![]() |
Thời gian nghỉ hè hàng năm của nhà giáo tối đa là 8 tuần, nhưng theo dự thảo Luật Nhà giáo, quy định cứng “tối đa 8 tuần” đã không còn. Ảnh: Hoàng Hà/VietNamNet. |
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, Luật Nhà giáo được xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp này.
Một trong những điểm mới ở bản dự thảo trình Quốc hội lần này so với dự thảo trước đây là quy định về thời gian nghỉ hè dành cho giáo viên.
Nếu như trong các dự thảo trước, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên được ấn định tối đa là 8 tuần, ở bản trình Quốc hội lần này, quy định có thay đổi.
Cụ thể, ở khoản 3 Điều 18 về chế độ làm việc của nhà giáo trong bản dự thảo đang trình Quốc hội nêu: “Thời gian nghỉ hè hàng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ”.
Trong phiên bản cũ quy định: “Thời gian nghỉ hè hàng năm của nhà giáo tối đa là 8 tuần và được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục”.
Như vậy, quy định cứng “tối đa 8 tuần” đã không còn. Việc điều chỉnh này nhằm tránh chồng chéo với Luật Giáo dục.
Hiện nay, thời gian nghỉ hè của giáo viên được thực hiện theo Thông tư 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 22/4.
Theo thông tư, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm.
Thời gian nghỉ hè của giáo viên trường trung cấp, giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần. Thời gian nghỉ hè của giảng viên đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở.
Thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó được bố trí linh hoạt trong năm học và trong giai đoạn nghỉ hè của giáo viên, nhằm duy trì hoạt động bình thường của nhà trường và kịp thời thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan quản lý cấp trên triệu tập (nếu có). Lịch nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó phải được báo cáo với cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc theo phân cấp.
Về dự thảo Luật Nhà giáo, trong chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng ngày 6/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý một số nội dung.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.