Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Run tay, mất ngủ vẫn 'ghiền' trà đặc sản

Say caffeine, Trúc Quyên vẫn thử hết thương hiệu trà đặc sản trên thị trường. Trong khi đó, Đình Thạch lại mua nhầm loại trà được quảng cáo đặc sản, nhưng kém chất lượng.

Nhiều thực khách chuyển từ trà sữa truyền thống sang trà đặc sản với vị đậm, thơm nồng. Ảnh: Việt Hà.

Từ năm 2022, Trúc Quyên (28 tuổi, sống tại TP.HCM) chuyển sang uống trà đặc sản khi trà sữa thông thường không còn vừa miệng. Nhân viên bán hàng này không ngại dành thời gian, tiền bạc để tìm hương vị khác biệt.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Quyên cho biết mình chi khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng cho những ly đồ uống thơm lừng và đậm vị trà, có tháng vượt con số trên. Dù cơ thể nhạy cảm với hàm lượng caffeine trong trà và cà phê, cô chưa từng bỏ lỡ bất kỳ thương hiệu trà đặc sản nào mở tại TP.HCM.

"Khi thương hiệu mới thông báo sắp ra mắt, tôi sẽ lưu lại địa chỉ. Các thương hiệu cũ giới thiệu món uống hay topping mới, tôi cũng sẵn sàng thử để biết bản thân hợp với hương vị nào. Trà đặc sản thơm, hậu chát nhẹ, không bị cảm giác nguyên liệu công nghiệp. Từ Phê La, Phúc Long đến Oola... tôi đều uống qua", cô nói.

Mất ngủ, say caffeine đến chóng mặt

Theo khảo sát người tiêu dùng F&B của Vietnam Report, 67,4% khách hàng Gen Z chi 50.000-100.000 đồng cho một lần uống trà sữa/cà phê, gấp 3 lần thế hệ X và Y. Ngoài ra, 60,7% Gen Z đến các cửa hàng trà sữa/cà phê trên 3 lần một tuần.

Thế hệ này sẵn sàng chi tiền cho đồ uống mới mẻ và sáng tạo, đồng thời ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, tốt cho sức khoẻ. Xu hướng trà đặc sản là ví dụ về mong muốn trải nghiệm đồ uống lành mạnh của người trẻ.

Song song đó, báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm của iPOS.vn cũng chỉ ra rằng mức giá 41.000-71.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê trở nên phổ biến. Số người chọn phân khúc này tăng 11,5%.

Theo Trúc Quyên, trà đặc sản xuất xứ Việt Nam có lượng caffeine nhiều hơn so với loại trà từ thương hiệu trà sữa Đài Loan hay Thái Lan từng nổi danh trước đây. Loại trà này khiến cô nhiều lần có cảm giác hơi chóng mặt, tim đập nhanh, tay run, có khi say trà đến hôm sau. Tuy nhiên, cô không thể từ bỏ thói quen ra cửa hàng 2-3 lần/tuần và đặt giao đến nơi làm việc để uống cùng đồng nghiệp.

"Do tính chất công việc thường tăng ca, độ đậm và mùi thơm rõ của trà đặc sản giúp tôi tỉnh táo hơn", Quyên nói. Ngoài ra, cô cũng ưu tiên các cửa hàng pha bằng máy có cần sục, nhiều loại trân châu mới lạ để tăng độ ngon cho món uống.

Trong khi đó, Thanh Thảo (26 tuổi, sống tại TP.HCM) lui tới các cửa hàng chuyên trà đặc sản không sót ngày nào. Nhân viên văn phòng này thường chọn trà sữa hoặc trà trái cây đậm vị.

"Tôi không còn thích trà có vị ngọt gắt, pha bằng bột béo hay sử dụng nguyên liệu tạo mùi. Một ly trà đậm, thơm và hậu vị ngọt nhẹ là ưu tiên. Dù mức giá cao hơn, tôi vẫn chấp nhận để có được trải nghiệm xứng đáng, an toàn cho sức khỏe", cô bày tỏ.

Thanh Thảo thừa nhận mình mất ngủ triền miên vì lượng caffeine trong loại thức uống này khá cao. Những ngày đầu, cô thao thức đến 2-3h sáng mới ngủ. Khi cơ thể quen dần, tình trạng này có chiều hướng cải thiện.

"Tôi bắt đầu ngủ sớm hơn, nhưng vẫn trằn trọc đến nửa đêm. Những ngày muốn dễ ngủ, tôi sẽ gọi olong sữa, còn thường ngày gọi olong hạt phỉ hoặc olong lài", cô chia sẻ.

Mác "trà đặc sản", chất lượng hên xui

Khi các thương hiệu trà nước ngoài hạ nhiệt, trà đặc sản Việt Nam thổi bùng trào lưu mới trên thị trường ẩm thực. Nhờ sự tiên phong của các "ông lớn", nhiều thương hiệu gắn liền với sản phẩm "trà sữa đậm vị", "trà đặc sản" ra đời, đưa doanh thu của các cửa hàng trà đặc sản dẫn đầu trong ngành F&B, theo iPOS.vn.

Tuy nhiên, không ít cửa hàng gắn mác "trà đậm và đặc", hạ mức giá để hút khách. Thực tế, hương vị không đạt chất lượng. Nguyễn Dạ Trân Châu (24 tuổi, sống tại TP.HCM) là thực khách gặp tình trạng này.

tra dac san Viet Nam anh 5

Với hương vị đậm đà, nhiều thương hiệu trà đặc sản nhanh chóng chinh phục thực khách tại các đô thị, đặc biệt là tệp khách trẻ tuổi. Ảnh: Khương Nguyễn.

Trân Châu tìm đến một cửa hàng trà ở quận Tân Bình theo lời quảng cáo "olong Bảo Lộc đậm vị" trên bảng hiệu. Mức giá rẻ gần một nửa so với các thương hiệu có tiếng, dao động 25.000-30.000 đồng/ly, bao gồm một loại topping.

"Hương vị rất nhạt nhẽo, chủ yếu là đường và syrup tạo mùi, giống như các loại trà phổ thông. Tôi hoàn toàn không cảm nhận được hương vị và mùi thơm của trà đặc sản. Uống xong tôi vẫn ngủ ngon, chứng tỏ trà không đậm. Tôi chấp nhận mất ngủ, nhưng chất lượng đồ uống phải đảm bảo", Châu nêu cảm nhận.

Tương tự, Nguyễn Đình Thạch (22 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng thất vọng tràn trề khi mua trúng ly trà dán mác "đặc sản". Anh cho biết bản thân là khách quen của một số thương hiệu có tiếng, nhưng thích trải nghiệm nhiều sản phẩm nên tin tưởng vào bài đăng trên fanpage của một cửa hàng ở quận Bình Thạnh.

tra dac san Viet Nam anh 6

Các thương hiệu liên tục cho ra mắt sản phẩm trà đặc sản, cạnh tranh với hàng loạt cửa hành tại vị trí đắc địa tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Theo Thạch miêu tả, các loại trà vẫn thơm, nhưng không có độ chát riêng biệt của trà đặc sản, vị êm đằm như hồng trà hoặc trà đen thông thường. Tổng thể giống với loại trà sữa truyền thống nhiều topping.

Anh cho biết thêm menu cửa hàng khá đa dạng, có mặt những cái tên quen thuộc như olong lài/sữa, khói B'lao hay trà sữa nguyên lá. Song, mức giá lại xấp xỉ các cửa hàng lớn.

"Với mức giá 45.000 đồng/ly (không topping), tôi không ngờ mình mua phải đồ uống không chuẩn nguyên liệu. Thực chất trà đặc sản đắt do chất lượng vốn có. Từ giờ, tôi chỉ trung thành với các thương hiệu quen thuộc, giá đắt không thành vấn đề, miễn đúng vị", anh bày tỏ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.

> Xem thêm: Sách cho những tâm hồn ăn uống

Tranh cãi nước Mót ở Hội An 'mua chỉ để chụp ảnh'

Loại nước thảo mộc "quốc dân" ở Hội An (Quảng Nam) vướng nhiều tranh cãi về hương vị. Một số du khách cho rằng họ chỉ mua để check-in, không có ý định uống lại.

Tại sao đoàn khách Ấn sang Việt Nam phải mang theo gia vị, đầu bếp?

Do đặc thù về tôn giáo và thói quen ăn đậm gia vị, du khách Ấn Độ thường chọn món ăn của quê hương khi du lịch, dù đến các quốc gia có nền ẩm thực nổi trội.

Trúc Hồ

Bạn có thể quan tâm