn khoăn liệu có vi phạm về y đức và lời thề Hypocrat không? Bác sĩ này chia sẻ, có thể hiểu theo nhiều cách, bác sĩ sẽ cứu chữa người bệnh đến cùng nhưng khi không cứu chữa được nữa thì cũng khó. Có vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay không tùy theo cách hiểu mỗi người.