Theo khảo sát do tờ Straits Times và công ty nghiên cứu Nexus Link hợp tác tiến hành, 7/10 phụ huynh ở Singapore cho con học với gia sư. Nhiều giáo viên giỏi kiếm hàng triệu USD từ công việc này.
Phóng viên Judith Tan trao đổi với thầy Anthony Fok dạy Kinh tế học và cô Janice Chuah dạy Toán tiểu học.
Anthony Fok đang điều hành Trung tâm Gia sư JC 2 Economics với mức thu nhập lên đến một triệu SGD. Ảnh: The New Paper. |
Anthony Fok, 31 tuổi, giảng dạy tại Trung tâm JC 2 Economics. Các lớp của thầy đã kín lịch từ tháng 3. Phụ huynh phải chấp nhận gia sư khác nếu không muốn chờ đến năm sau.
Thầy Fok cho biết, nhiều sinh viên nài nỉ, thậm chí van xin, nhưng thầy không bổ sung ai vào danh sách chờ học vốn đã rất dài. Hiện nay, thầy chỉ đứng lớp tại các chi nhánh của Trung tâm JC tại Bukit Timah và Tampines.
Hàng tuần, Anthony Fok dạy các lớp Kinh tế học từ thứ năm đến chủ nhật, mỗi lớp có khoảng 20 - 40 sinh viên. Học phí 380 SGD/4 buổi (khoảng 6 triệu đồng). Mỗi buổi kéo dài 90 phút.
"Siêu gia sư" không tiết lộ chính xác số lớp đang dạy nhưng Trung tâm JC của thầy phải đăng ký nộp thuế hàng hóa và dịch vụ, nghĩa là thu nhập của họ đạt mức một triệu SGD (khoảng 15,8 tỷ đồng).
Từ tháng 7/2015, Anthony Fok giảm bớt số lớp để theo học chương trình tiến sĩ. Ngoài các buổi giảng trên lớp, thầy cũng cho học sinh số điện thoại. Họ có thể gọi hoặc nhắn tin, hỏi thầy mọi vấn đề liên quan Kinh tế học.
"Thỉnh thoảng, tôi chấm bài luận hộ các em. Là gia sư, tôi đóng vai trò người cố vấn 24/7 của học sinh", thầy nói.
Anthony Fok nổi tiếng từ tháng 6/2008 sau khi được đánh giá là một trong 5 "siêu gia sư" hàng đầu tại Singapore. Năm 2004, thầy mở Trung tâm Gia sư Xue Hai và chỉ có 25 học sinh. Sau đó, số lượng người theo học tăng lên 600.
Năm 2007, Fok nhượng lại trung tâm, chuyển sang làm việc toàn thời gian tại trường Trung học cơ sở Hong Kah. Thầy dạy môn Nguyên tắc Toán học và Tài khoản.
5 năm sau, thầy trở lại với công việc gia sư. Năm 2012, Fok lập trang web gia sư JCEconomics.com.
"Học sinh thích học vì tôi không chỉ dạy những thứ cơ bản như ở trường. Tôi gắn lý thuyết kinh tế học với các câu chuyện thường ngày để các em hiểu hơn về thế giới thực và đạt điểm cao khi thi cử", thầy nói.
Nhiều phụ huynh muốn nộp mức phí cao hơn, hy vọng thầy nhận thêm con họ. Một phụ nữ giàu có thậm chí đề nghị trả 20.000 SGD (khoảng 316,6 triệu đồng) để nhờ thầy ôn thi cho con cô ta trong một tháng trước khi thi và đảm bảo đạt điểm A. Tuy nhiên, Fok từ chối.
Mặc dù là gia sư uy tín và có thu nhập "khủng", Anthony Fok không thừa nhận danh hiệu "siêu gia sư" mà báo chí và các phụ huynh đặt cho mình.
"Tôi luôn cho rằng, việc học thêm chỉ để bổ sung kiến thức cho học sinh chứ không phải phần không thể thiếu. Nó không phải con đường chắc chắn để thành công nhưng các bậc cha mẹ vẫn xem nó như phương tiện cần thiết, tạo ra sự khác biệt lớn, giúp con họ dẫn đầu trong học tập", thầy nói.
Fok không phủ nhận đây là con đường có lợi đối với thầy. Tuy nhiên, tiền bạc không phải mục đích chính. Fok muốn nỗ lực để giúp học sinh đạt kết quả cao. Ngày nay, nhiều phụ huynh cũng không quan tâm đến học phí. Họ chỉ để ý đến trình độ của gia sư.
Janice Chuah, một gia sư khác, cũng khẳng định cô dạy thêm vì tình yêu với nghề giáo chứ không vì tiền.
Janice Chuah mở Trung tâm Concept Math nhằm dạy học sinh tiểu học các kiến thức Toán học cơ bản. Ảnh: The New Paper. |
Năm 2009, sau khi nghỉ việc tại trường tiểu học, Chuah mở lớp dạy thêm để kiếm tiền nuôi gia đình. Ban đầu, cô chỉ dạy 5 học sinh. Đến nay, Janice Chuah điều hành Trung tâm Gia sư Concept Math với 600 học sinh, được chia làm 70 lớp.
Mức học phí trung bình là 32 SGD/giờ (khoảng 506.000 đồng). Mỗi buổi học kéo dài 90 phút, trừ học sinh lớp 6 học trong hai tiếng.
Cô không tiết lộ thu nhập của bản thân nhưng thừa nhận đây là công việc mang lại doanh thu lớn.
Janice Chuah cho biết, cô thành công nhờ đam mê chứ không nhờ khiếu kinh doanh vì cô hoàn toàn không có năng lực của một doanh nhân.
Nhiều phụ huynh biết đến Concept Math thông qua chia sẻ của các bậc cha mẹ khác. Hiện tại, họ phải đăng ký trước một năm nếu muốn con họ theo học với Chuah.
Một số người muốn chen lên trong danh sách chờ. Họ liên tục gọi điện lên Trung tâm. Một số người khác sẵn sàng trả học phí cho cả năm học để đảm bảo chắc chắn con họ có suất trong lớp.
Khi được hỏi đánh giá của cô về việc nhiều giáo viên bỏ nghề, chuyển sang làm gia sư, Chuah khẳng định, phần lớn trong số họ làm vậy không phải vì tiền.
Cô thừa nhận những gia sư vô trách nhiệm cùng các báo cáo về thu nhập của người làm ngành này khiến nhiều người ác cảm và đánh giá sai về gia sư. Mục đích của cô là truyền đạt kiến thức cho học sinh, giúp các em chuẩn bị cho tương lai.
Janice Chuah nói thêm: "Tôi dù phá sản cũng không để học sinh tụt lại phía sau. Tôi không cần kiếm nhiều tiền. Tôi nhận ra giá trị của bản thân khi các em tin tưởng và cảm thấy biết ơn tôi".