Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sản phụ được chồng đỡ đẻ trên xe taxi

Trên đường đến bệnh viện, thai phụ H.T.Q. (26 tuổi, Hòa Bình) mang thai 37 tuần đã chuyển dạ và sinh con ngay trên xe taxi.

Sản phụ Q. được chồng đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) với thai nhi đã lọt lòng, dây rốn vẫn nối với mẹ. Các bác sĩ, nữ hộ sinh của trung tâm cũng có mặt ngay lập tức để hỗ trợ, cắt rốn cho trẻ ngay trên xe taxi.

Sau đó, trẻ được chuyển khoa Phụ Sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản để sưởi ấm, tiêm phòng, vệ sinh. Sản phụ cũng nhanh chóng được cấp cứu, vệ sinh, khâu tầng sinh môn và chăm sóc các bước tiếp theo.

de tren xe taxi anh 1

Trẻ được sưởi ấm, tiêm phòng, vệ sinh ngay khi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

Anh H., chồng sản phụ Q., cho hay vợ chồng anh sống cách Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy 40 km nhưng vẫn chọn đẻ tại đây vì được biết trung tâm có cơ sở vật chất tốt, bác sĩ, điều dưỡng lành nghề.

"Sáng sớm dậy, vợ kêu đau bụng theo cơn, tôi đã liên hệ với Trung tâm và gọi taxi đưa xuống khám. Gần tới Trung tâm, vợ tôi có dấu hiệu muốn sinh; tôi động viên vợ cố gắng những không kịp. Rất run và không biết đỡ đẻ nhưng do tình thế cấp bách, tôi buộc phải đỡ đẻ cho vợ ngay trên xe taxi", anh H. kể về trải nghiệm bất đắc dĩ này.

Anh H. cho hay rất hạnh phúc khi đỡ đẻ thành công cho vợ và trực tiếp đón con trai nặng 3,2 kg chào đời.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Loan, Trưởng khoa Phụ Sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, đây là trường hợp hy hữu khi sản phụ sinh con trên đường tới cơ sở y tế. May mắn, ca sinh thành công. Hiện, sức khỏe của mẹ và bé ổn định.

Theo đó, bác sĩ Loan cho biết để giảm rủi ro có thể sinh dọc đường (đẻ rơi), khi mang thai, sản phụ cần khám thai định kỳ, tầm soát nguy cơ sinh non. Trong trường hợp sản phụ sinh con trên đường đi, trên xe taxi, có 2 việc cần làm để an toàn cho mẹ và bé.

Thứ nhất, đối với bé, phải khai thông đường thở của bé bằng cách hút nhớt. Lúc này, người đỡ cần lấy khăn hay áo chùi ngay mũi miệng của bé. Nếu được, người lớn có thể lấy miệng mình hút nhớt ngay mũi miệng bé. Sau đó, lấy khăn hay áo quấn ấm cho bé để tránh hạ thân nhiệt.

Thứ hai, người mẹ cần hạn chế mất máu nhiều, gây băng huyết sau sinh. Người đỡ nên lấy tay xoa bóp vùng tử cung cứng ngay dưới rốn. Vùng này càng cứng và càng nhỏ thì tử cung càng gò tốt, ít bị chảy máu.

Bên cạnh đó, bác sĩ Loan cũng lưu ý các dấu hiệu báo chuyển dạ như đau bụng từng cơn (gò tử cung), trằn bụng, ra nhớt hồng, có cảm giác muốn đi đại tiện... Các dấu hiệu đa dạng và đôi khi chuyển dạ diễn biến nhanh, đặc biệt là với người đã từng sinh nở. Do đó, khi thấy các dấu hiệu này, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và hỗ trợ kịp thời.

Sữa mẹ là dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì vậy, sau khi sinh con, bà mẹ nào cũng muốn cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Các bà mẹ cho con bú nên ăn gì để tăng cường dưỡng chất cho sữa mà vẫn tốt cho sức khỏe?

Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.

Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em

Thời tiết nắng nóng khi mùa hè đến có thể khiến trẻ có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như mất nước, say nắng, ngộ độc thực phẩm hay bệnh về mắt.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm