Bong gân là tình trạng tổn thương các dây chằng, khớp do chấn thương. Ở thể nhẹ, bong gân chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng. Xấu hơn, dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn nguyên vẹn nhưng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Nặng nhất khi ta bị đứt hoàn toàn dây chằng, làm khớp lỏng lẻo.
Trong chương trình Kỹ năng sống (VTC 14), bác sĩ CKII Đặng Thành Khẩn, Phó Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: "Bong gân có thể gặp trong các trường hợp khi bị ngã, bước hụt, vận động sai tư thế. Bong gân sẽ nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời và chữa trị đúng cách, trường hợp xấu nhất là phẫu thuật".
Bác sĩ Khẩn cũng cho biết thêm, khi bong gân sẽ có triệu trứng rất đau ở vùng tổn thương, tăng lên khi vận động, sưng nề, bầm tím, tụ máu. Khớp ở cùng tổn thương bị bạn chế hoặc không vận động được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân.
Quan niệm của người bệnh thường rất chủ quan khi bị bong gân. Họ cho rằng tai nạn bong gân không quan trọng, chỉ đến bệnh viện khi kết hợp với gãy xương, vì thế dẫn đến hàng loạt sai lầm do tự điều trị.
Người dân thường dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào những nơi bị tổn thương. Đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm sử dụng các chất nóng tác động do chất này làm chảy máu mạnh hơn. Trong khi tổn thương này cần dùng thuốc gây lạnh và giảm đau tại chỗ như gel lạnh hay cao dán lạnh.
Bác sĩ Khẩn nhấn mạnh, khi bị bong gân cần dừng ngay vận động, chườm lạnh vùng tổn thương bằng đá lạnh hoặc túi chường lạnh. Sau đó, ta dùng băng chun, cố định khớp, dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, efferalgan. Ở trường hợp nhẹ, ta có thể cho bệnh nhân kê cao chân (bong gân chân) từ 15-20 cm, treo tay (bong gân tay) để tuần hoàn vùng tổn thương tốt hơn, giảm phù nề. Bạn nên nghỉ ngơi 5-7 ngày để vùng tổn thương hồi phục. Với bệnh nhân bị nặng, cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện khám, chữa trị kịp thời.
Để phòng tránh bong gân, bạn nên khởi động kỹ trước khi chơi thể thao, hạn chế đi giày, dép cao gót, cẩn thận khi lên xuống cầu thang... Đặc biệt, trẻ em và người già nên chú ý khi đi lại.