Sếp mượn tiền nhiều lần gây trở ngại trong công việc lẫn đời sống cá nhân của nhân viên. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels. |
Bạn băn khoăn không biết phải ứng xử thế nào khi cấp trên thường xuyên mượn tiền mình. Từ chối cho vay có nguy cơ làm mích lòng sếp. Trong khi đó, chấp nhận lời nhờ vả này có thể dẫn đến hao hụt tài chính đáng kể nếu người lãnh đạo quyết định “quên” luôn số tiền.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan này, bạn cần phải tỉnh táo và khôn ngoan để tìm được cách giải quyết có lợi nhất.
Dưới đây, The Economic Times gợi ý một số điều bạn nên để tâm khi sếp hỏi vay tiền.
Để ý lịch sử tài chính
Lần đầu được cấp trên mượn tiền, nhiều người đồng ý ngay mà không suy nghĩ thấu đáo. Lý do của hành động vội vàng này có thể bắt nguồn từ áp lực là cấp dưới.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ hỏi thăm đồng nghiệp về sếp trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Điều này giúp bạn biết được liệu họ có thói quen vay mượn không hay đây là lần hiếm hoi họ mở lời xin hỗ trợ tài chính.
Nếu sếp thật sự gặp phải khủng hoảng tiền bạc và cần tiền gấp, bạn hoàn toàn có thể cho mượn. Song, bạn hãy đảm bảo làm rõ với họ đó là một khoản vay và cần được trả đúng thời hạn.
Trong trường hợp cấp trên đã nhiều lần ngỏ lời trợ giúp tiền nong, bạn nên cố gắng viện cớ từ chối vì khả năng cao bạn sẽ không lấy lại được tiền.
Kiểm tra số dư
Cảm thấy sợ hãi khi sếp hỏi han về tiền bạc là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn nên chú ý xem lại tình hình tài chính của mình trước khi để nỗi sợ hãi ăn mất lý trí.
Số tiền nhỏ nhưng tần suất vay mượn cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và quá trình quản lý tài chính cá nhân.
Tệ hơn, tình trạng này làm gia tăng tranh cãi về tiền bạc với ai đã lập gia đình và có trách nhiệm chu cấp sinh hoạt cho người thân.
Thế nên, bắt đầu giải thích rõ ràng về tình thế của bạn sẽ khiến việc từ chối vay mượn trở nên dễ dàng hơn.
Trò chuyện cởi mở
Nếu sếp tử tế và có mối quan hệ khá tốt đẹp với bạn, thẳng thắn trao đổi về tiền bạc là điều nên làm.
Trong trường hợp sếp có thói quen mượn tiền hay khả năng quản lý tài chính kém, bạn nên đề xuất họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia hoạch định tài chính hay nhà tư vấn hành vi.
Giúp cấp trên khắc phục thói quen xấu cũng như nhận thức được tác hại của nó là cần thiết để đảm bảo một môi trường làm việc hiệu quả.
Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Một khi chấp nhận cho sếp hay đồng nghiệp mượn tiền, bạn nên hiểu rằng vẫn có khả năng mình không được hoàn trả.
Vì vậy, bạn hãy cho vay một khoản tiền nhỏ, vừa phải mà khi nó mất đi, tài chính của bạn vẫn ổn định.
Theo đó, bạn sẽ không rơi vào căng thẳng hay tranh cãi cũng như giữ được thái độ chuyên nghiệp tại nơi làm việc.
Báo cáo với lãnh đạo cấp cao
Việc vay nợ thường xuyên của cấp trên không chỉ tác động xấu đến bạn mà còn đến những đồng nghiệp khác trong bộ phận.
Trong tình huống này, phương án xử lý tốt nhất là liên hệ với người quản lý có thẩm quyền cao hơn.
Ngoài ra, bạn nên tìm kiếm sự đồng tình và hỗ trợ từ các nhân viên khác. Là người duy nhất báo cáo sự việc có thể khiến bạn đối mặt với cơn thịnh nộ của cấp trên một khi họ phát hiện ra bạn là người chỉ điểm.