Theo Healthline, ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó, cơ thể ngưng thở hơn 10 giây hay giảm không khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Kèm theo OSA là triệu chứng ngủ ngáy, ngủ ngày quá mức. |
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị ngưng thở khi ngủ ở mức độ nào đó. Chứng bệnh này phổ biến ở nam giới hơn nữ. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, hen xuyễn, tiểu đường, đột quỵ, đột tử trong đêm… |
Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine cho thấy ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn lên gấp 2 hoặc 3 lần. Năm 2007, một nghiên cứu khác của Đại học Yale, Mỹ cảnh báo OSA có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc tử vong lên 30% trong khoảng từ 4-5 năm. |
Ở những người bị hội chứng OSA, trong giấc ngủ các thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở. Sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh làm thu hẹp kích thước của đường hô hấp trên. Khi đó, một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp bị tắc nghẽn lưu lượng khí, kết khí. Đồng thời, tín hiệu thần kinh đến các cơ quan hô hấp trong lúc ngủ cũng giảm và gây ra hiện tượng ngưng thở. |
Bên cạnh nguyên nhân, những nhóm người sau có nguy cơ mắc chứng ngưng thở cao hơn: Thừa cân - béo phì (đây là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất); bất thường cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp trên; di truyền; bị sung huyết mũi, tiểu đường, mãn kinh, sử dụng chất kích thích... |
Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: Ngủ ngáy, mệt mỏi cả ngày, buồn ngủ vào ban ngày, thức dậy cảm thấy đau đầu... |
Bệnh nhân có thể khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách: Giảm cân; bỏ hút thuốc, tránh rượu bia và các chất kích thích; tránh sử dụng thuốc an thần; tập thể dục thường xuyên; thay đổi tư thế ngủ. |