21h, Sa Pa lại lất phất mưa phùn. Cái lạnh dịu ngọt của tiết trời tháng 8 khẽ len lỏi trong lòng thị trấn nhỏ vàng vọt ánh đèn, khiến dòng chảy thời gian như chậm lại.
Bạn nghĩ gì khi nhắc đến Sa Pa?
Một thị trấn nhỏ nằm nơi cực bắc xa xôi; một nàng thơ của đất trời Tây Bắc với những cung đường đèo lộng gió, lơ lửng tại tầng không đượm mùi hương đại ngàn; hay tiết trời mát mẻ vào ban ngày, lành lạnh về đêm, thi thoảng một đợt nắng, mưa bất chợt?
Cứ ngỡ nơi đây chỉ là “tình nhân” nghìn đời của những kẻ lữ khách đường xa, nhưng với các bạn trẻ, Sa Pa còn đặc biệt hơn thế. Vùng đất này là nơi họ nuôi dưỡng khát vọng chinh phục nóc nhà Đông Dương, giang tay ôm trọn mây trời từ độ cao 3.143 m; hay chỉ đơn giản là ước mơ sống chậm lại, tạm rời xa những xô bồ, ồn ã của cuộc sống để cảm nhận rõ hơn những tháng ngày tuổi trẻ… Vùng đất chơi vơi trên đỉnh trời vì thế mà trở thành đích ước đến của thanh xuân.
Chừng hơn 10 năm về trước, dân “đi bụi” từng xếp Sa Pa cùng việc chinh phục đỉnh Fansipan là một trong những cung đường phải đi trong đời. Những cái tên như Trạm Tôn, Cát Cát gần như được tín đồ xê dịch nằm lòng.
Với những người trẻ, Sa Pa nói chung và Fansipan nói riêng bấy giờ không chỉ là một miền đất chỉ để du lịch, mà còn mang ý nghĩa như một thách thức, một đỉnh cao cần vượt qua và ghi dấu, đặt tên. Chinh phục thành công điểm cao 3.143 m là dấu mốc đáng tự hào cho thời thanh xuân của bất cứ ai, nhưng cũng vì lẽ ấy, nhiều người trẻ khi trở về bỗng chép miệng tiếc nuối “Hình như mình mới chỉ chạm được vào lớp vỏ ngoài của Sa Pa”.
Văn hóa bản địa, những câu chuyện của người Mông bản xứ, những dải thổ cẩm lúng liếng giữa phiên chợ vùng cao và nhịp điệu sinh hoạt bình yên đã vô tình bị bỏ quên trong một chuyến đi vội vàng.
Ngay cả hành trình lên Fansipan khoảng một thập niên trước cũng gần như là “cuộc chơi” chỉ của những tay phượt dư sức khỏe, bởi quãng đường núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và đầy rẫy hiểm nguy trong rừng già không cho phép kẻ yếu đuối làm một phép thử.
Thế nhưng, giấc mơ Fansipan vẫn luôn âm ỉ cháy trong tâm khảm họ, và blogger Vũ Ngọc Anh cũng vậy. Chàng trai sinh năm 1987 này từng bị gãy xương hơn 150 lần do căn bệnh xương thủy tinh. Bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê mãnh liệt, Ngọc Anh đã tự mình đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới bằng xe lăn và chính... đầu gối của mình.
Khi đối mặt với giấc mơ mang tên Fansipan, Ngọc Anh lại gục ngã. Trong tự truyện Không thể vỡ, anh ngậm ngùi: “Vào năm 2010-2011, tôi và một người anh - người mà sau này tôi luôn coi anh là anh ruột, có kế hoạch điên rồ là sẽ leo Fansipan bằng hai đầu gối, đi đường rừng. Tôi không đi theo kiểu 2 ngày 1 đêm, hay thuê người cõng cho nhanh. Nếu đi theo kế hoạch đó, tôi sẽ phải ở trong rừng nhiều ngày, đến khi tôi từ bỏ…”. Fansipan khi đó là một thử thách quá lớn và rất khó để vượt qua, với ngay cả những người tưởng chừng “không thể vỡ” như Ngọc Anh.
Nóc nhà Đông Dương là một thử thách khó chinh phục, nhưng dành một chuyến đi dài ngày để cảm nhận Sa Pa thì đơn giản hơn rất nhiều. Bởi vậy, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ, hết lớp này đến lớp kia, hết năm này qua năm khác, lang thang dọc những con phố ướt nhẹp mưa của thị trấn nhỏ, nán lại rất lâu ở sạp hàng nho nhỏ của một em bé người Mông nào đó với cặp má đỏ lựng vì lạnh.
Chọn một quán cà phê nhỏ nép mình gần quảng trường trung tâm, gọi một ly đen đá không đường, lắng nghe tiếng nhạc dịu nhẹ từ chiếc đài cũ vang lên đều đặn và nhìn ngắm Sa Pa dưới màn mưa, dám chắc ai cũng mơ lúc đó mình trở thành người nghệ sĩ.
Phía bên ngoài, từng tốp người líu ríu bán mua thếp thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những giò lan rừng chớm nảy nụ, chùm thảo quả tím còn dính đất nâu. Góc đường xa xa, thi thoảng lại thấy một bà cụ da nhăn nheo, chân trần ngồi cặm cụi thêu những họa tiết đặc trưng của dân tộc mình lên chiếc khăn tay vuông vức. Tiếng kèn đồng phát ra từ miệng cô bé người Mông đang lẽo đẽo chạy theo một vị khách nước ngoài, gió loạt xoạt thổi... Sa Pa hiện lên đẹp đẽ và thi vị từ những điều giản đơn.
Từ những bản làng như Sa Pả, Sín Chải, Nậm Sài, Ý Linh Hồ với những câu hát trao duyên da diết, tới đỉnh núi Hàm Rồng huyền thoại, đèo lên Ô Quy Hồ lộng gió và nhà thờ đá Sa Pa trầm mặc, mỗi địa danh nơi đây đều mang đến cảm giác an nhiên, đủ giản đơn để bất cứ ai cũng muốn sống chậm lại nhưng lại thừa kỳ vĩ để đam mê khám phá.
Giữ chân nhiều người trẻ, nhưng Sa Pa còn muốn nhiều hơn thế. Thị trấn nhỏ nhưng hoài bão không nhỏ, tất cả chỉ để dành những gì tốt nhất cho ai đã lỡ yêu miền đất cực bắc của Tổ quốc này. Khi đại công trình cáp treo Fansipan - cây cầu nối liền thị trấn nhỏ với đỉnh 3.143 m bước vào giai đoạn nước rút, cũng là lúc giấc mơ chinh phục đỉnh Đông Dương được kéo lại gần, cho đông đảo những người như chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh ngày nào.
Không ai biết nhờ cáp treo mà Sa Pa thay đổi hay Sa Pa thay đổi để tạo ra cáp treo, nhưng sự “lột xác” của trấn nhỏ phía tây bắc Lào Cai là điều ai cũng thấy. Những khách sạn mang đậm phong cách châu Âu dần được hình thành, mang tới hơi thở tươi mới cho Sa Pa. Hệ thống đường giao thông cải tạo và xây mới, thị trấn được quy hoạch lại.
Tới Sa Pa ngày nay, dễ dàng bắt gặp những nét chấm phá hiện đại, năng động của vùng đất du lịch đang trên đà phát triển. Một khách sạn Hotel de la Coupole ngay trung tâm thị trấn với những mái vòm kiểu Pháp kinh điển khiến nhiều người liên tưởng tới cung điện Versailles tận nước Pháp xa xôi. Một quảng trường Sun Plaza đã trở thành phông nền phổ biến trong những bức hình check-in Sa Pa của giới trẻ lẫn người già, bên cạnh góc chụp nhà thờ đá vốn đã thành kinh điển. Tất cả đã khiến Sa Pa thu hút những vị khách mới nhiều tiềm năng, đưa nơi đây trở thành điểm đến du lịch sang trọng.
Sa Pa giờ không chỉ có núi với rừng, có mây mù che phủ bản làng bình yên, những lớp lớp ruộng bậc thang mê hoặc. Nơi đây còn có một tổ hợp du lịch với cáp treo nối từ chân tới đỉnh Đông Dương, giúp những người ghé thăm chiêm ngưỡng núi rừng Hoàng Liên hùng vĩ từ trên cao, thành tâm bái Phật nơi quần thể tâm linh thiền tịnh giữa mênh mông đại ngàn.
“Hiện đại là vậy, nhưng chưa bao giờ Sa Pa đánh mất đi hồn cốt của riêng mình”, anh Nam (Thái Bình) trở lại Sa Pa trong lần thứ 3 đã nhận xét về thị trấn này.
Dõi mắt nhìn hàng loạt lễ hội lớn đang được tổ chức tại đây, với không khí tưng bừng rộn rã, nhìn sâu vào ánh mắt rạng rỡ của các em nhỏ bản địa và du khách ghé thăm, mới thấy Sa Pa hóa ra vẫn là mảnh đất chất phác của nhiều năm trước. Tại sân trước của Bảo An Thiền Tự trên đỉnh Fansipan, show nghệ thuật Vũ điệu trên mây kể lại cho khán giả câu chuyện tình đẹp như mơ giữa chàng Đỗ và nàng Quyên. Bằng việc sử dụng chính những điệu múa, chất liệu thổ cẩm và cả âm thanh đặc trưng của cộng đồng các dân tộc vùng Hoàng Liên Sơn, show diễn đã dẫn dắt khán giả đi trong mê say của chất men Tây Bắc, rồi lạc trong cõi thiền huyền hoặc giữa mây ngàn gió núi vừa thực, vừa ảo.
Ngay gần đó, lễ hội ẩm thực Tây Bắc với hàng trăm món ăn đặc sắc cũng đang thu hút hàng nghìn người tham dự. Và khi cần một chút hoang dã, nguyên sơ, giải đua Vó ngựa trên mây cũng đã sẵn sàng. Chàng kị sĩ vốn là những nông dân cưỡi trên mình các chú ngựa thồ đang lục cục phi nhanh về phía trước.
Trở lại câu chuyện giấc mơ chinh phục đỉnh trời của chàng trai “không thể vỡ” Vũ Ngọc Anh, tháng 2/2016, tuyến cáp treo 3 dây nối từ thị trấn Sapa lên đỉnh Fansipan chính thức vận hành, rút ngắn quãng đường chinh phục nóc nhà Đông Dương từ 2 ngày xuống còn 15 phút bay trên những vòm rừng, thung lũng đẹp tựa tranh.
Trong đoàn khách đầu tiên trải nghiệm cáp treo, "chàng trai thủy tinh" Vũ Ngọc Anh cũng có mặt. Sau đúng 6 năm, kế hoạch điên rồ và bất khả thi ngày nào mới có thể thành hiện thực. Sau chuyến cáp, Ngọc Anh tự mình bước từng bước trên hai đầu gối đã chai sạn. Mỗi bước đi cảm giác có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào da thịt. Phải mất một tiếng, cậu mới “bò” được lên tới đỉnh. Mừng rơi nước mắt, Ngọc Anh đã thốt lên: “Công trình này (cáp treo Fansipan) đã giúp những người không đủ điều kiện sức khỏe được đứng trên đỉnh Fansipan”.
Tuyến cáp treo đã kéo gần cơ hội chinh phục nóc nhà Đông Dương đến mọi thế hệ, bao gồm cả những người trẻ trước đây từng bỏ lỡ. Câu chuyện riêng của những người trẻ năm nào đã tìm được mẫu số chung với số đông sau hơn chục năm đằng đẵng.
Nếu có cơ hội, sau nhiều năm, hãy vẫn cứ lựa chọn Sa Pa như một góc đủ cả bình yên lẫn rộn ràng, để sống chậm lại giữa những bộn bề lo toan trong cuộc đời.