Hiện thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân là 2 thứ luôn nằm trong danh sách đen của Trúc Thanh (25 tuổi, quận 7), nhân viên ngân hàng. Từng sử dụng phương pháp này để “lột xác” nhanh, cô hiểu rất rõ tác dụng phụ của chúng.
Trúc Thanh cho hay cô biết đến các loại thuốc hỗ trợ điều chỉnh cân nặng qua người quen giới thiệu và review từ KOL, người nổi tiếng. Sau 2 tháng dùng thử kết hợp với ăn kiêng, tập gym 1 tiếng mỗi ngày, cô giảm được 10 kg.
“Số ký xuống nhanh nhưng tôi dễ mệt lúc nào cũng thấy khát nước và rất lười ăn. Cơ thể thì uể oải, lỏng lẻo chứ không hề săn chắc. Bên cạnh đó, tôi thấy mình căng thẳng, dễ cáu gắt và rụng tóc nhiều hơn”, Thanh chia sẻ.
Thực tế, đây không phải là câu chuyện của riêng Trúc Thanh. Không ít người cũng từng tin vào lời quảng cáo “có cánh” của cửa hàng bán thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, điều chỉnh nội tiết tố trên mạng.
Với các hiệu quả thần kỳ như “giảm 10 kg trong vòng 2 tháng”, “lấy lại vóc dáng không cần tập tành”, người mua dễ dàng trở thành nạn nhân tiếp theo của các sản phẩm này.
Thuốc giảm cân có thể mang lại tác dụng phụ nguy hiểm khi không được sử dụng theo toa của bác sĩ. Ảnh: Bloomberg. |
Bất chấp giảm cân
Với trường hợp của Trúc Thanh, đến tháng thứ 4, khi ngưng sử dụng loại thuốc này, cô thấy thân hình không còn thay đổi nữa.
Thanh đoán bản thân đã rơi vào trạng thái “yoyo” - giảm nhanh nhưng lên cân lại cũng nhanh. Chỉ trong 2 tháng sau đó, số cân nặng và mức độ thèm ăn của cô tăng gấp đôi khiến vóc dáng phì nhiêu hơn so với lúc chưa dùng thuốc.
“Vì quá nóng lòng muốn lột xác từ cơ thể nặng nề trở nên thanh mảnh trong thời gian ngắn, tôi lại quên mất việc thừa cân là do nạp dư calo dẫn đến tích mỡ và gây béo phì”, Thanh nói.
Từ sau lần đó, Thanh rút kinh nghiệm “nói không” với thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, cô thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung rau xanh và đạm vào thực đơn kết hợp với tập thể dục đều đặn.
Hiện nữ nhân viên văn phòng đang áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn 16:8. Cô đánh giá cách làm này khá hiệu quả, cân nặng xuống không nhanh như trước nhưng cơ thể lại rất săn chắc, khoẻ mạnh.
“Tôi cố gắng duy trì lối sống tích cực và giữ tâm lý thoải mái về việc giảm cân. Tầm 2 tuần tôi sẽ kiểm tra số ký để thay đổi cho phù hợp, đồng thời tránh xa các loại thuốc trên thị trường. Nó chỉ khiến mình giảm nước chứ không hề giảm mỡ như quảng cáo”, Thanh đúc kết.
Đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng các loại trà, cà phê giảm cân siêu tốc vẫn "bán chạy" dù nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, nhắc đến cà phê giảm cân, Thanh Hiền (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên truyền thông, vẫn còn thấy ớn lạnh.
Đầu tháng 1, công việc cuối năm bận rộn hơn khiến cô không còn thời gian đi tập, quan tâm đến sức khỏe.
“Ai gặp cũng hỏi ‘Sao dạo này béo lên à?’ khiến tôi vừa tủi thân vừa muốn lấy lại vóc dáng ban đầu. Ra đường cũng phải chọn đồ rộng để che vòng 2 và bắp tay”, Hiền kể.
Áp lực từ lời chê bai cộng với việc tăng ký mất kiểm soát, Hiền gấp rút tìm giải pháp giảm cân, mong kịp có thân hình gọn gàng đón Tết.
Trong một lần lướt Instagram, cô gái nhìn thấy bài đăng quảng cáo sản phẩm cà phê hỗ trợ giảm cân, không cần phải nhịn ăn hay tập luyện. Hiền quyết định mua dùng thử, dù cô biết các thực phẩm giúp xuống ký nhanh chóng thường khá vô thưởng, vô phạt, thậm chí hại sức khỏe
“Tôi đoán nó chỉ giảm cảm giác thèm ăn thôi chứ không nguy hiểm gì”, Hiền chia sẻ.
Theo hướng dẫn từ người bán, mỗi ngày pha nửa gói với 50 ml nước nóng, uống sau bữa ăn đầu tiên 30 phút trong 4 ngày (hiệu quả nhất là lúc 6-8h, hạn chế uống sau 11h vì dễ mất ngủ). Sau 5-7 ngày, nếu không giảm hoặc vẫn chững ở một mốc cân nặng, khách hàng nhắn lại ngay với shop.
Khoảng 3 ngày đầu áp dụng theo phương pháp này, Thanh Hiền vẫn ăn uống đúng bữa nhưng không có cảm giác ngon miệng, người cũng nhẹ đi. Khi đứng lên bàn cân, cô thấy mình đã giảm được hơn 1 kg đúng như cửa hàng cam kết.
“Tuy nhiên, có một thay đổi nhỏ là tôi bị toát mồ hôi rất nhiều. Ban đầu tôi tưởng do thời tiết TP.HCM nóng hơn. Nhưng ngay cả khi ngồi trong phòng điều hòa, tôi vẫn đổ mồ hôi", cô kể lại.
Khi phản hồi với shop, Thanh Hiền cho biết người bán chỉ chăm chăm hỏi về việc có giảm được ký nào chưa và hoàn toàn lơ tình trạng này.
Các chế độ ăn kiêng lành mạnh được nhiều người thay thế phương pháp dùng thuốc giảm cân. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Linh tính mách bảo, Hiền tra thêm trên mạng và vô tình phát hiện bài viết nói về sản phẩm này bị các chuyên gia sức khỏe cảnh báo. Nhiều người dùng xong còn bị kiệt sức, suy nhược cơ thể thậm chí nhập viện cấp cứu.
Cô quyết định ngừng uống và chuyển sang các phương pháp khác lành mạnh hơn. Rút kinh nghiệm từ trước, Hiền không tin những lời giới thiệu “có cánh” mà tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới áp dụng cho bản thân, nhất là những thứ nạp vào cơ thể.
Ám ảnh cân nặng
Gần đây, các bài viết, buổi phát sóng trực tiếp về thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ điều chỉnh cân nặng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Để tăng sự uy tín, các nhãn hàng này còn thuê KOL/KOC hoặc những tài khoản tự xưng là dược sĩ, bác sĩ để review. Đa số đều đưa ra bằng chứng dùng thử qua hình ảnh trước và sau khi sử dụng. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng những tấm ảnh đã được can thiệp công nghệ chỉnh ảnh hay chưa.
Tháng 1/2024, Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website.
Trước đó, trả lời Tri thức - Znews, Sở Y tế TP.HCM khẳng định bán thuốc qua hình thức livestream là vi phạm pháp luật, bởi việc kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận.
Dù biết đây là những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhiều người vẫn mua vì tin vào công dụng giảm cân cấp tốc.
Cả Trúc Thanh và Thanh Hiền đều thừa nhận việc họ “sập bẫy” loại thuốc này là vì sự ám ảnh về cân nặng và những tiêu chuẩn sắc đẹp vô hình tại nơi làm việc.
“Thật ra, tôi giảm cân vì muốn có thêm cơ hội thăng tiến trong cuộc sống lẫn công việc. Tôi đang làm trong môi trường yêu cầu cao về vẻ bề ngoài nên việc giữ ngoại hình cân đối là điều kiện bắt buộc”, Thanh nói thêm.
Nỗi ám ảnh ngoại hình của giới trẻ Hàn Quốc được cho là ảnh hưởng từ định kiến xã hội và các show truyền hình thực tế. Ảnh: Vulture. |
Không chỉ ở Việt Nam, áp lực ngoại hình cũng là vấn đề phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Thậm chí, tại xứ sở kim chi, sự tích cực, đa dạng về cơ thể thực tế không tồn tại ở đây.
Yoo Hyun-jae, nhà nghiên cứu văn hóa thiếu niên tại Đại học Sogang ở Seoul, cho biết giới trẻ xứ củ sâm luôn bị áp lực phải trông đẹp nhất ở nơi công cộng, bất kể trên mạng hay ngoài đời thực.
Theo ông Yoo, dường như chỉ ở Hàn Quốc, một công ty bán sản phẩm dành cho người ăn kiêng mới có thể dán những tấm áp phích kêu gọi khách hàng "xem lại bỏng ngô của bạn" trong các rạp chiếu phim.
Các bác sĩ thẩm mỹ xuất hiện trong những biển quảng cáo ở ga tàu điện ngầm để liên tục nhắc nhở những người qua đường rằng họ chưa đủ đẹp.
Còn theo Ellie Goodwin, giáo viên đã giảng dạy tại các trường học trên khắp Trung Quốc và hiện làm việc tại Gwangju (Hàn Quốc), tiêu chuẩn sắc đẹp ở đâu cũng có, không chỉ tồn tại ở riêng Hàn Quốc. Các quốc gia và nền văn hóa khác nhau có bộ tiêu chí riêng để xác định điều gì được và không được "mong muốn".
Các chuyên gia y tế cảnh báo việc giảm cân trong thời gian ngắn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Một nghiên cứu của ngân hàng Barclays ước tính trong vòng một thập kỷ tới, ngành công nghiệp thuốc giảm cân toàn cầu có thể trị giá đến 200 tỷ USD.
Theo Healthline, các loại thuốc giảm cân có xu hướng hoạt động thông qua một hoặc nhiều cơ chế sau:
- Giảm cảm giác thèm ăn, khiến người dùng cảm thấy no hơn, do đó họ ăn ít calo hơn
- Giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng, chẳng hạn chất béo
- Tăng đốt cháy chất béo, giúp đốt cháy nhiều calo hơn
Khi dùng các loại thuốc này, người sử dụng cần thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tránh rủi ro tiềm ẩn.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.