Sài Gòn rộ mốt chơi xe Lambretta, Vespa cổ
Từ cuộc đua tốc độ về kỹ thuật xe cũng như sự ra đời những chiếc xe mang dáng dấp lãng tử như Lambretta và Vespa, đến nay đang rộ lên phong trào tái sinh...
>> Nhà sưu tập huy hiệu ''khủng'' nhất VN
>> Chàng trai mê sưu tầm mô hình lính
>> Đệ nhất phục chế quạt xưa Hà thành
Cuộc đua từ nơi sản xuất
Nước Ý những năm cuối thập niên 60, hai hãng đại gia sản xuất dòng Lambretta huyền thoại và dòng Vespa vang bóng đều tung ra những đứa con cưng của mình trong cuộc đua khốc liệt cả về doanh thu lẫn tốc độ.
Chiến binh Lambretta TV 175. |
Vespa GS 150cc xuất xưởng vào năm 1955 là con át chủ bài thời bấy giờ. Trong mọi cuộc đua các “chiến binh” dòng Lambretta khi đó LD 150 (chạy láp) không một lần đánh bại được đối thủ truyền kiếp Vespa GS 150. Lambretta liền ra “tối hậu thư” cho các kỹ sư của mình bằng mọi cách phải chế tạo ra một cỗ máy để lật đổ sự thống trị của GS 150.
Sau rất nhiều mày mò chiếc Lambretta TV 175 serie I ra đời. Chiếc TV 175 này có động cơ 170cc hứa hẹn sẽ đánh bật được đối thủ Vespa GS 150. Nhưng mọi chuyện không xuôi chèo mát mái. TV 175 vẫn không đạt được tốc độ trên 100 km/h vì trọng lượng quá nặng (120kg) nên đành thúc thủ trước gã GS 150. GS chỉ nặng 104kg, động cơ 146cc và đạt mốc 100 km/h. Nên nhớ chúng ta đang nói về năm 1959, đạt tốc độ 100 km/h lúc đó quả là kinh khiếp.
Sau lần bại trận đó hãng Lambretta rơi vào khủng hoảng thực sự, hầu hết các kỹ sư trong ê kíp làm ra chiếc TV 175 đều bị sa thải. Tháng 4/1958 dòng Lambretta Li serie 1 (TV1) ra đời với động cơ 150cc và loại 123cc là một bước tiến mới, TV1 ngay khi ra đời đã chiếm được cảm tình của giới chơi xe lúc bấy giờ bởi những đường cong quá quyến rũ. Họ đã bán ra tới 150.000 chiếc và là chuẩn mực cho những dòng Lambretta sau này.
Vespa GS 150 không đối thủ. |
Tháng 10/1959, chiếc Li serie 2 (TV2) trình làng với áp phích quảng cáo ấn tượng, hình ảnh cặp tình nhân trên bãi biển cạnh chiếc TV2 bắt mắt. TV2 có chút thay đổi so với dòng TV1, đèn trước được đưa lên phía trên tay lái, tạo ra dáng thanh thoát hơn. Dòng này được bán ra hơn 270.000 chiếc.
Thập niên 70, Lambretta phát triển rực rỡ với hàng loạt đời được tung ra như Lambretta Special 125cc, Special 150cc, SX 200cc... Lambretta lần lượt được nhập vào Việt Nam rất nhiều, nhưng đến các đời trong thập niên 70, nó mới thật sự trở thành cơn sốt trong giới chơi xe.
Những tay chơi không đủ tiền để tậu cho mình những chiếc Lambretta Special đành phải nhờ đến những tay thợ độ xe dày dạn kinh nghiệm để lên đời từ những chiếc Lambretta cũ TV1, TV2 (còn gọi là Lam bầu) biến thành những chiếc Lam Special y chang bản gốc. Phải công nhận các tay thợ độ xe Việt Nam lúc bấy giờ đạt trình độ kinh ngạc: Họ gò lại toàn bộ cốp, dè, đuôi xe, đầu đèn để “hô biến” chiếc Lam bầu thành Lam Special như phù thủy làm phép, đến độ nhìn bên ngoài không ai nhận ra.
Thời gian cứ thế trôi qua, năm 1972 hãng Lambretta ngừng hoạt động, bán lại toàn bộ công nghệ dây chuyền sản xuất cho người Ấn Độ. Chấm dứt dòng Lambretta huyền thoại.
Sài Gòn tái sinh xe cổ
Những năm gần đây, giới chơi xe tại Việt Nam làm sống lại những "chiến binh" một thời vang bóng. Họ săn lùng ráo riết những chiếc Lam (Lambretta) còn sót lại. Các loại Lam Già, Lam Sport nguyên bản giá cả còn đắt hơn cả những chiếc tay ga SH, PS... Để sở hữu được chiếc Lam bầu là mơ ước của các tay sưu tầm xe cổ.
Lambretta Special. |
Họ tìm mua lại những chiếc Lam bầu đã bị các thợ độ xe tiền bối “đại phẫu thuật” không thương tiếc để phục chế lại nguyên bản. Một lần nữa phải cậy đến những tay thợ độ xe thời nay để phục sinh lại những chiếc Lam bầu đã “lỡ lên đời” trở lại như xưa. Giá cả sự tái sinh không hề rẻ. Đưa chiếc Lam bầu trở về nguyên trạng cả 10 triệu đồng (đây mới chỉ là phí làm mới lại). Thời gian độ một con Lam bầu mất gần 2 tháng khổ công.
Xin ngả mũ trước các tay thợ độ xe ngày nay, chỉ với tấm tole, cái búa nhỏ, thanh gỗ và mỏ hàn hơi. Họ đã trả lại dáng vẻ mỹ miều, kiều diễm của chiếc Lam bầu thuở nào. Những đường cong của cốp không hề có dấu của mối hàn, họ chỉ dùng sức nóng của lửa kết hợp với đôi tay tài hoa để gò lại theo đúng kích thước và dáng vẻ ban đầu.
Tái sinh chiếc Lam bầu. |
Bác Bay ở đường Nguyễn Văn Cừ, năm nay đã bước qua tuổi ngũ tuần vẫn gắn bó với nghề độ xe. Ông đã phục chế lại rất nhiều chiếc Lam bầu tâm sự: "Nhìn những chiếc Lam bầu trở về nguyên bản, tôi như sống lại thời trai trẻ, một thời tung hoành ngang dọc trên những chiếc Lambretta đầy hoài niệm”.
Quả thật thú chơi xe cổ cũng lắm nhiêu khê! Giữa cái tất bật, hối hả của cuộc sống, thời đại của kỹ thuật số. Giữa dòng xe tấp nập, chợt nghe một tiếng pô rất đặc biệt không lẫn vào đâu được của chiếc Lambretta làm ta cảm thấy thanh thản lạ lùng, một chút gì đó của quá khứ, của một dòng Lambretta một thời lừng lẫy...
Theo Vietnamnet