Nhịn ăn sáng để giảm cân không phải lựa chọn khoa học. Ảnh: engin_akyurt. |
Nguyễn Hồng Anh (30 tuổi, Hà Nội) cao 153 cm, nặng 60 kg. Thân hình tròn trịa khiến người phụ nữ này rất mặc cảm. Công việc bận rộn, không có thời gian tập thể dục, vì vậy, chị quyết tâm nhịn ăn để giảm cân.
Do buổi tối ăn cơm cùng gia đình, buổi sáng phải đi làm sớm, chị thường nhịn ăn sáng. Chị hy vọng điều đó sẽ giúp cơ thể sẽ giảm được cân nặng.
Về quan điểm này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết: “Nhịn bữa sáng để giảm cân có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí khiến bạn còn tăng cân do ăn nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối”.
Theo chuyên gia này, không có mối tương quan nào giữa việc bỏ bữa sáng và giảm cân nhanh hơn. Không có nghiên cứu nào kết luận rằng thời điểm bạn ăn là vấn đề với việc giảm cân. Tổng lượng calo tiêu thụ trong một ngày so với lượng calo bạn đốt cháy là yếu tố quyết định việc giảm cân.
“Vậy vấn đề gì có thể xảy ra khi một người nhịn ăn sáng? Hầu hết là không. Khi nói đến câu hỏi liệu một người có nên (hay không nên) bỏ bữa sáng, đó hoàn toàn là một sở thích cá nhân. Những gì một người ăn quan trọng hơn là thời điểm họ ăn những thứ đó. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, có một thời điểm trong ngày mà bạn có lẽ không nên ăn nhiều, đó là vào ban đêm”, chuyên gia này cho biết thêm.
Nghiên cứu cho thấy ăn muộn hơn trong ngày thường dẫn đến lượng năng lượng dư thừa cao hơn và cuối cùng cũng có thể dẫn đến tăng cân, thừa cân béo phì. Ăn muộn vào ban đêm có thể làm tăng nồng độ đường huyết của một người hoặc nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
“Vì vậy, tốt hơn là mọi người nên cân nhắc tiêu thụ thực phẩm không quá muộn vào buổi sáng để tránh đẩy giờ ăn quá muộn vào buổi tối. Bạn nên “ăn khi mặt trời mọc và dừng lại khi mặt trời lặn”, TS.BS Sơn khuyên.
Không giúp giảm cân, nhịn ăn sáng còn tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, làm cho việc kiểm soát đường huyết không tốt trong ngày đối với người bệnh đái tháo đường type 2. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cấp tính cũng như mạn tính.
Cũng theo TS.BS Sơn, nhịn ăn sáng làm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 21% so với người ăn sáng bình thường. Nhịn ăn sáng làm tăng nguy cơ bị sỏi túi mật, sỏi đường mật. Bởi nếu không ăn sáng dịch mật sẽ được lưu lại nhiều và lâu tại mật.
Bên cạnh đó, bỏ bữa sáng còn dẫn tới bị viêm loét dạ dày vì sau một đêm, nồng độ axit trong dạ dày tăng lên. Nếu không có thức ăn nạp vào dạ dày, người nhịn ăn sáng sẽ có thể bị mắc chứng đau dạ dày.
Những người nhịn ăn sáng thường bị chóng mặt, đau đầu hoặc đau nửa đầu do bị hạ đường huyết. Triệu chứng đau đầu này còn có thể đi kèm với biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, hoa mắt chóng mặt…
Nhịn ăn sáng có thể khiến cho hơi thở dễ có mùi hôi. Bởi khoang miệng không phải tiêu hóa bất kể một loại thức ăn nào nên các vi khuẩn gây mùi có điều kiện hoạt động trong khoang miệng.
“Phụ nữ mong muốn giảm cân không nên nhịn ăn sáng vì bữa ăn này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn cung cấp các vi chất khác trong đó có canxi. Chế độ ăn không hợp lý và nhịn đói kéo dài có thể khiến chị em gặp các vấn đề sức khỏe như chuột rút, loãng xương…”, TS.BS Sơn khẳng định.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.