Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở giáo dục khổ lây vì... Facebook

Trong nhiều trường hợp, phụ huynh và nhà trường không báo cáo Sở GD&ĐT về mâu thuẫn từ Facebook, nhưng đơn vị này vẫn phải vào cuộc.

Khi nhà trường và phụ huynh mâu thuẫn vì Facebook

"Tôi không ngờ hậu quả từ Facebook. Viết trên Facebook không phải lời nói theo gió bay nữa, mà có sức lan tỏa mạnh, mọi người hãy cẩn trọng khi phát ngôn trên đó", chị Hiếu, phụ huynh tại TP HCM từng trải lòng như vậy sau vụ việc chê cà vạt của trường con trai trên Facebook.

Chỉ vì hình ảnh và bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, con trai chị Hiếu bị thôi học, phía trường gặp áp lực lớn từ dư luận, còn Sở GD&ĐT TP HCM bất đắc dĩ cũng phải lên tiếng.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, phụ huynh không có đơn kiện nên phía Sở không yêu cầu trường phải nhận lại học sinh. Tuy nhiên, ngay khi nắm được vụ việc, lãnh đạo SởGD&ĐT đã phải tìm hiểu, yêu cầu phía trường giải trình.

Trong trường hợp này, phụ huynh căng thẳng, học sinh chuyển trường, nhà trường và cả Sở GD&ĐT đều "khổ" vì... Facebook.

Tương tự, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng phải vào cuộc tìm hiểu hai vụ việc mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường vì mạng xã hội.

Mới đây nhất, Trường THPT Lê Lợi buộc nữ sinh Nguyễn Q thôi học 10 ngày vì nói xấu cô giáo chủ nhiệm trên Facebook. Phụ huynh có đơn khiếu nại quyết định này và Sở GD&ĐT Hà Nội phải vào cuộc.

Chiều 6/11, ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội làm việc tại trường, yêu cầu Hiệu trưởng THPT Lê Lợi báo cáo cụ thể bằng văn bản về vấn đề này. 

Ông Dũng nhận định, bước đầu, nhà trường có những xử lý chưa phù hợp, chưa có tiếng nói chung giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh. 

Nhập mô tả cho eảnh
Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 29/9, chị Trang (31 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lập nhóm kín than phiền về bữa trưa, cách học ở trường mầm non trên Facebook. Sau đó, con trai hai tuổi rưỡi của chị cũng bị buộc thôi học. 

“Mình rất sốc và cố hỏi cô giáo không phù hợp tiêu chí nào của nhà trường, nhưng cô không trả lời… Phải chăng tiêu chí của nhà trường mà mình không đạt được là im lặng, không được phép kêu ca, phàn nàn bất cứ vấn đề gì? Đóng tiền xong, trường cho con mình ăn gì, dạy gì, phụ huynh không được lên tiếng?", nữ phụ huynh viết sau khi hay tin con bị Trường mầm non Kinder Care cơ sở Ngọc Hà đuổi học.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị quản lý trực tiếp trường mầm non này làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra, trường chưa có giấy phép hoạt động và cơ sở này mới chỉ trông khoảng 10 cháu.

Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình không đồng tình với quan điểm đuổi trẻ mầm non của trường vì... Facebook. “Trong quy định của ngành giáo dục, không có quy định nào đuổi học sinh mầm non cả. Các cháu ở độ tuổi này được quyền đến trường, lớp và học tập…”, ông Hùng nói.

Chê bai dễ hơn vào trường góp ý

Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát, đánh giá để có những giải pháp cụ thể trong việc sử dụng Facebook để tư vấn tâm lý từ những lợi ích mang lại.

Trong ba vụ việc đáng tiếc, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và TP HCM đều phải vào cuộc. Điều đáng nói, các cơ quan chức năng "khổ" vì những hậu quả không đáng có.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, trong vụ mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường vì chê cà vạt xấu trên Facebook, cả nhà trường và phụ huynh nên xem lại cách hành xử để có bài học cho riêng mình.

"Phụ huynh không nên đưa thông tin chê đồng phục của nhà trường lên mạng xã hội với những lời nói có phần hơi nặng nề, khiến thông tin bị hiểu theo nhiều cách khác nhau. Cách tốt nhất để giữ mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là góp ý trực tiếp trên tinh thần xây dựng. Nhà trường cũng nên ngồi lại để bàn luận về quy trình làm việc", ông Hoàng nói.  

Ông Chử Xuân Dũng cho rằng, trường học là nơi giáo dục chứ không phải kết tội học sinh. Làm thế nào để nhà trường, học sinh và gia đình luôn tìm được tiếng nói chung, giáo dục mới hiệu quả.

Đề cập góc độ khác, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP HCM) cho rằng, những năm tháng đầu đời của trẻ rất quan trọng. Những sự việc trên vô tình để lại bài học xấu cho các em. Phụ huynh không hài lòng cái gì cứ lên Facebook mà nói thoải mái những ngôn từ bực tức cho hả giận, không cần tôn trọng hay nghĩ đến thể diện của ai. Những bài học thực tế ấy từ cha mẹ sẽ “nhập tâm” tự nhiên vào con trẻ. 

Theo TS Hiếu, với không ít phụ huynh, chê bai trên Facebook dễ và nhanh hơn vào văn phòng trường góp ý trực tiếp.

Về văn hóa sử dụng mạng xã hội, PGS Văn Như Cương bày tỏ: “Mọi người viết trên Facebook cứ nghĩ mình đang ở trước mặt tờ giấy, muốn nói gì thì nói, nhưng thật ra có thể hàng nghìn người sẽ đọc. Hãy nghĩ đến chuyện bạn muốn quát ai đó, nếu xung quanh đông người, ta cũng phải kiềm chế lại. Việc chia sẻ trên Facebook cũng như vậy”.

Chia sẻ về việc sử dụng mạng xã hội, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho biết: "Tôi không cho phép con gái được sử dụng Facebook trước 15 tuổi. Khi bắt đầu được sử dụng, cháu phải ký vào bản cam kết với cha mẹ: Luôn giữ tình trạng kết bạn với cha mẹ. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, lịch sự khi tham gia Facebook. Không sử dụng Facebook để công kích, chỉ trích bất kể ai hay chính sách gì của Nhà nước. Sử dụng Facebook trong thời gian giới hạn theo quy định rõ ràng. Khi bị phạt phải chấp nhận khóa Facebook theo thời gian thỏa thuận với cha mẹ".

Theo nữ tiến sĩ, nếu phụ huynh nào cũng có nhận thức đầy đủ đối với mạng xã hội, những vụ việc đáng tiếc khiến cả lãnh đạo Sở GD&ĐT phải vào cuộc, đã không xảy ra.

Facebook: Mạng ảo, đuổi học thật

Một số trường học đã có quy định cụ thể về việc sử dụng mạng xã hội, nhưng học sinh vẫn vi phạm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm