Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu nỏ thủ 25 tuổi xứ Mường

Ở Thanh Hoá, một nỏ thủ tuổi 25, đã vượt qua tất cả ná thủ lừng lẫy một thời để trở thành người bắn nỏ giỏi nhất xứ Mường.

Siêu nỏ thủ 25 tuổi xứ Mường

Ở Thanh Hoá, một nỏ thủ tuổi 25, đã vượt qua tất cả ná thủ lừng lẫy một thời để trở thành người bắn nỏ giỏi nhất xứ Mường.

Từ suối cá thần ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, đi ngược chừng hơn trăm bước chân dẫn vào một con ngõ nhỏ hơi dốc là đến ngôi nhà xinh xắn của nỏ thủ giỏi nhất xứ Mường Phạm Văn Hiếu. Hiếu sinh năm 1988, da trắng dáng cao trông thư sinh. Nhưng ai ngờ, chàng trai ấy lại có năng khiếu "bắn trăm phát trúng trăm" khiến cả những cao thủ cung, nỏ cũng phải kiêng nể.

 

 Hiếu mới ở tuổi 25 nhưng thành ná thủ giỏi nhất xứ Mường.

Hổ phụ sinh hổ tử

Ở xứ Mường Cẩm Lương, người ta bảo Hiếu giỏi như vậy là do được tổ tiên phù hộ, là cái phúc đức nối dòng mà bố Hiếu truyền lại. Bố của Hiếu, ông Phạm Văn Huy, cũng là nỏ thủ nổi tiếng khắp xứ Mường, tên tuổi đi trước dáng hình. Người chưa bao giờ diện kiến ông Huy, nhưng nghe tên ông thì họ biết đấy là người bắn nỏ danh bất hư truyền của dân tộc mình.

Ông Huy khiêm tốn bảo: "Ngày trước, ở xứ Mường rừng núi bạt ngàn, nhà sát mấy khu rừng rậm rịt cây cổ thụ và thú quý. Hổ, báo, nai, hoẵng và chim chóc nhiều như lá rừng. Chẳng phải kỳ công luyện bắn thì cũng bắt được con thú, bắn trúng con chim. Nhưng người bắn giỏi cũng phải có chút năng khiếu, con mắt phải tinh, con tim phải đập đúng nhịp, tay chân không run, hơi thở phải đều thì cái tên bắn ra mới trúng đích".

 

 Luyện tập cách xa đích 20m.

"Trong mỗi cuộc thi bắn nỏ, mỗi nỏ thủ chỉ được bắn 10 tên, chia ra làm 2 lần: Đứng bắn và quỳ bắn. Điểm đứng bắn đến tim đích là 20m. Điểm tối đa cho mỗi người thi là 100. Thành tích cao nhất của tôi là đạt được 94 điểm, đó cũng là con số cao nhất từ trước tới nay", nỏ thủ Phạm Văn Hiếu

Anh em và bạn bè đồng trang lứa với ông Huy, tất thảy đều là nỏ thủ thiện xạ. Từ cụ già râu tóc bạc phơ, đến những trung niên, đàn ông đàn bà đều giỏi bắn nỏ. Họ dựa vào nỏ để cải thiện đời sống, con cá dưới nước, con chim trên trời nếu họ muốn bắt thì cứ mang nỏ ra, lắp tên vào mà ngắm bắn. Quả nói không ngoa, họ bắt chim trời dễ như thò tay vào lồng, cá dưới suối bắt dễ như trong chậu.

Luyện bắn sóc rừng

Ấy thế nhưng bây giờ, người bắn giỏi chỉ còn có Hiếu. Hiếu được thừa hưởng phần ưu việt từ người cha tài ba. Hổ phụ sinh hổ tử, nên nghiễm nhiên Hiếu được cái vinh dự đại diện cho xứ Mường đi khắp nơi thi thố. Sẵn có tài, lại được rèn giũa cẩn thận từ người cha nên Hiếu luôn giành phần thắng.

Để có được cái tài bắn nỏ trăm phát trúng trăm, Hiếu được cha luyện tập bằng những "giáo án" vô tiền khoáng hậu. Khi còn rất nhỏ, Hiếu được cha và những bậc thầy về nỏ chỉ dạy cách luyện thở theo nhịp, lớn lên tí nữa thì cho theo trong những chuyến săn thú rừng. Hiếu bảo: "Luyện cách thở rất quan trọng với những xạ thủ chuyên nghiệp. Nếu hơi thở kém, mạnh quá hoặc nhẹ quá cũng không ổn, nhưng bình thường mà không có độ lắng cũng hỏng việc. Mình phải luyện cách thở đều, sau đó nín lặng trong vòng một phút và ngắm bắn thì mới chuẩn".

 

 Để bắn trúng tim đích là không đơn giản.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng cách luyện thở rất khó. Thông thường, các nỏ thủ đều có thể nín thở trong vòng một phút, nhưng rồi đỏ mặt tía tai vì mệt do thiếu oxy. Hiếu lại khác, ngay cả khi mũi tên đã trúng đích thì cậu vẫn nín thở. Không biết quan niệm có đúng hay không, nhưng những người bắn nỏ giỏi thường bảo, hơi thở quyết định đường đi của mũi tên.

Và một trong những kiểu luyện bắn thuộc hàng kinh điển mà Hiếu được trải qua là luyện bắn sóc rừng. Sóc nhảy nhót trên cây, Hiếu phải tính tốc độ đường đi và ngắm bắn sao cho mũi tên trúng giữa con sóc. Cách bắn này, trong lịch sử nhân loại mới chỉ ghi nhận những cung thủ đế chế Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn. Luyện tập ngược từ khó đến dễ nên trong các chuyến săn thú rừng, những con rắn hổ mang luôn là mục tiêu ngắm bắn của Hiếu và các nỏ thủ khác. Trải qua hàng trăm cuộc thi bắn nỏ lớn nhỏ, lần nào Hiếu cũng giành chiến thắng, những bằng khen của các tỉnh thành, đơn vị được Hiếu treo khắp nhà. Năm vừa rồi, Hiếu cũng đại diện cho huyện Cẩm Thuỷ dự thi và dễ dàng đem về giải nhất.

Làng chế nỏ

Ngoài danh phận là một ná thủ, Hiếu còn đa mang nghề chế tác nỏ. Hiếu bảo: "Bắn nỏ thì phải hiểu nỏ mới có ý nghĩa. Mình chế tác nỏ không phải với mục đích kiếm tiền, mà đơn giản là một cách để bảo tồn nỏ của người Mường". Hiếu cho hay, nỏ phải được làm ra từ gỗ nghiến mới đạt chuẩn. Sau đó, người thợ phải hoàn toàn đẽo đục bằng tay và uốn gỗ sao cho độ đàn hồi ở mức độ dẻo dai nhất. Dây để làm nỏ lại được chọn từ vỏ cây gai, lẫy nỏ được chế tác từ các chất liệu từ sừng hoặc xương trâu bò.

 

 Hiếu đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi toàn quốc.

Hiếu thành thật: "Những chiếc nỏ được treo bán ở suối cá thần chỉ có giá 100.000 đồng, nỏ đấy cũng không thể bắn được mà chỉ để treo tượng trưng". Lý do mà Hiếu đưa ra rất đơn giản, nỏ ấy làm bằng công nghệ máy móc, không đạt chuẩn để không gây nguy hiểm cho người khác, chỉ cần kéo dây là nỏ tự gẫy. Gia đình Hiếu có 4 người làm nỏ, mỗi tháng ước chừng hoàn thành 120 chiếc.

Còn nỏ "xịn" để bắn và để đi thi thì kỳ công vô cùng, phải chọn gỗ, bện dây gai... phải chuẩn đến từng chi tiết. Làm được chiếc nỏ như vậy phải mất cả tháng, nếu bán ra cũng thu về từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc. Hiếu cho biết: "Ở đây thì cả làng làm nỏ, thành lập được cả Câu lạc bộ làm và bắn nỏ lên tới trên 30 thành viên. Nghề này có từ lâu đời rồi".

Ngoài làm nỏ, Hiếu và những người trong làng còn làm nhà sàn mini bằng tăm tre hoặc bằng những nan tre nhỏ. Những mõ trâu, chuồn chuồn tre, sáo, nhị, đàn cò... cũng được người dân Cẩm Lương sản xuất như một thứ nghề đặc biệt gắn liền với truyền thống và sự kỳ bí của suối cá thần nức tiếng gần xa.

Theo Kiến Thức

 

Theo Kiến Thức

Bạn có thể quan tâm