Ngày 18/8, Công an huyện Lâm Hà phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường để điều tra vụ phá rừng ở tiểu khu 224, vùng giáp ranh giữa 3 huyện Lâm Hà, Đam Rông và Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đây là khu rừng dổi, huỳnh đàn hiếm hoi còn sót lại ở huyện Lâm Hà. |
Theo công an sở tại, sự việc được cơ quan chức năng phát hiện ngày 10/8. Hiện trường vụ việc nằm sâu trong rừng nguyên sinh, cách trung tâm huyện Lâm Hà khoảng 80 km. Khu vực rừng bị phá thuộc khoảnh 3 tiểu khu 224, xã Phú Sơn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. |
Có mặt tại tiểu khu 224, phóng viên chứng kiến nhiều cây dổi, huỳnh đàn cổ thụ bị cưa hạ. Một số vết cưa còn rất mới. |
Nhiều lóng gỗ dổi có đường kính 60 cm nằm la liệt trong rừng, chưa kịp chuyển đi. |
Một cán bộ kiểm lâm cho biết lâm tặc chỉ chọn những cây cổ thụ, số nhỏ hơn cũng bị đốn hạ nhưng chưa kịp xẻ ra thành miếng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, vụ phá rừng dổi tại tiểu khu 224 xảy ra trong thời gian hơn 20 cán bộ, nhân viên kiểm lâm ở Lâm Hà và Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng phải cách ly 21 ngày để phòng chống dịch Covid-19. |
Bình nhớt (dầu) dùng cho máy cưa được lâm tặc sử dụng sót lại hiện trường. |
Một đoạn dây cáp lâm tặc dùng vận chuyển gỗ bị vứt lại. |
Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, bước đầu đơn vị kiểm đếm được 11 cây rừng bị cưa hạ với khoảng 40 m3 gỗ tròn các loại. Trong đó, 9 cây dổi thuộc nhóm III, một cây hoa lý nhóm IV và một cây huỳnh đàn nhóm III. |
Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm còn phát hiện khoảng 25 m3 gỗ chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng. |
Hiện, cơ quan chức năng đã mời ông Cil Thuận (36 tuổi) và K’Long Ha Huy (26 tuổi, cùng ngụ TP Đà Lạt) về UBND xã Lát (huyện Lạc Dương) làm việc. Bước đầu, 2 người này khai được ông Nguyễn Văn H. (57 tuổi, ngụ tại tổ dân phố Măng Lin, phường 7, TP Đà Lạt) thuê phát cây mở đường để kéo gỗ ra khỏi rừng. |
Tiểu khu 224, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nơi rừng bị phá. Ảnh: Google Maps. |