Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Sau 2021 nhiều biến động, ta mong được gì trong năm mới?

Thời điểm năm mới cận kề, cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường mới là cơ hội để chúng ta nhìn lại nhiều biến động đã qua và nhận ra những giá trị quan trọng quanh mình.


Thời điểm năm mới cận kề, cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường mới là cơ hội để chúng ta nhìn lại nhiều biến động đã qua và nhận ra những giá trị quan trọng quanh mình.

Cuối tháng 4/2021, làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Đến nay, đây là đợt dịch kéo dài nhất, có sức tàn phá nguy hiểm nhất và để lại dư chấn mạnh mẽ.

Học sinh, sinh viên dừng đến trường, quãng thời gian học và làm việc tại nhà tính bằng tháng, công việc đời thường như đi chợ, tập thể dục cũng trở nên khó khăn, những cửa hàng mọi ngày đông đúc đóng cửa im lìm trên phố vắng. 2021 là một năm đầy biến động, với tất cả chúng ta.

An Trà (25 tuổi, Hà Nội) vốn chỉ lên kế hoạch đi công tác tại TP.HCM trong 3 tháng, cô không thể ngờ đợt bùng phát dịch cuối tháng 4 khiến lệnh giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng trên toàn quốc, trong đó TP.HCM trở thành “điểm nóng” nhất của cả nước.

“TP.HCM trong mắt tôi luôn sôi động, nhộn nhịp và hối hả, chẳng thể tưởng tượng lại có lúc vắng lặng, đìu hiu như vậy suốt gần 5 tháng giãn cách. Tôi mắc kẹt tại đây đúng nghĩa. Mấy tháng quanh quẩn trong phòng trọ, thấp thỏm không yên nhưng tôi chỉ biết tự động viên mình hay dặn dò, trấn an bố mẹ qua màn hình điện thoại”, Trà kể lại.

Khác với Trà, Thế Hùng (28 tuổi, Bình Định) đã có gần 10 năm học tập và làm việc tại thành phố đông dân nhất cả nước, quen với cảnh tự lập xa nhà xa quê. Tuy nhiên, cuộc sống hoàn toàn đảo lộn sau lần thứ hai giãn cách xã hội diện rộng. Thu nhập chỉ còn một nửa do công ty cắt giảm lương, mấy tháng trời bị “trói chặt" trong 4 bức tường. Không bạn bè, không người thân, người duy nhất Hùng tiếp xúc là bác tổ trưởng khu dân phố đi chợ hộ.

Hùng chia sẻ: “Tôi bật YouTube tự tập ở nhà khi không được đến phòng gym, sáng ngủ dậy tự pha cà phê trước giờ làm việc thay vì vào quán. Tôi cố gắng tự giác, sinh hoạt thật kỷ luật để giữ sức khỏe và tinh thần tích cực, nhưng nhiều lúc vẫn nhớ những ngày được cười đùa rôm rả khi gặp gỡ bạn bè, nhớ những bữa trưa vui vẻ bên cạnh đồng nghiệp và cả bao kế hoạch du lịch còn đang dang dở”.

uoc nguyen nam moi,  2022 anh 1

Dù phải thay đổi hoàn cảnh sống, Trà và Hùng vẫn còn may mắn vì có công việc để làm, duy trì một phần thu nhập trang trải cuộc sống. Khi dịch bệnh ập đến, không ít doanh nghiệp lớn nhỏ rơi vào cảnh điêu đứng, phải tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí phá sản.

Theo nghiên cứu chung của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong quý II, tỷ lệ lao động mất việc nhưng không thể tìm việc mới ở Việt Nam là 90%, cao nhất Đông Nam Á. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong quý III, 4,4% người lao động được tuyển dụng chính thức đã bị mất việc làm, tương ứng 1,8 triệu người mất việc, tăng hơn 700.000 người so với quý II và 620.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Khoảng 90% đã ra khỏi lực lượng lao động và 9% trở thành người thất nghiệp sau khi đăng ký hưởng chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Những con số trên đã phản ánh bức tranh lao động ảm đạm trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Thu nhập bấp bênh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của không ít người.

Tuy nhiên, hoàn cảnh có thể thích nghi, công việc có thể khởi động lại, vấn đề nghiêm trọng nhất mà mỗi chúng ta phải đối mặt trong thời dịch là sức khỏe chịu tác động tiêu cực.

Không ít người phải trải qua nỗi đau về thể xác hay tâm lý sợ hãi khi trở thành F0, cố gắng điều hòa nhịp thở mỗi ngày hay ăn cho đủ bữa dù đã hoàn toàn mất vị giác. Có người lo lắng mình sẽ trở thành mầm lây nhiễm bệnh cho gia đình và những người yêu thương xung quanh. Hay khi sống bí bách trong 4 bức tường một thời gian dài, ngay cả những người trẻ cũng khó tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, sang chấn tâm lý hay thậm chí trầm cảm.

Tháng 10, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương 1 công bố số liệu trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm trên thế giới là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%. Nỗi lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cảm giác sợ hãi dịch bệnh hay sự cô đơn khi phải một mình đương đầu khó khăn đã trở thành những con “virus” vô hình tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và bản lĩnh vững vàng của mỗi người.

Những thay đổi về hoàn cảnh, giảm sút thu nhập hay sức khỏe là nốt trầm khó quên trong năm 2021. Hóa ra việc gặp mặt bạn bè, được nắm tay người thương, ăn bữa cơm cùng gia đình cũng có lúc trở nên khó khăn đến thế. Có người chỉ cách nhà vài cây số, biết tin bố ốm cũng không thể chạy về. Có người suốt nhiều tháng liền chỉ có thể nhìn mặt người thân qua màn hình điện thoại. Có người xung phong đi tình nguyện hỗ trợ chống dịch, nhưng trong lòng chưa bao giờ thôi nhớ về bữa cơm nhà. Những kế hoạch hội ngộ và cả dự định tổ chức ngày trọng đại cũng đành xếp gọn vào một góc, đợi đến khi mọi thứ trở lại bình thường.

Mỗi người đều chịu ít nhiều mất mát, nhưng ai cũng đau đáu một nỗi niềm: Chờ đợi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ và cố gắng giữ gìn sức khỏe để gặp lại người thân yêu.

Năm 2021 đang lùi về những ngày cuối cùng. Khi vaccine được phủ diện rộng trên cả nước, cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại với người dân. Các con đường, ngõ phố về với dáng vẻ sôi động, nhân viên được trở lại văn phòng, những chuyến bay chở ước mơ và đam mê xê dịch lại cất cánh trên đường băng. Ngay nội tại bản thân, chúng ta cũng dần khôi phục trạng thái cân bằng và nhìn thấu lòng mình, nhận ra điều gì là quan trọng nhất sau tất cả.

Trải qua những biến động khó lường, hẳn ai cũng nhận ra tiền bạc, vật chất không thể giúp con người tự do đi lại trong thời gian giãn cách. Quần áo đẹp, trang sức hay những lớp trang điểm liệu còn quan trọng khi chúng ta chỉ quanh quẩn trong nhà? Cuối cùng, sau những ngày tháng chiến đấu với dịch bệnh, mong cầu cho năm mới cũng trở nên đơn giản hơn nhiều. Chúng ta mong lại có thể nắm tay người thương đi dạo phố, được ôm vào lòng mấy đứa cháu đã lâu không gặp, cùng bạn bè “lê la” quán xá hay bên gia đình thưởng thức bữa cơm ấm nóng tình thân. Điều quan trọng hơn tất thảy là chúng ta còn được sum vầy bên nhau và thấy những người thân yêu bình an, mạnh khỏe.

Qua sự tàn phá của cơn bão Covid-19, chúng ta nhận ra sức khỏe cả về thể lực và tinh thần là tài sản quý giá nhất mà mỗi người cần trân trọng. Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, ý thức sạch khuẩn là sự bảo vệ quan trọng cho bản thân và những người xung quanh. Song song đó, tinh thần lạc quan, vững vàng trong những ngày u ám sẽ giúp mỗi người xua tan “virus” lo âu, sợ hãi.

Năm 2022, chẳng còn những mơ ước cao sang xa vời, chúng ta chỉ mong bản thân được tiếp tục hít thở và sống như nếp sinh hoạt thường nhật. Hạnh phúc, bình yên chẳng ở đâu xa mà nằm ngay trong mỗi người. Chỉ cần trái tim còn đập, nụ cười còn nở trên môi và tinh thần còn tiếp tục hướng về phía trước.

“Tôi từng xem một hình ảnh rất ấn tượng: Chúng ta ai cũng mong ước trong tài khoản của mình có 100 tỷ. Số 1 tượng trưng cho sức khỏe, những số 0 còn lại sẽ là tình duyên, tiền tài, vật chất, địa vị, quyền lực, bạn bè… Nhưng nếu không có số 1 đầu tiên nghĩa là không có sức khỏe, mọi số 0 đằng sau đều chẳng còn ý nghĩa. Qua một năm đại dịch, việc giữ gìn cơ thể sạch khuẩn, bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng nhất, là thứ chúng ta cần quan tâm, đầu tư và đặt lên hàng đầu. Chỉ khi có sức khỏe, chúng ta mới có thể mơ đến những hạnh phúc xa hơn”. Đó là kết luận của An Trà sau khi trở về Hà Nội, đoàn tụ gia đình sau hơn nửa năm xa nhà.

Còn bạn, bạn mong đợi điều gì nhất trong năm mới, sau tất cả thăng trầm của năm 2021 sắp đi qua?

uoc nguyen nam moi,  2022 anh 2
uoc nguyen nam moi,  2022 anh 3

“Mỗi năm, cứ tới giao thừa

Mong cầu nhiều điều khác xưa

Tết nay chỉ ước nguyện rằng

Bình an, sạch khuẩn, được về nhà”.

Nếu mong muốn những ước nguyện này được hiện thực hóa trong năm 2022, bạn có thể đón chờ câu trả lời vào ngày 1/1/2022 trên kênh YouTube.

Giang Nhật Minh

Ảnh: Nhóm PV Zing
Đồ họa: Hoài Trần

Bình luận

Bạn có thể quan tâm