ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết trong giai đoạn hiện nay, tự cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà không còn là vấn đề quá xa lạ với người dân, tuy nhiên, rất nhiều người vẫn gặp sai lầm trong việc sử dụng thuốc.
Bác sĩ Vân Anh cùng hơn 1.000 nhân viên y tế (gồm chuyên gia, bác sĩ, giảng viên và sinh viên y khoa năm cuối của trường) trực tiếp tư vấn, hỗ trợ F0 tại nhà từ tháng 8/2021 đến nay.
Nguy cơ "lờn thuốc" khi tự ý dùng kháng sinh
"Việc người dân uống các loại thuốc linh tinh, uống theo các toa thuốc được chỉ dẫn trên mạng xã hội khiến những nhân viên y tế tư vấn rất đau đầu. Kể cả những F0 khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn uống kháng sinh, tìm các toa thuốc để uống mà lại không quan tâm đến việc tập thở", bác sĩ Vân Anh chia sẻ với Zing.
Theo Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc dùng kháng sinh "vô tội vạ" là sai lầm phổ biến của nhiều người tự điều trị Covid-19 tại nhà. Bởi ngoài lý do kháng sinh không phải là thuốc điều trị Covid-19, việc sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ sẽ tạo thành các chủng vi trùng kháng thuốc.
"Khi xuất hiện các chủng vi trùng kháng thuốc thì bác sĩ cũng 'khóc' luôn bởi kháng kháng sinh đang là vấn đề nhức nhối hiện nay", bác sĩ Vân Anh nói.
Các bác sĩ cho biết sai lầm phổ biến của nhiều F0 khi điều trị tại nhà là uống thuốc "vô tội vạ" theo các toa từ mạng xã hội. Ảnh minh họa: Bích Huệ. |
BSCKI Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM), cũng nhấn mạnh việc tự dùng kháng sinh tại nhà có thể gây nguy hiểm đối với những người có bệnh lý gan, thận trước đó.
Thậm chí, một số kháng sinh dễ gây phản vệ, thậm chí là phản vệ nặng, đe dọa tính mạng.
"Đề kháng kháng sinh dễ xảy ra nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, liều lượng, thời gian. Việc này sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ nếu F0 không may diễn biến nặng, đến lúc thật sự cần sử dụng kháng sinh thì thuốc đã không còn hiệu quả, dân gian hay gọi là lờn thuốc", bác sĩ Phạm Hữu Tiến chia sẻ.
F0 tại nhà nên dùng thuốc thế nào?
Bác sĩ Tiến phân tích các tác nhân gây bệnh cho người gồm có nhiều loại, thường gặp nhất có thể kể đến vi trùng (vi khuẩn), virus, ký sinh trùng, nấm. Khi một người mắc bệnh truyền nhiễm, tùy vào tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho người bệnh thuốc điều trị phù hợp, dựa vào triệu chứng, xét nghiệm, dịch tễ hoặc yếu tố khác.
Ví dụ, cùng mắc bệnh viêm phổi, nếu do vi trùng, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Viêm phổi do nấm dùng kháng nấm. Nếu viêm phổi do virus thì tùy loại virus, tùy bệnh nặng hay nhẹ, tùy hiệu quả của thuốc cụ thể đã được chứng minh mà bác sĩ cho dùng hay không.
"Phân tích những vấn đề trên để hiểu rằng quyết định dùng hay không dùng kháng sinh, dùng thuốc gì, liều lượng và thời gian là khác nhau ở mỗi người, dù có thể mắc cùng một bệnh và hoàn toàn do bác sĩ quyết định", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Hữu Tiến trao giấy ra viện cho một bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 hồi tháng 8/2021. Ảnh: BSCC. |
Các thuốc điều trị Covid-19 hiện nay được chấp thuận trên thế giới và tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay đều là các loại kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir, Paxlovid...).
"Bệnh Covid-19 do SAR-CoV-2 gây ra, không phải là một loại vi trùng. Do đó, kháng sinh không phải là thuốc điều trị bệnh Covid-19. Chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào cho thấy kháng sinh có hiệu quả điều trị Covid-19. Đó là lý do các gói A, B, C điều trị F0 tại nhà của Bộ Y tế hay Sở Y tế TP.HCM đều không có dòng thuốc kháng sinh nào", bác sĩ Phạm Hữu Tiến nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng thông tin thêm kháng sinh được chỉ định trong điều trị Covid-19 khi F0 có dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp của F0 như sốt nhẹ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mất mùi, mất vị, không phải là dấu hiệu đặc trưng của nhiễm trùng.
Do đó, F0 nhẹ, không triệu chứng đang cách ly tại nhà không tự ý uống kháng sinh để điều trị Covid-19 trong bất kỳ trường hợp nào.
Các bác sĩ điều trị khuyến cáo các F0 điều trị tại nhà (đã tiêm đủ liều vaccine) nên bình tĩnh, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chính thống của cơ quan y tế, theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng (đặc biệt SpO2) để được trợ giúp khi cần thiết.
"Đặc biệt, tinh thần, lạc quan luôn là yếu tố quan trọng để F0 nhẹ nhàng vượt qua Covid-19", bác sĩ Tiến chia sẻ.
ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng khuyên nếu F0 không triệu chứng bệnh hoặc biểu hiện nhẹ có thể uống vitamin, kết hợp ăn uống đủ dinh dưỡng. Người mắc Covid-19 có nguy cơ cao nên liên hệ y tế phường để được cấp thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir).
Nếu F0 chưa liên hệ được với y tế địa phương, có thể gọi tổng đài Tổng đài 1022, Hội thầy thuốc đồng hành, các tổ y tế từ xa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoặc đơn vị chính thống để được hỗ trợ, tư vấn.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.