Tâm Hoàng (19 tuổi, quê Nghệ An) là sinh viên đang thuê trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Do lo ngại dịch bệnh, anh dự định không về quê trong thời gian tới.
Anh Hoàng và những người cùng ở trọ thắc mắc trong đợt bầu cử ngày 23/5, họ có được tham gia bỏ phiếu tại nơi đang sống?
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra ngày 23/5. Ảnh: Lê Hiếu. |
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết theo quy định tại Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, cử tri được tham gia bầu cử ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã nếu thuộc các trường hợp sau:
Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.
Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên.
Và cuối cùng, cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ và đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.
Ngoài ra, theo quy định, người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tục để được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc cũng được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.
Với trường hợp của anh Hoàng, luật sư Tiền cho biết nếu thanh niên này có quyền tham gia bỏ phiếu tại nơi đang sống nếu có thời gian đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào chủ nhật, ngày 23/5.
Cả nước sẽ bầu 500 đại biểu trong số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại 184 đơn vị bầu cử. Trong số này, ứng viên do Trung ương giới thiệu là 203 người; địa phương có 665 người (bao gồm 9 người tự ứng cử).
Số ứng viên nữ là 393 người (45,28%); 185 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số (21,31%); 74 người ngoài Đảng (8,53%). Về trình độ chuyên môn, 564 ứng viên có trình độ trên đại học (64,98%); 294 có trình độ đại học (33,87%) và 10 dưới đại học.
Số ứng viên là đại biểu Quốc hội khóa XIV có 205 người (23,62%), dưới 40 tuổi là 224 (25,81%). Độ tuổi bình quân là 46 tuổi. Trong đó, người cao tuổi nhất là 77 tuổi, trẻ nhất là 24 tuổi.