Một phần bản án được dư luận đặc biệt quan tâm đó là trách nhiệm bồi thường khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng cũng sẽ được sáng tỏ.
Theo đó, có 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân được xác định là nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án. Vụ án có tới 79 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phiên tòa có 48 luật sư tham gia.
Các bị cáo tại tòa. |
Phiên tòa bắt đầu diễn ra từ ngày 6/1, do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa phiên tòa.
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) và 22 đồng phạm hầu tòa với 6 tội danh gồm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "cho vay nặng lãi", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Quá trình xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận toàn bộ nội dung bản cáo trạng truy tố. Theo đó, đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng Vietinbank, để có tiền kinh doanh bất động sản và chứng khoán, nữ "siêu lừa" đã chấp nhận vay tiền của những người cho vay nặng lãi với lãi suất từ 0,4 đến 5%/ngày để lấy vốn làm ăn, tổng số tiền nợ lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Năm 2010, khi thị trường chứng khoán và bất động sản xuống dốc, trong chốc lát nữ "siêu lừa" bị rơi vào vòng xoáy tín dụng đen. Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 - 9/2011, Như đã giả danh Vietinbank để huy động vốn với lãi suất cao sau đó lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng 3.986 tỷ đồng.
Cuối năm 2011, một số đơn vị, cá nhân làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Như đến cơ quan công an. Người đàn bà với biệt danh "siêu lừa" bị bắt khi đang mang thai tháng thứ ba.
Phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm đặc biệt gay cấn liên quan đến phần trách nhiệm bồi thường khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng. Đại diện Vietinbank cho rằng do Huyền Như giả danh Vietinbank để lừa đảo, Vietinbank hoàn toàn không biết, không liên quan đến vụ án nên ngân hàng này không có trách nhiệm bồi thường khoản tiền "khủng" trên.
Tuy nhiên, hầu hết nguyên đơn dân sự, bị hại lại cho rằng người họ thực hiện giao kết hợp đồng gửi tiền không phải là cá nhân Huyền Như mà là Vietinbank, từ sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank; Huyền Như là người của pháp nhân Vietinbank... nên ngân hàng này phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, VKS đã đề nghị tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè) mức án kịch khung là tù chung thân cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". VKS cũng đề nghị mức án với các bị cáo còn lại.
Về phần trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt chứ không phải Vietinbank.
Sau khi VKS đưa ra quan điểm, phần tranh luận giữa các luật sư và VKS diễn ra vô cùng căng thẳng. Hầu hết luật sư đã kịch liệt phản đối quan điểm trên, cho rằng quan điểm của VKS chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án.
Trước tình hình trên, HĐXX nhận định đây là vụ án vô cùng phức tạp nên cần phải nghị án kéo dài. Ngày 27/1, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết không chỉ về mức án với 23 bị cáo mà còn phán quyết về trách nhiệm bồi thường khoản tiền gần 4.000 tỷ đồng.