Sinh viên học đạo diễn: con nhà giàu cũng khổ
Đổ tiền tỉ ra làm một bộ phim, tưởng tượng cảnh được các em chân dài xin "lên giường"... nhưng dường như con đường đi đến thành công của các bạn trẻ học nghề đạo diễn rất gian nan và bạc bẽo.
>> Nữ sinh chân dài trường nghệ thuật sống nhờ đại gia
>> Sinh viên làm phim vật vã với 'cảnh nóng'
Nghề của sinh viên có tiền
Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng. Với nghề đạo diễn, chủ yếu bạn phải tự học, tự quan sát những vấn đề, mọi thứ diễn ra xung quanh. Chính vì vậy, nó cũng đòi hỏi bạn phải hiểu biết nhiều kiến thức ở mọi lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Không chỉ có vậy, bạn phải luôn tìm ra các ý tưởng, khai thác khía cạnh mới để bộ phim của mình trở nên lạ lẫm hơn, tránh sự nhàm chán và bị chê là nhạt nhẽo.
Với môi trường khắc nghiệt, luôn đào thải những ai không đủ khả năng đi tiếp trong cuộc hành trình đến với thành công. Rất nhiều bạn sau khi thi vào trường học được một thời gian đành phải nghỉ. Người thì do điều kiện kinh tế, người thì do không đủ khả năng để theo học tiếp, cũng có người thì lại quá mải chơi nên dẫn đến việc không chú tâm vào học hành. Năm nào cũng vậy, cứ khóa mới vào nhập học thì các lớp khóa trước lại “rụng” mất vài người. Tình trạng bị “đúp” cũng khá nhiều, chủ yếu là các môn cơ bản như triết học, thể dục, tư tưởng….
Bởi nếu xác định theo đuổi nghề đạo diễn thì đầu tiên bạn phải có chút “vốn” để phục vụ cho quá trình học tập. Để làm được một bộ phim không hề dễ dàng, nhất là với các bạn sinh viên đang theo học. Làm phim luôn kéo theo những thứ như sản xuất, thuê diễn viên, lên lịch quay, thuê thiết bị, đạo cụ, lấy bối cảnh… Và những chi phí như vậy phần lớn là các bạn đều phải xin gia đình, còn lại là tự tích góp hoặc phải chạy khắp nơi xin tài trợ thiết bị.
Bạn Nguyễn Đức Nguyên - hiện đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Đạo diễn trường ĐH SKĐA Hà Nội cho biết: “Mỗi năm trung bình thầy giáo giao cho bọn em 1-2 bài, nếu làm chơi bời thì mất tầm mấy trăm nghìn cũng xong, nhưng ít ai làm kiểu đấy. Còn nếu muốn hay, đẹp thì phải chịu khó đầu tư thiết bị, diễn viên và tất nhiên sẽ mất nhiều tiền hơn. Mỗi bộ phim như vậy trung bình bọn em mất khoảng 10 triệu đồng”.
Để có thể làm được một tác phẩm ấn tượng, nhiều bạn sẵn sàng bỏ ra khoản tiền không nhỏ phục vụ cho học tập. Hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH SKĐA Hà Nội), bạn Trần Thanh Bình cho biết: “Em đang làm một bộ phim dài khoảng 30 phút, dự tính sẽ hết gần 40 triệu. Em còn đang chuẩn bị tiền để năm sau tốt nghiệp, cũng mất khoảng trăm triệu nữa”.
Nhiều bạn còn cho biết khi làm phim thì có nhiều cái “ảo”, chẳng hạn có những bộ phim chỉ kéo dài 5 phút nhưng chi phí lên tới hơn 10 triệu đồng. Lại có những bộ phim kéo dài 20 phút nhưng lại tốn ít hơn, không thể đoán trước được.
Hiện đang theo học năm cuối trường ĐH SKĐA Hà Nội, cậu sinh viên Nguyễn Đức Trung tiết lộ: “Để làm được một bộ phim chất lượng phải phụ thuộc vào 4 yếu tố: Đầu tiên là tay nghề của đạo diễn, sau đó là sắp đặt ánh sáng nhanh, tiếp theo là phải sở hữu dàn diễn viên tốt, và cuối cùng là giờ giấc của đoàn làm phim, vì có khi hẹn 7h nhưng 10h đoàn mới tới. Nên theo kinh nghiệm của các bạn, nếu 7h mà muốn bắt đầu quay thì phải hẹn cả đoàn là 5h, chỉ có thế thì họ mới đến đúng giờ”.
Đam mê nhưng không phải bạn nào cũng theo được nghề. |
Bỏ tiền, bỏ công sức làm ra phim là một chuyện, nhưng với một số bạn trẻ, do sự sơ suất hoặc do cách nhìn chưa phù hợp với đời sống văn hóa Việt Nam thì đôi khi lại dẫn đến tình trạng tự mình làm khổ mình. Như bạn Phạm Trung ở ĐH SKĐA TP.HCM là một ví dụ. Trung đã bị nhà trường kỷ luật vì bài tập nói về chủ đề "thủ dâm" với những cảnh quay bị dư luận đánh giá là như phim sex.
Phần lớn các bạn đến với nghề này là do yêu thích, nhưng cũng có nhiều bạn chủ yếu là do bố mẹ ép học để lấy cái bằng. Lạ một điều là tuy học nghề đạo diễn tốn rất nhiều tiền nhưng số lượng các bạn ngoại tỉnh theo học chiếm khá đông. Theo chia sẻ, thì các bạn chủ yếu là con của các vị “sếp”, toàn các quan to có tiếng ở tỉnh nên kinh phí gia đình chu cấp hết, không phải suy nghĩ nhiều. Cũng vì thế mà nhiều bạn lên học chỉ lo ăn chơi, chểnh mảng học hành, để rồi lao vào các tệ nạn xã hội.
Bỏ tiền tỉ nuôi ước mơ
Có thể nói nghề đạo diễn khá là “bạc” đối với những ai không thực sự tài giỏi. Bởi sau khi đầu tư thời gian, công sức, tiền của trong suốt mấy năm trời để rồi nhiều người sau khi tốt nghiệp thì lại không biết làm gì. Có người thì làm tự do, họ tự học hỏi rồi xin vào chân lon ton cho các đoàn phim, biết đâu có ngày lên trợ lý, đạo diễn. Có người thì chuyển sang làm quay phim hoặc thậm chí còn có người bỏ luôn nghề, đi làm kinh doanh. Còn đối với những ai tài giỏi thì cơ hội nhiều hơn một chút, người thì về đài truyền hình, người thì về xưởng phim hay tự bỏ tiền để làm phim trình chiếu cho khán giả.
Tuấn “June” (Nguyễn Hữu Tuấn) là một trường hợp. 2 năm trước, anh đã thực hiện bộ phim Dành cho tháng sáu. Được biết, để làm bộ phim dài 90 phút như vậy, Tuấn “June” đã phải đầu tư vài tỉ đồng và đến tận tháng 5 năm nay, bộ phim mới được xuất hiện rầm rộ tại các rạp chiếu phim và cũng đã có sức hút nhất định trong giới trẻ. Dù là muộn nhưng có lẽ điều đó cũng giúp chàng trai trẻ có thêm động lực để thực hiện các tác phẩm như mình mơ ước.
Hình ảnh trong tác phẩm Dành cho tháng sáu của Tuấn "June" |
Với sinh viên theo nghề đạo diễn, thì các bạn một giấc mơ về “đặc quyền” của một đạo diễn khi đã thành công. Đó là thường xuyên cặp kè với các cô diễn viên, người mẫu nếu họ muốn được diễn vai chính trong bộ phim. Bạn Vũ Minh Nhật - đang là sinh viên năm thứ 3 (ĐH SKĐA HN) cho biết: “Điều đó rất hấp dẫn. Chỉ cần mình là đạo diễn giỏi, bộ phim của mình cũng phải hay và có sức cuốn hút khán giả thì khi viết xong kịch bản là có đầy cô muốn xin làm diễn viên chính. Và đương nhiên, họ phải trả bằng cái giá nào đó. Cứ như một số đạo diễn hiện nay được cặp kè với rất nhiều diễn viên xinh đẹp”.
Tuy nhiên, dù cho bao nhiêu cái “sướng” đi nữa thì hầu hết các bạn đều phải thừa nhận rằng nghề đạo diễn này nhiều vất vả, khắc nghiệt hơn các nghề khác. Dẫu biết rằng phải đầu tư nhiều thời gian, tiền của, công sức, mặc dù chưa chắc đã thành công nhưng các bạn vẫn quyết tâm theo học vì yêu thích và đam mê, cùng với mong muốn được khẳng định tên tuổi của mình trong ngành đạo diễn.
Tùng Trần
Theo Infonet